15:51 11/05/2023

Sẽ ra sao nếu người Mỹ quen sống với lạm phát cao?

Ngọc Trang

Theo tờ báo Wall Street Journal, từng ám ảnh vì lạm phát, giờ đây, sự quan tâm của công chúng Mỹ không còn tập trung vào vấn đề này. Đây không phải là tin tốt, thậm chí có thể là tin xấu, bởi điều này đồng nghĩa rằng nhiều người dân Mỹ đã quen với lạm phát cao...

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh: Reuters
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh: Reuters

Mùa thu năm ngoái, người dân Mỹ ám ảnh với lạm phát - một vấn đề trọng tâm của cuộc bầu cử giữa kỳ. Theo khảo sát của Gallup khi đó, cứ 5 người được hỏi thì có 1 người nói rằng lạm phát là vấn đề quan trọng nhất với nước Mỹ.

Giờ đây, sự quan tâm của công chúng không còn tập trung vào lạm phát. Chỉ 9% người được hỏi cho rằng lạm phát là vấn đề quan trọng nhất, đứng sau sự lãnh đạo của Chính phủ và “nền kinh tế nói chung”. Lạm phát chỉ được quan tâm nhiều hơn so với vấn đề nhập cư và súng đạn. 

NGƯỜI MỸ QUEN VỚI LẠM PHÁT CAO

Theo các nhà phân tích, đây không phải là tin tốt, thậm chí có thể là tin xấu, bởi điều này đồng nghĩa rằng nhiều người dân Mỹ đã quen với lạm phát cao. Ngày càng nhiều người dân hành xử như thế lạm phát cao sẽ tiếp tục duy trì, thì khả năng điều này xảy ra càng cao hơn.

Theo đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ buộc phải chọn giữa việc tiếp tục ghìm lạm phát và có thể gây ra một cuộc suy thoái sâu, hoặc từ bỏ mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ ngày 10/5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức thấp nhất trong 2 năm qua và giảm đáng kể so với mức tăng 9,1% vào tháng 6/2022, chủ yếu nhờ giá xăng giảm. Sự sụt giảm giá tiêu dùng này lý giải nguyên nhân vì sao người dân Mỹ không còn quá ám ảnh về lạm phát, dù vẫn quan tâm hơn tới vấn đề này so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, lạm phát vẫn là một vấn đề lớn tại Mỹ. Lạm phát lõi - không tính giá thực phẩm, năng lượng, và là chỉ số mang tính dự báo tốt hơn về xu hướng giá cơ bản - ở mức 5,5% trong tháng 4, giảm từ 5,6% của tháng 3. Tính theo tháng, CPI lõi của Mỹ tăng 0,4% và tăng 5% nếu tính theo năm - tương tương với mức tăng trong 4 tháng qua.

Theo nhà phân tích độc lập Omair Sharif, không tính giá nhà ở, chỉ số giá dịch vụ lõi - một chỉ số được Fed theo dõi chặt chẽ - đã tăng nhẹ 0,1% trong tháng 4. Trong khi đó, tiền lương - vốn chịu ảnh hưởng lớn của giá dịch vụ - đã tăng 4-5% trong suốt 4 tháng đầu năm. Ông Sharif đánh giá con số này quá cao để có thể đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% của Fed.

Ban đầu, lạm phát tại Mỹ tăng vì hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là đại dịch và sự gián đoạn tới nguồn cung hàng hóa, dịch vụ và lao động do chiến tranh ở Ukraine. Thứ hai là các gói kích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ và mức lãi suất gần 0% khiến nhu cầu tiêu dùng trong nền kinh tế tăng lên.

Các yếu tố này giờ đây gần như đều đã giảm bớt. Chuỗi cung ứng đang trở về trạng thái bình thường. Còn nguồn cung lao động cũng hầu như đã được phục hồi, với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đã trở lại xu hướng trước đại dịch. Trong khi đó, giá xăng tại Mỹ đã trở lại mức trước khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine. Về nhu cầu, các gói kích thích tài khóa đều đã chấm dứt và kể từ tháng 3/2022, Fed đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp, từ mức gần 0% lên 5-5,25%.

RỦI RO TỪ TÂM LÝ GIÁ TĂNG - LƯƠNG TĂNG

 Về mặt lý thuyết, khi các yếu tố về cung cầu này giảm đi, thì lạm phát sẽ trở về mức 2%. Còn trên thực tế, giá một số hàng hóa dịch vụ đã giảm, giá thuê căn hộ tăng chậm hơn còn các nhà tuyển dụng không còn quá ráo riết tuyển người.

Tuy nhiên, lý thuyết này kèm theo một lời cảnh báo. Đó là thời gian để các yếu tố này lắng xuống càng lâu, thì càng có nhiều rủi ro khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cả và tiền lương nhanh hơn để duy trì hoạt động. Điều này có thể đang diễn ra ở thời điểm hiện tại.

