08:40 04/03/2016

Sửa Thông tư 36: “Tín hiệu phát ra kịp thời”

Duy Cường

“Tín hiệu phát đi của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại là cần thận trọng hơn”

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam.
“Tôi nghĩ hướng sửa một số điều Thông tư 36 là rất đúng. Đây là tín hiệu phát ra kịp thời cho các doanh nghiệp”, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nói với VnEconomy, bên lề hội thảo về kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2016 với chủ đề “Tăng trưởng kinh tế và triển vọng đầu tư trong bối cảnh mới”, do Ban Kinh tế Trung ương và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Tp.HCM ngày 3/3.

Nhiều khả năng GDP vượt mục tiêu

Năm nay với diễn biến với 2 tháng vừa đầu năm, ông nhìn nhận thế nào về khả năng GDP sẽ đạt mục tiêu 6,7% đã đề ra?

Tôi cho rằng nhiều khả năng GDP vượt chỉ tiêu nêu trên và có thể đạt 6,8%, 6,9%, thậm chí có thể tăng tới 7% trong bối cảnh sự hồ hởi của các doanh nghiệp FDI đối với Việt Nam đang rất cao.

Trước khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, rất nhiều doanh nghiệp Hồng Kông và Trung Quốc đổ vốn rất lớn để xây dựng các nhà máy sản xuất dệt may ở Việt Nam để hưởng lợi từ TPP.

Đây là động lực rất lớn cho nền kinh tế năm nay, cộng thêm bất động sản ấm lên sức cầu sẽ cải thiện và lan tỏa. Bất động sản ấm lên sẽ liên quan ngành vậy liệu xây dựng, còn bản thân người dân cũng thấy giàu lên dẫn tới cầu hàng hóa tốt hơn. Tự nhiên nó sẽ là lực đẩy nền kinh tế trong năm nay. Đà này duy trì tối thiểu trong 3-4 năm nữa.

Tuy nhiên, có một bài toán mà chúng ta phải tính, sau thời kỳ tăng trưởng hồ hởi như vậy… Lý do doanh nghiệp FDI vào Việt Nam là vì nhân công giá rẻ, ưu đãi về thuế, nhưng khi những yếu tố này không còn hấp dẫn nữa thì có khả năng họ sẽ chuyển dịch đi.

Khi đó thì doanh nghiệp chúng ta liệu có duy trì được mức tăng trưởng cao?

Trong vòng 3 năm tới sẽ rất lợi thế để cải cách sâu rộng… và nếu tận dụng lực đẩy này giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng, phát triển tầm vóc doanh nghiệp trong nước lên, thì ngay cả khi doanh nghiệp FDI rời bớt khỏi Việt Nam thì doanh nghiệp trong nước vẫn đủ sức để phát triển nền kinh tế.

Tránh vòng xoáy nợ xấu quay lại

Với diễn biến 2 tháng đầu năm, theo ông, lạm phát năm nay có đáng lo ngại?

Với mức lạm phát hai tháng đầu năm là 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thì thực tế nó chưa phải là cao so với năm trước. Tuy nhiên, nó cho thấy xu hướng rất rõ là có sự thay đổi mạnh so với năm 2015.

Có nhiều lý do. Thứ nhất là bản thân giá xăng dầu gần như là đã chạm đáy rồi và nó xác lập một mức mà nếu có sự thay đổi giá trong tương lai, dù rất nhỏ thì tỷ lệ phần trăm rất lớn. Vì tăng 5 USD trên mức giá 100 USD/thùng dầu so với mức 30 USD/thùng dầu thì nó có tỷ lệ tăng rất khác nhau.

Thứ hai là bản thân cầu của nền kinh tế có sự khởi sắc rất mạnh mẽ, đặc biệt nhìn vào lĩnh vực bất động sản. Đặc biệt là niềm tin người tiêu dùng cao giúp cầu nền kinh tế có tăng lên. Trong bối cảnh đó, rất nhiều khả năng mục tiêu lạm phát không quá 5% của năm 2016 sẽ bị phát vỡ nếu không kiểm soát chặt lượng cung tiền ra nền kinh tế.

Theo tôi, chúng ta nên kiểm soát chặt mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu 18-20%, không nên du di hay nới lỏng thêm mức tăng tăng tín dụng so với mục tiêu đã đề ra. Tín dụng mà tăng trên 20% là mức cao đối với nền kinh tế.

Chúng ta thấy dòng vốn hiện nay vẫn chưa đi vào những lĩnh vực có hiệu quả. Rất nhiều phần vốn tín dụng năm 2015 đi vào các dự án về bất động sản hoặc về cơ sở hạ tầng.

