12:53 05/10/2021

Tân Thủ tướng Nhật hoài nghi việc Trung Quốc đủ điều kiện gia nhập CPTPP

Hoài Thu

Tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản ngày 4/10, ông Fumio Kishida bày tỏ sự hoài nghi về khả năng Trung Quốc đáp ứng được đủ điều kiện để gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Tân Thủ tướng Nhật Fumio Kishida - Ảnh: Rueters
Tân Thủ tướng Nhật Fumio Kishida - Ảnh: Rueters

Tại họp báo, ông Kishida nhấn mạnh rằng CPTPP, hiệp định đang có 11 quốc gia thành viên, có những tiêu chuẩn cao về thương mại tự do.

“Chúng ta cần xem xét liệu Trung Quốc có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao của CPTPP hay không. Hiện vẫn chưa rõ họ có thể làm vậy hay không”, ông Kishida phát biểu khi nói về việc Trung Quốc đã nộp đơn gia nhập hiệp định. “Điều quan trọng là chúng ta cần nói với Trung Quốc về việc hợp tác với các đồng minh và đối tác cùng chia sẻ các giá trị cơ bản”.

Trước đó, dưới chính quyền của Thủ tướng Yoshihide Suga, Nhật Bản cũng tỏ ra cảnh giác với việc Trung Quốc giữ vai trò đầu tàu trong việc định hình thương mại tại châu Á. Theo Nikkei Asia, chính phủ Nhật cho biết sẽ đánh giá kỹ lưỡng liệu Trung Quốc có sẵn sàng tuân thủ các tiêu chuẩn cao của CPTPP hay không.

Theo điều khoản của CPTPP, để gia nhập hiệp định, Trung Quốc phải được tất cả thành viên chấp thuận. Hiệp định này thiết lập các quy tắc về thương mại phi thuế quan, đầu tư, cũng như dòng chảy dữ liệu. CPTPP được ký kết vào tháng 3/2018 với 11 thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. 

Đồng quan điểm với Nhật, Mexico cũng có lập trường thận trọng. Bộ Kinh tế Mexico tháng trước khẳng định CPTPP sẵn sàng chào đón các quốc gia đáp ứng được những tiêu chuẩn cao của hiệp định - một thách thức đối với Trung Quốc khi mà những tiêu chuẩn này đi ngược với các quy tắc kinh tế của Bắc Kinh, bao gồm việc trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, Australia cho biết sẽ không ủng hộ việc Trung Quốc tham gia hiệp định nếu như các mâu thuẫn song phương không được giải quyết.

Việc Trung Quốc xúc tiến tham gia CPTPP đặt ra câu hỏi về những động thái sắp tới của Mỹ - quốc gia rút khỏi hiệp định dưới thời Tổng thống Donald Trump năm 2017.

Ngày 4/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi lời chúc mừng ông Kishida được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản.

“Liên minh Mỹ - Nhật là nền tảng của sự hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên thế giới. Tôi mong muốn được phối hợp chặt chẽ với Thủ tướng Kishida để tăng cường hợp tác trong những tháng tới và nhiều năm nữa”, ông Biden cho biết.

Dự kiến, ông Kishida có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ sớm nhất vào ngày 5/10. Đây sẽ là cuộc điện đàm đầu tiên của tân Thủ tướng Nhật với một nguyên thủ quốc gia kể từ khi nhậm chức.

Theo các nhà phân tích, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo sẽ củng cố hơn nữa tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật và thảo luận về việc đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương  tự do và rộng mở. Hai nhà lãnh đạo cũng được cho là sẽ thảo luận các mối quan tâm về an ninh quốc gia trước những diễn biến gần đây, trong đó có vấn đề Trung Quốc.

Về chính sách đối ngoại, tân Thủ tướng Nhật đề ra 3 nguyên tắc, gồm bảo vệ các giá trị cơ bản như tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền; củng cố quốc phòng; và dẫn đầu trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và dòng chảy dữ liệu tự do.

Về vấn đề tăng cường an ninh, ông Kishida đặc biệt nhắc tới việc phòng thủ tên lửa.

“Để bảo vệ lãnh thổ, hải phận, không phận cũng như cuộc sống và tài sản của người dân Nhật Bản, tôi quyết tâm củng cố năng lực quốc phòng của Nhật Bản, trong đó có phòng thủ tên lửa và tăng cường năng lực an ninh trên biển”, ông Kishida phát biểu tại họp báo.

Việc tân Thủ tướng Nhật đề cập tới vấn đề phòng thủ tên lửa được xem như việc “bật đèn xanh” cho các cuộc đàm phán an ninh sắp tới với Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, mà ở đó Washington được cho là sẽ đề xuất lắp đặt tên lửa tầm trung trên lãnh thổ Nhật để ngăn chặn các hành động của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan.

Về chính sách kinh tế, ông Kishida cho biết nội các của ông đặt mục tiêu tạo ra một hình thức tư bản mới và đặt ra một tầm nhìn kinh tế xã hội mới, mở đường cho tương lai của Nhật Bản. Theo ông, chính phủ sẽ cân nhắc cải cách thuế, đặc biệt là thay đổi mức thuế đối với những người có thu nhập từ 100 triệu Yên (900.000 USD) trở lên…