17:30 05/02/2024

Suy giảm kinh tế ở Trung Quốc nhìn từ thị trường thịt lợn dịp Tết

Hoài Thu

Nhiều tháng qua, thị trường thịt lợn tại Trung Quốc ảm đạm do nhu cầu thấp, nhưng điều đáng nói là tình trạng này tiếp tục kéo dài khi Tết Nguyên đán đã cận kề...

Tiểu thương buôn thịt lợn ở Trung Quốc lao đao vì nhu cầu tiêu thụ yếu dù Tết đã cận kề - Ảnh: Bloomberg
Tiểu thương buôn thịt lợn ở Trung Quốc lao đao vì nhu cầu tiêu thụ yếu dù Tết đã cận kề - Ảnh: Bloomberg

Với các gia đình Trung Quốc đang chuẩn bị cho Tết Nguyên đán - dịp lễ quan trọng nhất năm - thịt lợn là thực phẩm không thể thiếu. Tượng trưng cho sự thịnh vượng và đủ đầy, thịt lợn được dùng trong vô số món ăn. Tuy nhiên, ở khu chợ Xinmin tại Bắc Kinh, tiểu thương Wu Aizhen đang khá chật vật. Dù giá thịt lợn đã giảm khoảng 20% so với một năm trước, bà vẫn chỉ đang bán được lượng thịt bằng khoảng 70% so với dịp lễ bình thường.

Theo hãng tin Bloomberg, nhiều tháng qua, thị trường thịt lợn tại Trung Quốc ảm đạm do nhu cầu thấp. Tuy nhiên, điều đáng nói là tình trạng này tiếp tục kéo dài khi bước vào mùa cao điểm, cho thấy nhu cầu tiêu thụ thịt lợn yếu cùng nguồn cung dư thừa tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bên cạnh đó, lương giảm đã giáng một đòn mạnh khiến các hộ gia đình phải thắt chặt chi tiêu.

“Năm nay rất khó tăng giá bán dù đã cận kề Tết Nguyên đán”, bà Wu, người đã bán thịt lợn tại chợ Xinmin 20 năm, chia sẻ.

Cách đó vài trăm km về phía Đông, ông Gong Cheng, chủ một sạp thịt lợn, cũng đang lo lắng. Ông cho biết, trước đây, lao động nhập cư – nhóm lao động có vai trò quan trọng với ngành xây dựng và dệt may tại địa phương – chi bình quân khoảng 1.000 nhân dân tệ (140 USD) mỗi hộ gia đình để mua thịt lợn và làm xúc xích vào dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay, họ chỉ chi 300 nhân dân tệ hoặc thậm chí không chi đồng nào cho loại thực phẩm này.

“Rõ ràng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn không tăng lên cùng với nguồn cung kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 vào năm ngoái, dù số lượng người đi ăn hàng đã tăng trở lại. Dù dữ liệu cho thấy tình hình không khả quan, người chăn nuôi vẫn tăng đàn lợn để bù đắp cho thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi”, ông Duncan Wrigley, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics (Anh), nhận định.

Thịt lợn tại một chợ bán buôn ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
Thịt lợn tại một chợ bán buôn ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Trung Quốc chiếm gần 50% tổng lượng tiêu thụ và sản xuất thịt lợn toàn cầu. Mỗi năm, người dân nước này tiêu thụ lượng thịt lợn nhiều gấp hơn 5 lần so với ở Mỹ. Tuy nhiên, năm ngoái, lượng tiêu thụ thực phẩm này tại đất nước tỷ dân đã giảm 1 triệu tấn, xuống còn gần 54 triệu tấn – theo số liệu từ công ty tư vấ Shanghai JCI. Dù không quá đột ngột, nhưng đây là sự sụt giảm đáng kể giữa thời điểm các gia đình Trung Quốc lẽ ra sẽ ăn tiêu, giải trí trở lại sau đại dịch và nguồn cung thịt lợn cũng đã tăng lên đáng kể.

