Sửa quy định về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc, hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường...
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành quyết định về việc sửa đổi quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong đó sửa quy định về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 1/7/2022 đã không còn quy định về tiền lương tối thiểu của người đã qua học nghề, đào tạo nghề mà chỉ quy định về mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo tháng, theo giờ.
Do đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã bãi bỏ tiết a, tiết b điểm 2.6 khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH về ban hành quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.
Nội dung bãi bỏ bao gồm: "Người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường".
Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (trường hợp do đơn vị quyết định) không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc, hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.
Như vậy, sau khi bỏ nội dung trên thì đã đồng bộ quy định về tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề giữa Quyết định 595/QĐ-BHXH và Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
Liên quan đến vấn đề này, Nghị định số 49/2013/NĐ-CP đã quy định một số nội dung có tính định lượng, bắt buộc trong nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương, trong đó có nguyên tắc mức lương thấp nhất của công việc đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 7% mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động bình thường; khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc liền kề phải đảm bảo khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, nội dung này chỉ phù hợp với giai đoạn trước đây khi năng lực thương lượng của người lao động còn hạn chế. Đến nay việc quy định này được đánh giá là can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp và không còn phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường.
Vì vậy, Bộ luật Lao động 2019 đã thể chế hóa, không còn quy định nội dung Chính phủ ban hành các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương, mà để doanh nghiệp và người lao động thương lượng, quyết định, trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động.
Chính phủ chỉ còn quy định lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động làm công việc giản đơn, đối với các mức lương khác cao hơn như đối với mức lương của công việc qua học nghề, đào tạo thì do hai bên thương lượng, thỏa thuận.
Cũng liên quan đến tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất hai phương án.
Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến góp ý, trên cơ sở cân nhắc ưu, nhược điểm của từng phương án, tính khả thi và hài hòa lợi lích các bên trong bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay, cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện phương án trên cơ sở phương án 1.
Theo đó, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật. Đây là những khoản được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Trên cơ sở đó, giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm xác định cụ thể các khoản phải đóng, không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc xác định tiền lương tháng đối với trường hợp thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, tuần và theo sản phẩm, khoán.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2022, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động đạt 5,73 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 75% thu nhập bình quân của người lao động làm công, hưởng lương.