Bệnh tay chân miệng tăng báo động ở TP.HCM, 2 biến chứng phụ huynh cần lưu ý
Các chuyên gia dự đoán những dịch bệnh lưu hành thường niên tại thành phố như sốt xuất huyết, tay chân miệng sẽ diễn biến phức tạp trong năm nay, khi mọi hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường…
Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 936 trường hợp mắc tay chân miệng. Riêng từ ngày 29/4 đến 5/5/2022, TP.HCM đã ghi nhận 420 ca bệnh tay chân miệng, tăng gấp 4 lần so với trung bình 4 tuần trước.
BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, trong tháng 4 vừa qua, số ca đến khám và điều trị bệnh tay chân miệng tại bệnh viện tăng đột biến. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 - 40 ca, có ngày lên tới 50 ca. Theo HCDC, số bệnh nhân tăng ở hầu hết các quận huyện, đặc biệt là quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, Tân Bình, TP Thủ Đức. Số ca bệnh tăng ở cả nhóm bệnh nhi nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.
Đa số các ca bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể có chuyển biến nặng nhanh chóng chỉ sau vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể gặp phải các biến chứng nặng nề như sốc, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí trẻ có thể tử vong... Đối với nhóm trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh tay chân miệng có nguy cơ bị rối loạn chức năng gan, phổi, não và tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều so với các đối tượng khác.
Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh truyền nhiễm lưu hành quanh năm, thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch; thời điểm dịch bùng phát thường vào khoảng từ tháng 3 - 5 và tháng 8 - 9 hằng năm. Đợt dịch tay chân miệng gần nhất tại TP.HCM xảy ra năm 2020 với hơn 16.000 ca, không ghi nhận tử vong, chủ yếu xảy ra ở trẻ trong độ tuổi đi học. Năm 2021, số ca mắc tay chân miệng giảm đáng kể do trẻ không đi học để phòng chống dịch.
Đáng chú ý, bệnh tay chân miệng có thể tái phát nhiều lần nếu trẻ tiếp xúc với người bị tay chân miệng. Trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng lần thứ 2, lần thứ 3, thậm chí lần thứ 4 hoặc nhiều hơn. Bởi vì trẻ em sau khi bị nhiễm virus gây bệnh tay chân miệng, dù có biểu hiện lâm sàng hay không có triệu chứng, người bệnh ít nhiều có kháng thể chống lại virus. Tuy nhiên, lượng kháng thể không nhiều, không bền vững nên không đủ để bảo vệ trẻ.
Ngoài hai chủng virus gây bệnh tay chân miệng phổ biến ở trẻ em, còn có hơn 10 chủng virus thuộc nhóm virus đường ruột (Enterovirus) có thể gây bệnh tay chân miệng. Đây chính là lý do trẻ có thể bị mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần. Hoàn toàn không có tình trạng miễn nhiễm chéo giữa các chủng virus gây bệnh bệnh tay chân miệng ở trẻ. Chính vì lẽ đó, trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần và biểu hiện bệnh lần sau có thể giống hoặc khác với lần trước.
Bệnh tay chân miệng lây truyền qua đường tiêu hóa nên trẻ dễ bị nhiễm bệnh do liên quan đến thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Ngành y tế khuyến cáo, để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, giảm đến mức thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong, không để dịch bùng phát, người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp như: rửa tay với xà phòng thường xuyên cho cả trẻ em và người lớn, đặc biệt trước khi người lớn tiếp xúc, chăm sóc trẻ.
Bình thường tay chân miệng không có triệu chứng nặng chỉ có triệu chứng nổi ban bàn tay, bàn chân và sốt. Khi trẻ có biểu hiện nổi ban tay, chân, miệng, sốt cao cần đưa trẻ đến viện để khám. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ bệnh, độ 1 có thể ở nhà điều trị nhưng độ 2 phải điều trị tại viện để theo dõi. Đặc biệt, phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu trẻ sốt cao liên tục, lờ đờ, giật mình, run tay chân… Lúc này, cần cho trẻ vào bệnh viện chuyên khoa ngay để được xử lý kịp thời tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
TS.BS Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: “Biến chứng nặng của tay chân miệng là viêm não và viêm cơ tim. Đây là 2 biến chứng hay gặp, khiến trẻ có thể tử vong hoặc để lại di chứng nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời”. Trong trường hợp không gặp biến chứng, hầu như các trẻ có thể hồi phục hoàn toàn từ 3 - 5 ngày sau giai đoạn toàn phát.