13:40 13/12/2021

Tài chính bền vững và số hóa là hai vấn đề quan trọng với Việt Nam thời hậu Covid-19

Gần đây tài chính xanh và chuyển đổi số được ngành ngân hàng đặc biệt quan tâm. Cần tiếp tục phát huy những gì đã làm được trong năm 2022...

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam

Theo ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, hai lĩnh vực quan trọng với Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19 nhằm đảm bảo ngành tài chính có thể phát huy tối đa tiềm năng, đó là tài chính bền vững và số hóa.

TÀI CHÍNH XANH VẪN CÒN NON TRẺ

Trong báo cáo mới công bố sáng nay, Việt Nam là quốc gia đón nhận lượng FDI lớn nhất ở ASEAN xét trên tỷ trọng với GDP. Các tập đoàn toàn cầu ngày càng chú trọng đến ESG và bền vững, họ sẽ đòi hòi một nguồn lực bền vững tốt hơn cả về chất lẫn lượng ở các quốc gia họ có hoạt động.

Đặc biệt, Việt Nam tiếp nhận giá trị đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất ở khu vực ASEAN và có tiềm năng nhất về khả năng phát triển năng lượng tái tạo trong khu vực đi kèm với tăng trưởng nhờ đầu tư nước ngoài.

Với tình hình thực tế như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã năng động phát triển nhiều sáng kiến hỗ trợ phát triển tài chính xanh. Trong đó, tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai lấy ý kiến của các tổ chức tài chính góp ý vào Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Cụ thể, thông tư trên sẽ có hiệu lực thi hành 1/1/2022, các ngân hàng phải ban hành Quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng và gửi về Ngân hàng Nhà nước, chính thức tạo ra khuôn khổ pháp lý chung cho tài chính xanh ở Việt Nam.

Đến năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu phấn đấu ít nhất 10 - 12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội và 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh. Ngân hàng Nhà nước khuyến khích tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược tài chính xanh độc lập hoặc lồng ghép vào kế hoạch phát triển hàng năm của mình.

Tuy nhiên, theo khảo sát do IFC và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành, hiện nay không nhiều ngân hàng Việt Nam có chính sách, quy trình hoặc hệ thống chính thức để quản lý rủi ro môi trường và xã hội của khách hàng. Một trong những rào cản lớn nhất là thiếu hướng dẫn cụ thể về xác định và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong tài trợ dự án.

Do đó, ông Tim Evans cho rằng, năm 2021 chứng kiến những bước tiến tích cực đối với tài chính xanh của Việt Nam thông qua nhiều giao dịch lớn liên quan đến bền vững, thế nhưng thị trường này mới đang ở giai đoạn non trẻ.

"Theo quan sát của chúng tôi, thị trường còn cần vượt qua một số trở ngại khác trong vài năm tới, trong đó bao gồm thiếu nhân sự có chuyên môn và kỹ năng, thị trường chưa có tiêu chuẩn thống nhất về tài chính “xanh” và phân loại đúng nghĩa, các đơn vị có tầm ảnh hưởng trên thị trường không thể hiện cam kết rõ ràng và mạnh mẽ, độ “vênh” về thời hạn giữa nhu cầu tài chính với nguồn vốn và dữ liệu ESG minh bạch không có", ông Tim Evans nhấn mạnh.

Vì vậy, ông Tim Evans đưa ra một số khuyến nghị như: Ngân hàng Nhà nước có thể ban hành yêu cầu cụ thể cho từng công cụ tín dụng để ngân hàng phát triển khung tài chính xanh tốt hơn và ngân hàng chủ động lên kế hoạch; cân nhắc áp dụng trần tăng trưởng tín dụng cao hơn cho những ngành thuộc nhóm xanh hoặc hỗ trợ tài chính cho tín dụng xanh.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng không nên áp dụng hoặc giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc đối với số dư xanh. Bên cạnh đó phải áp dụng kiểm tra giới hạn rủi ro khí hậu trên sổ sách ngân hàng, việc này có thể cho ra nhiều kết quả yêu cầu vốn khác nhau phụ thuộc vào tỷ trọng khoản cho vay xanh của từng ngân hàng.