Gánh nặng về nguồn vốn vẫn đặt nặng lên các ngân hàng rất nhiều, thay vì các kênh trái phiếu hay tín phiếu. Đa phần nguồn vốn các ngân hàng đều là vốn ngắn hạn trong khi tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng nhiều khi thời gian vay lên tới 20-30 năm. Trong khi tính hiệu quả của cho vay cơ sở hạ tầng vẫn là dấu hỏi.

Vì vậy, không cẩn thận lại lặp lại bài toán vòng xoáy nợ xấu sẽ quay trở lại các ngân hàng. Do vậy, chúng ta phải hết sức cẩn trọng trong việc cung ứng vốn ra nền kinh tế…
 
“Tín hiệu phát ra kịp thời”

Hiện Ngân hàng Nhà nước đã có dự thảo sửa đổi thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN, trong đó giảm việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn và tăng hệ số rủi ro với cho vay lĩnh vực bất động sản. Ông đánh giá thế nào về hướng sửa đổi này?

Tôi nghĩ với hướng sửa một số điều Thông tư 36 là rất đúng. Đó là tín hiệu phát đi của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại cần thận trọng hơn, đặc biệt là cho vay bất động sản.

Đây là tín hiệu phát ra rất kịp thời cho các doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp nên nhìn vào đó để biết định hướng kinh doanh của mình để tránh lặp lại bài toán năm 2009.

Theo tôi, bản thân các doanh nghiệp không nên kỳ vọng lãi suất giảm. Chúng ta phải chấp nhận đã bước vào chu kỳ tăng trưởng thì lãi suất sẽ tăng lên thay vì giảm đi. Các doanh nghiệp phải đưa vào bài toán kinh doanh để đảm bảo kinh doanh có hiệu quả.

Đối với hướng sửa đổi nâng hệ số rủi ro với cho vay lĩnh vực bất động sản lên mức 250%, theo tôi đây là mức cao nhưng hợp lý trong bối cảnh năm 2015 một lượng lớn vốn ngân hàng đã đổ vào thị trường bất động sản.

Một ví dụ đơn giản nhất chúng ta nhìn lượng cung rất lớn của các dự án ở quận 2, Tp.HCM. Nếu chúng ta không cẩn trọng thì bản thân cầu của nền kinh tế có giới hạn, thu nhập của người dân cũng có giới hạn nhất định để có thể mua được căn hộ dự án.

Do vậy, nếu để nguồn cung rất nhiều trong tương lai, nếu không thận trọng thì ngân hàng vướng cả vào nhà phát triển bất động sản lẫn khách hàng vay mua bất động sản.

Gần đây lãi suất một số ngân hàng tăng, thậm chí là ngân hàng lớn. Đây là hiện tượng nhất thời hay nó là tín hiệu cảnh báo cho các doanh nghiệp về lãi suất cho vay sẽ tăng?

Xu hướng năm nay tôi không kì vọng lãi suất giảm xuống. Mặc dù định hướng chủ trương là đưa mặt bằng lãi suất xuống để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện khối FDI vẫn kinh doanh tốt nhất, trong khi  doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó khăn.

Đúng là các doanh nghiệp kỳ vọng hạ lãi suất để đỡ khó khăn, tuy nhiên chúng ta phải nhìn rộng ra bối cảnh nền kinh tế thế giới. Đối với việc Trung Quốc thay đổi chính sách về tỷ giá…nếu chúng ta không duy trì mặt bằng lãi suất tiền đồng ổn định, chúng ta vô hình chung tạo ra áp lực rất lớn khi người dân chuyển gửi tiền đồng ra ngoại tệ.

Đó là lý do tại sao vẫn phải duy trì mặt bằng lãi suất đủ hấp dẫn.

Yếu tố thứ hai là cầu nền kinh tế thay đổi so với năm trước. Tăng trưởng tín dụng thường tăng cuối năm, đầu năm lại giảm. Tuy nhiên 2 tháng đầu năm nay tăng trưởng tín dụng rất đều và chắc.

Cầu tín dụng có sự thay đổi về cơ bản. Hàng loạt dự án lớn các ngân hàng tích cực tham gia cho vay. Trong bối cảnh cầu tín dụng tăng như vậy mặt bằng lãi suất sẽ không giảm mà sẽ tăng nhẹ. Khả năng lãi suất tăng mạnh thì khó vì Nhà nước muốn duy trì mặt bằng đủ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp năm 2016.