12:55 17/09/2021

Tài sản bảo đảm ý nghĩa gì khi nhà phát hành trái phiếu vỡ nợ?

Hiện một số doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu có tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, việc lựa chọn mua số trái phiếu này cũng khó có thể thể giúp nhà đầu tư tránh được bài toán rủi ro...

Số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA) cho biết, luỹ kế 8 tháng đầu năm, thị trường ghi nhận 490 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 308.517 tỷ đồng.

Riêng nhóm doanh nghiệp bất động sản có tổng khối lượng phát hành 107.980 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 21,6% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8% - 13%/năm.

Theo lãnh đạo đơn vị chức năng của Bộ tài chính, lãi suất cao luôn đi kèm với rủi ro cao. Do đó, nhà đầu tư phải phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

 

"Tài sản đảm bảo chỉ có tác dụng lớn đối với hoạt động tín dụng của ngân hàng nhiều hơn. Với trái phiếu, trực tiếp chào bán ra công chúng, hay gián tiếp qua phát hành riêng lẻ và được phân phối lại thì không có ý nghĩa nhiều cho việc đánh giá rủi ro/ khả năng thu hồi nợ". (Ông Nguyễn Quang Thuân, chủ tịch Fiin Group)

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup còn cho rằng, một số doanh nghiệp có tài sản thế chấp nhưng họ không có ý định trả nợ thì nhà đầu tư cũng rất khó để xử lý.

Ngoài ra, trong phương pháp luận của xếp hạng tín nhiệm thì tài sản thế chấp không có giá trị nhiều. Dẫn giải vấn đề này, ông Thuân đưa ra ví dụ, tập đoàn Evergrande tại Trung Quốc đang trong giai đoạn đứt thanh khoản không trả được lãi, nợ gốc đến hạn và phải đối mặt với khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Điều đáng nói, 54% trong tổng nợ vay của Evergrande là "có tài sản thế chấp" nhưng thực tế nhà đầu tư trái phiếu và chủ nợ chưa thể nhanh chóng xử lý.

"Trong đống tài sản thế chấp này cũng có cả cổ phiếu của chính Evergrande. Song giá thị trường trái phiếu và cổ phiếu đều chỉ còn 20-25% so với trước kia 1 năm. Giờ thì ngân hàng được cử làm quản lý và giám sát tài sản thế chấp cũng chịu. Cơ bản là nhà đầu tư mất hết tiền nếu bán ở giá này hoặc lùi lãi và gốc 5 năm đợi doanh nghiệp tái cấu trúc", ông Thuân nói.

Vì vậy, theo ông Thuân, tài sản đảm bảo chỉ có tác dụng lớn đối với hoạt động tín dụng của ngân hàng nhiều hơn. Với trái phiếu, trực tiếp chào bán ra công chúng, hay gián tiếp qua phát hành riêng lẻ và được phân phối lại thì không có ý nghĩa nhiều cho việc đánh giá rủi ro/ khả năng thu hồi nợ.

"Chúng tôi chỉ rà soát kỹ tài sản thế chấp và tác động của nó đến khả năng thu hồi vốn khi xếp hạng đó có khả năng nằm trong vùng xếp hạng có tính đầu cơ", ông Thuân nhấn mạnh.

Tại diễn biến mới nhất, Ủy ban chứng khoán Nhà nước vừa có văn bản nhắc nhở, yêu cầu các công ty chứng khoán tuân thủ nghiêm Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Theo cơ quan này, trong thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, thị trường cũng đã xuất hiện một số hiện tượng chào bán, phân phối, chuyển quyền sở hữu chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Vì vậy, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, đồng thời ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán đảm bảo tuân thủ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trong việc thực hiện dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu; dịch vụ xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu; dịch vụ đăng ký, lưu ký và chuyển nhượng trái phiếu.

 
"Uỷ ban Chứng khoán sẽ tổ chức kiểm tra, thanh tra về việc cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật". (văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước)

Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán cũng phải tuân thủ nghiêm quy định về chế độ báo cáo tại Thông tư số 122/2020/TT-BTC hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

"Uỷ ban Chứng khoán sẽ tổ chức kiểm tra, thanh tra về việc cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật", văn bản nêu rõ.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần cảnh báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang tiềm ẩn một số rủi ro như: một số doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao; chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế (chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản); có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ... Riêng trong tuần trước, cơ quan này đã 2 lần phát đi cảnh báo.