Tình trạng này tô thêm một mảng xám trên bức tranh giảm phát đáng lo ngại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thực phẩm chiếm khoảng 20% chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc, trong đó thịt lợn chiếm tỷ trọng đáng kể. Tháng 12/2023, CPI của Trung Quốc giảm tháng thứ ba liên tiếp và xu hướng này được dự báo sẽ kéo dài sang năm nay.

“Tiêu thụ thịt lợn giảm ở mức đáng lo ngại trong nhóm người tiêu dùng thu nhập thấp”, ông Darin Friedrichs, người đồng sáng lập kiêm giám đốc nghiên cứu thị trường tại công ty tư vấn chuyên lĩnh vực nông nghiệp Trung Quốc Sitonia Consulting, nhận xét.

“Nếu nói về ai đó đang làm việc tại một ngân hàng ở Thượng Hải thì họ vẫn ổn, vẫn ra ngoài và tiêu tiền. Nhưng ở một khu vực chiếm tỷ trọng lớn của nền kinh tế, nhóm lao động nhập cư và lao động chân tay không ổn chút nào và họ đang phải cắt giảm chi tiêu đáng kể”, ông Friedrichs nói thêm.

Ở một thành phố thuộc Giang Tô - một tỉnh có nền kinh tế phát triển ở Trung Quốc - Li Fumin, quản lý của hơn chục quán ăn tự phục vụ dành cho hàng chục nghìn người lao động nhập cư, đang lo rằng ông có thể phải đóng cửa các nhà hàng bởi thực khách giờ đây chuyển sang gọi các món rau có giá rẻ hơn thay vì thịt lợn.

“Mọi người đều khó kiếm tiền, vì vậy khách hàng đang ăn ít thịt hơn”, ông Li cho biết. Các nhà hàng của ông đã ngừng bán những món đắt tiền như thịt bò và thịt cừu.

Sự thay đổi khẩu vị này, cộng với những thay đổi trong thói quen ăn uống và giải trí, diễn ra sau nhiều năm tăng trưởng và hiện đại hóa ở Trung Quốc – khoảng thời gian nước này thường xuyên đối mặt với các cơn sốt thịt lợn và phải đưa ra biện pháp đảm bảo an ninh nguồn cung như xây các trại lợn cao tầng.

Dữ liệu công bố tháng trước cho thấy sản lượng thịt lợn năm 2023 của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 9 năm. Năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã phải can thiệp 3 lần bằng cách mua thịt lợn cho kho dự trữ chiến lược nhằm đẩy giá mặt hàng này lên.

Theo bà Even Pay, nhà phân tích nông nghiệp tại công ty tư vấn nghiên cứu chính sách Trivium China, lượng tiêu thụ thịt lợn giảm tạo ra một “vòng tròn luẩn quẩn” bởi điều này khiến lượng cung ra thị trường càng lớn.

“Ví dụ, các công ty chăn nuôi đợi để bán lợn vào khoảng Trung Thu hoặc mùa lễ tháng 10 năm ngoái với hy vọng được giá cao hơn sẽ nuôi lợn lâu hơn nhưng rồi lại bán ra thị trường những con lợn có trọng lượng lớn hơn với mức giá thấp hơn”, bà Pay chỉ ra.

Tình trạng này ảnh hưởng nhiều nhất tới các hộ chăn nuôi gia súc nhỏ – nhóm đang nuôi khoảng 40% tổng quy mô đàn lợn tại Trung Quốc.

“Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp chăn nuôi tôi chứng kiến thua lỗ lớn như vậy”, ông Dan Lu, một chuyên gia về chăn nuôi lợn ở miền Nam Trung Quốc, chia sẻ. Cứ 10 hộ chăn nuôi nhỏ trong khu vực mà ông phụ trách thì có một hộ phải đóng cửa trang trại.

Các cơ sở chăn nuôi lớn cũng không miễn nhiễm với khủng hoảng. Cơ sở chăn nuôi lợn Fujian Aonong Biological Technology Group tuần trước cho biết có thể sẽ hủy niêm yết trên sàn chứng khoán trong vài năm tới do liên tiếp thua lỗ vì giá lợn thấp. Một số công ty chăn nuôi lợn khác hoặc bị thâu tóm hoặc đã bán tài sản để huy động tiền.