Đề xuất sửa quy định về bán tài sản thi hành án là cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ...
Trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, việc kê biên tài sản, ngăn chặn giao dịch đối với cổ phần, phần vốn góp… diễn ra phổ biến.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, cơ quan thi hành án dân sự gặp khó khăn trong việc xác minh, xử lý cổ phiếu. Đặc biệt là khó khăn trong thủ tục phong tỏa tài khoản chứng khoán, xử lý cổ phiếu đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán để thi hành án.
Cơ quan thi hành án dân sự không thể ra quyết định “thu giữ” chứng khoán trên sàn giao dịch chứng khoán như những loại tài sản hữu hình vì nó tồn tại dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc bút toán ghi sổ.
Việc thẩm định giá cổ phiếu, xác định giá khởi điểm làm cơ sở bán cổ phiếu cũng tồn tại nhiều bất cập do giá cổ phiếu biến động, thay đổi liên tục so với giá trị sổ sách của doanh nghiệp. Trong khi đó, pháp luật thi hành án dân sự không có quy định cụ thể về thời điểm chốt giá cũng như giá khởi điểm để bán...
Dự thảo đề xuất việc bán tài sản thi hành án là chứng khoán, cổ phần, phần vốn góp, giấy tờ có giá khác được thực hiện như sau:
- Đối với chứng khoán đang niêm yết hoặc đang đăng ký giao dịch theo quy định của pháp luật về chứng khoán thì Chấp hành viên ban hành quyết định kê biên theo quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được thông báo hợp lệ quyết định kê biên, đương sự có quyền thỏa thuận bán chứng khoán theo quy định tại Điều 6 Luật thi hành án dân sự.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì Chấp hành viên ký Hợp đồng ủy quyền với Công ty Chứng khoán nơi người phải thi hành án mở tài khoản để bán chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Công ty Chứng khoán phải thông báo về kết quả bán chứng khoán và chuyển tiền cho cơ quan thi hành án dân sự, sau khi trừ các khoản chi phí liên quan đến việc bán chứng khoán.
- Đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam nhưng chưa niêm yết, đăng ký giao dịch thì Chấp hành viên ban hành quyết định kê biên theo quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự và thông báo cho Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Trình tự, thủ tục thẩm định giá, bán chứng khoán được thực hiện theo quy định tại Điều 98, Điều 99, Điều 101 Luật thi hành án dân sự và pháp luật về bán đấu giá tài sản.
- Đối với cổ phần, phần vốn góp, giấy tờ có giá khác thì Chấp hành viên kê biên, xử lý theo quy định tại Điều 71, Điều 83, Điều 92, Điều 98, Điều 99, Điều 101 Luật thi hành án dân sự, pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật về doanh nghiệp.
Ngay sau khi ban hành quyết định kê biên theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 5 điều này, Chấp hành viên thông báo bằng văn bản về việc kê biên tài sản đó cho Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tổ chức phát hành chứng khoán hoặc doanh nghiệp nơi người phải thi hành án góp vốn và các cơ quan, tổ chức có liên quan để ngăn chặn hành vi chuyển quyền sở hữu, thay đổi hiện trạng tài sản cho đến khi có quyết định của cơ quan thi hành án dân sự.
Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đang áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và chi phí thi hành án theo quy định tại khoản 1 của Điều này mà người phải thi hành án còn tài sản khác thì Chấp hành viên có văn bản gửi cơ quan liên quan về nghĩa vụ của người phải thi hành án và yêu cầu thông báo ngay cho cơ quan thi hành án dân sự khi phát sinh các giao dịch liên quan đến tài sản đó để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 3, khoản 4 Điều 27 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP như sau:
Trường hợp đương sự không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thì Chấp hành viên lựa chọn theo pháp luật về đấu giá tài sản.
Trước khi bán đấu giá tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung mà có nhiều chủ sở hữu chung đề nghị mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định thì Chấp hành viên thông báo cho các chủ sở hữu chung đó thỏa thuận người được quyền mua. Nếu không thỏa thuận được thì Chấp hành viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người được mua tài sản.
Trường hợp trong cùng một cuộc đấu giá mà có nhiều tài sản được đấu giá để thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu tổ chức đấu giá thực hiện việc đấu giá theo thứ tự từ tài sản có giá trị lớn nhất.
Trường hợp số tiền thu được đã đủ để thi hành nghĩa vụ và các chi phí theo quy định thì không tiếp tục đấu giá các tài sản còn lại.