“Chúng ta đang trải qua một quá trình mà ở đó cú sốc lạm phát lớn và dai dẳng bắt đầu ảnh hưởng tới việc thiết lập giá cả và tiền lương”, ông Bruce Kasman, nhà kinh tế trưởng tại JPMorgan Chase, nhận xét. 

Tâm lý về điều chỉnh giá cả và tiền lương thường dựa trên kỳ vọng về lạm phát trong tương lai. Các quan chức Fed tự an ủi mình bằng cách nhấn mạnh rằng kỳ vọng lạm phát trong dài hạn - khoảng 5-10 năm tới - vẫn ở mức gần 2%.

 

"Người tiêu dùng Mỹ đang giả định rằng nếu giá cả tăng lên, thì tiền lương của họ cũng tăng. Trước khi giả định này sụp đổ, họ sẽ chẳng mảy may quan tâm khi trả thêm 5-6% để mua một chai tương cà”.

Samuel Rines, chiến lược gia tại công ty tư vấn thị trường Corbu

Tuy nhiên, niềm tin của các quan chức Fed rằng kỳ vọng lạm phát dài hạn có thể dự báo hành vi tốt hơn so với kỳ vọng ngắn hạn lại thiếu cơ sở thực tế. Theo nghiên cứu của Đại học Michigan, kỳ vọng trong ngắn hạn của người tiêu dùng là lạm phát ở mức trên 4% liên tục trong vòng 2 năm tới. Còn các doanh nghiệp, với vai trò thiết lập giá cả, cũng dự báo lạm phát ở mức trên 5% trong năm tới, theo một khảo sát của hai nhà kinh tế Olivier Coibion và Yuriy Gorodnichenko.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh mới công bố gần đây, các doanh nghiệp đã ít phàn nàn hơn về chi phí đầu vào hay tình trạng thiếu lao động, nhưng nói về khả năng tăng giá nhiều hơn. Một từ được các giám đốc tài chính sử dụng nhiều là “độ co giãn”: Mức độ nhạy cảm của doanh thu trước việc tăng giá. Mức độ nhạy cảm càng thấp thì càng tốt cho công ty.

“Xét trên tổng thể, độ co giãn của chúng tôi vẫn ở mức thuận lợi”, ông Andre Schulten, giám đốc tài chính của Procter & Gamble, cho biết vào tháng trước, đề cập tới quý 1 với doanh số giảm 3% so với một năm trước trong khi giá tăng khoảng 10%.

“Khi Coca-Cola, Pepsi, Kimberly-Clark, Kraft Heinz và Conagra tăng giá, điều này sẽ ảnh hưởng đến các nhà hàng. Và khi chúng ta thấy Hilton và Marriott nói về doanh thu bình quân hàng ngày tăng lên, điều này sẽ dẫn đến lạm phát dịch vụ”, ông Samuel Rines, chiến lược gia tại công ty tư vấn thị trường Corbu, phân tích. “Xu hướng này sẽ tiếp tục cho tới khi người tiêu dùng thắt hầu bao”.

Theo ông Rines, người tiêu dùng Mỹ đang giả định rằng nếu giá cả tăng lên, thì tiền lương của họ cũng tăng.

“Trước khi giả định này sụp đổ, họ sẽ chẳng mảy may quan tâm khi trả thêm 5-6% để mua một chai tương cà”, ông nói.

Một số nhà hoạch định chính sách cho rằng các doanh nghiệp đang làm tình hình lạm phát tồi tệ hơn khi cố gắng thúc đẩy lợi nhuận của mình bằng việc tăng giá. Tuy nhiên, theo tính toán dựa trên dữ liệu Chính phủ của ông Riccardo Trezzi, người sáng lập dịch vụ nghiên cứu Underlying Inflation, sự đóng góp vào lợi nhuận của giá cả sẽ giảm xuống vào quý 4 năm nay.

Dù thế nào, trong ngắn hạn, việc tiền lương đẩy giá cả tăng lên hoặc ngược lại sẽ sớm không còn phù hợp với thực tế nữa. Một khi lạm phát được neo ở mức cao ổn định, tiền lương và giá cả sẽ cùng tăng. Trong tình huống này, có thể sẽ cần tới một cuộc suy thoái sâu để giảm lạm phát.

Đó có vẻ là lý do thị trường đang dự báo rằng lạm phát sẽ giảm sâu trong năm tới và Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy sẽ có một cuộc suy thoái nhẹ. Nhà ở, lĩnh vực nhạy cảm nhất với lãi suất cao, đã ổn định, và việc làm trong lĩnh vực xây dựng đang tăng.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng, không phải suy thoái, mà sự giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế sẽ đủ để đưa lạm phát về mức 2%. Fed đã phát tín hiệu có thể sẽ ngừng tăng lãi suất.