10:06 07/01/2021

Tận dụng thời cơ, trỗi dậy mạnh mẽ, Kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi hình chữ V

Anh Tú

Kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi hình chữ V với mức tăng trưởng tích cực trong năm 2021, tiếp tục là điểm đến an toàn cho hoạt động sản xuất và đầu tư.

Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng giữa bức tranh toàn cầu u ám khi thuộc số ít các nền kinh tế đạt được tăng trưởng dương trong năm 2020, nhờ khả năng kiềm chế dịch bệnh tốt và khu vực xuất khẩu vững vàng trước cuộc khủng hoảng. 

Nằm trong xu thế phục hồi chung của nền kinh tế thế giới khi dịch bệnh được kiềm chế trên toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trên 6,5-7% trong năm 2021, khả quan nhất khu vực Đông Nam Á. Áp lực lạm phát dự báo ở mức thấp, dao động quanh mức 3,5% do sức cầu vẫn yếu, trong khi cung tiền và tín dụng ở mức độ hài hòa trong cả năm 2019 và 2020 không tạo nên sức ép tiền tệ cho năm sau. Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ tiếp tục mở rộng chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

CHỐNG CHỊU TỐT HƠN CÁC CÚ SỐC BÊN NGOÀI 

Năm 2020 là một năm đầy biến động khi đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế toàn cầu, trở thành cú sốc lớn nhất trong thế kỷ 21 tính đến thời điểm này, bên cạnh đó, rất nhiều xáo trộn về vấn đề địa chính trị. Nhiều nước trên thế giới đang phải hứng chịu sự tàn phá kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Ngay cả khi thế giới đang phục hồi, các làn sóng Covid-19 mới xuất hiện vẫn đe dọa quá trình phục hồi mỏng manh này. Trong ASEAN, các nước vẫn chưa thoát khỏi sự sụt giảm kinh tế do Covid-19. Theo đó, Philippines chứng kiến sự sụt giảm tăng trưởng GDP lên tới hơn 8,262%, tăng trưởng GDP của Thái Lan và Malaysia trong năm 2020 lần lượt giảm 7,145% và 6% trở thành những nền kinh tế có mức sụt giảm tăng trưởng mạnh thứ 2 và thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á.

Khi đó, Việt Nam là một điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á trong năm 2020 do vẫn duy trì tăng trưởng GDP ở mức dương trong bối cảnh dịch bệnh Covid- 19 xảy ra trên toàn cầu. TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam đánh giá "Trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và các yếu tố khác, nền kinh tế Việt Nam được duy trì ổn định, đặc biệt về kinh tế vĩ mô. Đây là một điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam năm 2020. Ổn định kinh tế vĩ mô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi quyết định đầu tư vào Việt Nam".

Đánh giá yếu tố vĩ mô tích cực là động lực cho nền kinh tế hậu Covid-19, báo cáo chiến lược cho năm 2021 do Công ty Chứng khoán MB (MBS) mới công bố chỉ rõ "Các nhân tố cơ bản đều được giữ vững, bao gồm lạm phát ổn định, đồng nội tệ vững vàng, cán cân thanh toán thặng dư và khu vực xuất khẩu nổi bật". Nhìn vào biểu đồ lạm phát đầu năm rất cao, từ 6,43%, qua nỗ lực điều hành của Chính phủ, lạm phát đã kéo dần về mức 4% và đạt 3,23% bình quân năm 2020. Lãi suất điều hành tiếp tục giảm đang hỗ trợ tích cực cho đà phục hồi của kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Đặc biệt, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ với đáy chữ V, mà "Nguyên nhân chính là do Việt Nam dẫn đầu thế giới về khả năng kiểm soát dịch bệnh và các giải pháp hỗ trợ kịp thời về tiền tệ và tài khóa đến từ NHNN và Chính phủ", báo cáo MBS chỉ rõ.

Đánh giá cao chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ được kết hợp, ngăn chặn tác động tiêu cực từ đại dịch, báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 – Thời cơ trỗi dậy do Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nêu rõ, nhằm đối phó với sự bùng phát của Covid-19, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ tài khóa lên đến 284 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,5% GDP. Các biện pháp bao gồm: Hoãn nộp các loại thuế 180 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ tiền mặt cho người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi Covid 36 nghìn tỷ đồng; ưu đãi cho các công ty vay với lãi suất 0% trong thời hạn tối đa 12 tháng để trả lương cho nhân viên duy trì việc làm 16,2 nghìn tỷ đồng... Chính phủ cũng đã đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để hỗ trợ nhu cầu trong nước. Chi đầu tư công ước tính năm 2020 đạt 686 nghìn tỷ đồng, gần 11% GDP.

Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế, đưa mức lãi suất tái cấp vốn về mức 4%/năm. Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn cho vay, giảm, miễn lãi, miễn giảm lãi vay cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhu cầu tín dụng bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng đã phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2020, tăng trưởng tín dụng ước đạt 10% so với mức 13,6% năm 2019.

Theo báo cáo của VDSC, đại dịch đã khiến nhu cầu toàn cầu giảm sút nặng nề, tuy nhiên, xuất khẩu Việt Nam đã chống chọi được với cuộc khủng hoảng toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD là mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Do tác động của khủng hoảng kinh tế, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được dự báo sẽ giảm 40%. Tuy nhiên, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tương đối vững vàng.

SỨC BẬT TỪ NỘI LỰC, NGOẠI LỰC 

Năm 2021, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam lạc quan cho rằng "Rất nhiều cơ hội đến từ nội lực của nền kinh tế Việt Nam và những yếu tố bên ngoài. Về nội lực, khả năng khống chế dịch bệnh rất tốt, tạo bệ đỡ rất lớn trong sự phát triển kinh tế trong năm 2021".