Đồng thời, nhà điều hành nên yêu cầu áp dụng công bố thông tin về môi trường trong báo cáo tài chính nhằm tăng trách nhiệm của các ngân hàng và công khai với các bên liên quan cách quản lý rủi ro tài chính.

COVID-19 LÀ MỘT XÚC TÁC GIÚP ĐẨY NHANH SỐ HOÁ

Theo ông Tim Evans, một điều khiến năm 2021 trở nên đặc biệt quan trọng đó là đại dịch Covid-19 đóng vai trò như một yếu tố xúc tác giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ số hóa nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Trước khi Covid-19 xuất hiện, tỷ lệ đón nhận số hóa của Việt Nam còn khá thấp vì khách hàng chưa nhìn thấy lý do thôi thúc họ phải đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng qua mạng bởi mọi người còn đang chấp nhận quy trình sử dụng giấy tờ và chữ ký sống. Khi Việt Nam áp dụng biện pháp giãn cách lần đầu vào tháng 4/2020, người dân mới nhận ra tầm quan trọng của ngân hàng trực tuyến và các dịch vụ trên mạng.

Số liệu của Ernst & Young cho thấy, khoảng 85% người tiêu dùng đã sử dụng ứng dụng thương mại điện tử trên điện thoại thông minh để mua sắm hàng hóa, dịch vụ ít nhất một lần một tuần và 44% người tiêu dùng đã mua hàng hóa và dịch vụ trên các kênh mạng xã hội khi đại dịch xuất hiện.

Tại HSBC Việt Nam, tỷ lệ sử dụng ngân hàng trực tuyến tăng mạnh với các giao dịch kinh doanh thương mại và nhu cầu sử dụng các nền tảng số khác cũng tăng lên nhanh chóng vì khách hàng có thể thực hiện mọi giao dịch. Lợi thế phát sinh trong nghịch cảnh chính là Covid-19 đã thúc đẩy tỷ lệ chấp nhận và sử dụng ngân hàng số gia tăng.

"Theo quan sát của chúng tôi, nhiều ngân hàng ở Việt Nam cũng đã chủ động triển khai số hóa quy trình nội bộ như hệ thống giao dịch thời gian thực và các kênh đầu cuối như định danh khách hàng trực tuyến, thanh toán bằng mã QR… Một số ngân hàng cũng đã đưa vào kế hoạch ứng dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn, API mở, chuỗi khối hay trí tuệ nhân tạo", lãnh đạo HSBC nhấn mạnh.

Bên cạnh những điều đã đạt được, ông Tim Evans cho biết, theo McKensey, 71% khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng Việt Nam sẵn sàng tiếp cận sản phẩm ngân hàng qua các kênh số hóa nhưng chỉ 23% đã thực sự hoàn tất các bước để mua sản phẩm của ngân hàng trực tuyến hoặc qua ứng dụng di động.

"Thay đổi tư duy không phải một việc dễ dàng làm được ngay trong một sớm một chiều nhưng chúng ta cần lắng nghe những băn khoăn của khách hàng và thể hiện rõ phía ngân hàng sẽ hỗ trợ khách hàng ra sao khi họ bắt đầu thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch như hiện nay", ông Tim Evans nói.

Vì vậy, ông Tim Evans cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục phát huy những gì đã làm được trong năm 2022 sắp tới vì nhu cầu khách hàng luôn biến đổi không ngừng và đại dịch Covid-19 còn chưa chấm dứt hoàn toàn. Mỗi ngân hàng cần tiếp tục đầu tư vào ngân hàng số để theo kịp nhu cầu và hành vi của khách hàng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần giúp những người dân còn mang tâm lý e ngại thay đổi và lo lắng về an toàn trên không gian mạng.

"Hiện tại, nhiều chuyên gia tin rằng chuyển đổi số sẽ là động lực quan trọng giúp phục hồi và phát triển kinh tế. Khi đó, ngành ngân hàng sẽ đóng vai trò không nhỏ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam", ông Tim Evans nhấn mạnh.