16:25 03/03/2023

Sửa Luật viễn thông: Bổ sung quy định quản lý các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn

Nhĩ Anh

Việc sửa đổi Luật Viễn thông năm 2009 là cần thiết, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, bảo đảm an ninh quốc gia, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2023 vừa được Chính phủ ban hành, Chính phủ quyết nghị một số dự án luật trong đó có dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung của dự án Luật, đồng thời yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu tối đa ý kiến thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện dự án luật.

Theo đó, tiếp tục đánh giá kỹ, toàn diện việc thực hiện Luật Viễn thông năm 2009, khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập do quy định hiện hành; sửa đổi các quy định chưa phù hợp; bổ sung quy định để quản lý các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; có cơ chế thúc đẩy phát triển thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh; hỗ trợ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia.

Nghị quyết cũng yêu cầu tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; tăng cường phân cấp về thẩm quyền; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; sửa đổi, luật hóa các quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với nhu cầu thực tiễn và cam kết quốc tế của Việt Nam.

 
Khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập do quy định hiện hành; sửa đổi các quy định chưa phù hợp; bổ sung quy định để quản lý các vấn đề mới phát sinh; có cơ chế thúc đẩy phát triển thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh...

Cùng với đó nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách mới về dịch vụ ứng dụng Internet trong hoạt động viễn thông, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây; điều kiện cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng tại Việt Nam, bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với xu thế hội nhập và sự thay đổi về công nghệ thông tin, viễn thông.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh sự kế thừa quy định của luật hiện hành về Quỹ viễn thông công ích Việt Nam để hoàn thiện quy định của dự thảo Luật, phù hợp mục tiêu hỗ trợ các hoạt động viễn thông công ích theo quy định của luật, có cơ chế quản lý, sử dụng, đóng góp của quỹ bảo đảm thiết thực, hiệu quả; đánh giá hiệu quả của quỹ theo Nghị quyết số 792/NQ-UBVQH14 về đánh giá hoạt động của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước, bảo đảm việc quản lý, sử dụng Quỹ thiết thực, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tế trong từng giai đoạn.

Tiếp tục rà soát các luật hiện hành và các luật đang sửa đổi như: Luật Công nghệ thông tin, Luật Đầu tư, Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Giá, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng… để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Rà soát các quy định giao Chính phủ quy định chi tiết, thể hiện trong Luật các nội dung có tính ổn định; giao Chính phủ quy định những nội dung có tác động bởi sự thay đổi về công nghệ và tình hình phát triển để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật bảo đảm chất lượng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà được giao chỉ đạo việc hoàn thiện dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Luật Viễn thông được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2010, có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành viễn thông nói riêng, đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về viễn thông ở nước ta, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa.

Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn thi hành đã giúp thúc đẩy cạnh tranh, phát triển cơ sở hạ tầng mạng viễn thông hiện đại, phát triển thị trường viễn thông với đa dạng các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, trải qua hơn 10 năm triển khai thi hành thực tế, một số quy định của Luật Viễn thông đã bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu trong thực tiễn cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển mới.

Do đó, việc sửa đổi Luật Viễn thông là cần thiết để khắc phục triệt để những vướng mắc, bất cập và bảo đảm phù hợp với thực tiễn của lĩnh vực viễn thông; đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý phù hợp với xu thế hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin, xu thế chuyển đổi số quốc gia.