Theo đó, ông Bình kỳ vọng "Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng bởi một số hiệp định thương mại quốc tế EVFTA, CPTPP và RCEP. Việc mở rộng thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do cũng là những nỗ lực của Chính phủ trong việc mở rộng những thị trường cho hàng hóa, dịch vụ của DN Việt". Bên cạnh đó, mặc dù năm 2020 gặp nhiều khó khăn, cầu trong nước vẫn được duy trì, trái với những dự đoán ngay đầu năm khi dịch bắt đầu bùng phát. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số hàng hóa bán lẻ vẫn tiếp tục tăng trưởng. "Cầu trong nước cũng như nước ngoài sẽ là trụ cột vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2021", ông Bình nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chi tiêu Chính phủ về hàng hóa, dịch vụ kỳ vọng tiếp tục được duy trì năm 2021. Tuy nhiên, thu ngân sách năm 2020 để chi tiêu năm 2021 có thể không được như trước đây, nhưng "Chúng ta sẽ đạt những mục tiêu khác nữa về chất lượng đầu tư công. Đầu tư công năm 2020 được chuyển biến rõ rệt cả về mặt chất lượng cũng như số lượng. Với số lượng chi tiêu cũng ít hơn, nhưng chất lượng chi tiêu công của Chính phủ lại tăng lên và cải thiện cũng sẽ đóng góp cho chất lượng tăng trưởng Việt Nam của năm 2021", ông Bình bổ sung thêm.

Dựa trên những quan điểm tích cực về triển vọng kinh tế của Việt Nam, các chuyên gia của VDSC nhận định, mức tăng trưởng GDP Việt Nam là 7% và lạm phát là 3,5% vào năm 2021, với các động lực chính là tiêu dùng trong nước và hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo. Dự báo của VDSC thấp hơn ước tính của Bloomberg là 8% nhưng cao hơn mục tiêu của Chính phủ là 6%. "Tăng trưởng nửa đầu năm tới sẽ tăng nhanh do mức nền thấp của năm 2020 trong khi phục hồi kinh tế toàn cầu có thể giúp đà tăng trưởng tiếp diễn trong nửa cuối năm với giả định vắc xin có tiến triển khả quan", báo cáo VDSC phân tích. Về mặt chính sách tiền tệ, lập trường nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục trong năm 2021 nhằm hỗ trợ DN và hộ gia đình gặp khó khăn kéo dài do đại dịch. Tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lên 12,13% cùng sự cải thiện của niềm tin kinh doanh và các hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của VDSC bày tỏ sự lạc quan thận trọng về triển vọng dòng đầu tư nước ngoài trong năm 2021. Do dịch Covid- 19 làm gián đoạn khả năng di chuyển giữa các quốc gia và cần thời gian để dỡ bỏ các biện pháp ngăn ngừa lây nhiềm. Điều này sẽ gây ra lực cản đối với dòng vốn đầu tư toàn cầu. Do nhu cầu toàn cầu phục hồi chậm, chi phí để đa dạng chuỗi cung ứng sẽ hạn chế các cơ sở sản xuất chuyển dịch khỏi Trung Quốc.

Tận dụng thời cơ, trỗi dậy mạnh mẽ, Kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi hình chữ V - Ảnh 1

Tôi kỳ vọng rằng năm 2021, doanh nghiệp tiếp tục thể hiện ý chí, quyết tâm và tăng khả năng thích ứng. Trong bối cảnh khó khăn, ai thích ứng nhanh sẽ có khả năng tồn tại và phát triển tốt nhất. Những cơ hội mới mở ra từ thị trường nước ngoài, với các hiệp định thương mại tự do. Quá trình chuyển đổi số cũng mang lại cuộc cách mạng đối với doanh nghiệp Việt. Cơ hội về kinh tế số sẽ mang lại cơ hội về kinh doanh cho chính doanh nghiệp Việt Nam, nếu doanh nghiệp Việt Nam bắt được cơ hội này sẽ tạo tiền đề phát triển mới. Nhưng đồng thời cũng là một sức ép, buộc các doanh nghiệp  Việt phải đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn, buộc các doanh nghiệp Việt sẽ phải thích ứng một cách nhanh hơn nữa, chuẩn bị một cách tốt hơn trong điều kiện mới, cũng như nắm bắt được cơ hội thị trường trong và ngoài nước mang lại trong thời gian tới.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam


Diễn đàn "Kịch bản kinh tế Việt Nam thường niên 2021" với chủ đề "Định hình Chiến lược đầu tư & kinh doanh trong bối cảnh mới" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tổ chức ngày 11/1/2021 tại Tp.HCM, sẽ tập trung bàn thảo và phân tích các động lực tăng trưởng, các trụ cột kinh tế, các thị trường nóng trong năm 2021. Từ đó, giúp DN xây dựng và điều chỉnh chiến lược đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh năm 2021 và các năm tiếp theo.

Diễn đàn "Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên 2021 sẽ được tường thuật trực tiếp trên Page VnEconomy. Mời quý vị đón xem!

Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên là sự kiện kinh tế quan trọng được Thời báo Kinh tế Việt Nam (nay là Tạp chí Kinh tế Việt Nam) khởi xướng và duy trì từ năm 2008 tới nay. Qua 12 lần tổ chức, điễn đàn được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI đón đợi, là kênh chia sẻ và phản hồi thông tin uy tín và hiệu quả được giới chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đánh giá cao, được các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý tin tưởng, tham dự chia sẻ và phản hồi thông tin.