Thái Lan và Malaysia cùng hướng đến nhóm du khách giàu có
Trong sáu tháng đầu năm nay, Thái Lan đón khoảng 2 triệu du khách nước ngoài. Điều này cho thấy, ngành du lịch Thái Lan đang có dấu hiệu hồi sinh khá ổn định sau khoảng thời gian bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19...
Thái Lan là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất thế giới. Hồi tháng 5, chính phủ nước này đã quyết định bỏ yêu cầu đăng ký trực tuyến cho những người nhập cảnh vào đất nước này thông qua hệ thống Thẻ thông hành Thái Lan (Thailand Pass). Điều này có nghĩa là các rào cản nhập cảnh của Thái Lan được dỡ bỏ ngay trước mùa Hè - mùa du lịch cao điểm đối với du khách Ấn Độ và Trung Đông, lượng khách mà chính phủ nước này hy vọng sẽ bù đắp cho sự sụt giảm số lượng và sức chi của du khách Trung Quốc.
Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), giờ đây khách quốc tế không bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đến Thái Lan. Hệ thống mã màu phân vùng kiểm dịch cũng được loại bỏ hoàn toàn. Du khách có thể đến bất cứ đâu để ăn uống, vui chơi tại quốc gia này. Nhờ đó, xứ Chùa Vàng đã đón khoảng 2 triệu du khách nước ngoài trong 6 tháng đầu năm nay.
Đây được xem là sự hồi sinh sau thời gian ngành du lịch nước này gần như sụp đổ vì đại dịch và hơn 18 tháng với các yêu cầu nhập cảnh phức tạp, tốn kém. Từ ngày 1/7, du khách nhập cảnh Thái Lan chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 hoặc giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính. Thái Lan gần như xóa bỏ các hạn chế, dọn đường cho du lịch trở lại và đang là một trong những quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về phục hồi ngành du lịch.
Tuy nhiên, để gia tăng mức chi tiêu của du khách quốc tế trong tình hình ngành du lịch cần phục hồi doanh thu, Thái Lan đang đặt mục tiêu hướng tới nhóm khách hàng giàu có hơn. Theo SCMP, Thái Lan đã khởi động chương trình thị thực dài hạn cho người nước ngoài giàu có và lao động có tay nghề cao. Cùng với đó là hy vọng thu hút du khách chi tiêu cao, bất chấp các vấn đề về việc làm và kinh doanh du lịch bị thiệt hại trong thời kỳ đại dịch.
Phát biểu nhân sự kiện quảng bá du lịch tại sân bay Suvarnabhumi (Bangkok), ngày 4/7, Phó Thủ tướng Thái Lan Anutin Charnvirakul cho rằng, các khách sạn, doanh nghiệp hay bệnh viên tư nhân của nước này nên hạn chế giảm giá sâu để thu hút khách du lịch. Thay vào đó, ông cho rằng, nên tập trung vào việc nâng cao giá trị của đất nước, để Thái Lan trở thành điểm du lịch cao cấp.
Phó Thủ tướng Anutin Charnvirakul khẳng định: “Chúng ta không thể để du khách đến Thái Lan vì giá rẻ. Thay vào đó, họ nên nói vì nơi đây rất phù hợp. Đó chính là điểm mấu chốt giúp chúng ta nâng cao giá trị”. Phó Thủ tướng Anutin Charnvirakul lấy ví dụ về cách kinh doanh của thương hiệu thời trang cao cấp nổi tiếng thế giới Louis Vuitton rằng: “Hãy bán sản phẩm cao cấp. Càng đắt, càng có nhiều khách hàng. Nếu không, Louis Vuitton sẽ không bán được bất kỳ sản phẩm nào”.
Với quan điểm này, thời gian tới, khách quốc tế có thể sớm phải coi Thái Lan là một điểm đến đắt đỏ hơn, khi chính phủ nước này đang có kế hoạch nâng giá khách sạn lên như mức hai năm trước để hỗ trợ ngành du lịch Thái Lan phục hồi nhanh hơn. Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan yêu cầu các chủ khách sạn thực hiện cơ cấu thuế quan kép. Theo đó, các khách sạn được yêu cầu ngừng áp dụng chương trình giảm giá đối với khách quốc tế, nhưng vẫn áp dụng với khách nội địa.
Phát ngôn viên của chính phủ, bà Traisuree Taisaranakul cho rằng: "Điều này nhằm duy trì các tiêu chuẩn của chúng tôi về giá cả và dịch vụ đối với khách du lịch nước ngoài. Việc du lịch đến Thái Lan với giá rẻ có thể ảnh hưởng đến nhận thức về thương hiệu du lịch của đất nước chúng tôi".
Michael Marshall, giám đốc thương mại của khách sạn Minor Hotels (Thái Lan), cho biết lượng tìm kiếm trực tuyến liên quan đến đặt phòng ở phần khúc 4 – 5 sao tại nước này cũng bắt đầu ghi nhận dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lữ hành khác thì e ngại toàn ngành sẽ đứng trước nhiều thách thức khi lạm phát, chi phí tăng cao làm ảnh hưởng đến du khách toàn cầu.
Có cùng mục tiêu tương tự, để hồi sinh lĩnh vực du lịch và khách sạn vốn bị đại dịch Covid-19 tàn phá, Malaysia đang nỗ lực quảng bá và nhắm tới những du khách thuộc thế hệ trẻ từ Trung Đông, gồm Gen Z (người sinh từ cuối những năm 1990 đến 2000) và Gen Y (sinh từ đầu những năm 1980 đến giữa những năm 1990).
Mới đây, trả lời phỏng vấn Arab News, Bộ trưởng Du lịch Malaysia Nancy Shukri cho biết, khách du lịch thuộc 2 thế hệ trên là “hai trong số những nhóm du khách Hồi giáo có ảnh hưởng nhất và sẽ định hình xu hướng của thị trường trong tương lai”. Khi vạch ra chiến lược quảng bá hình ảnh đất nước, Bộ trưởng Shukri nhấn mạnh, những nhóm du khách từ Trung Đông này “thường được phân loại là thích phiêu lưu và có tư tưởng cởi mở hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm du lịch, trong khi vẫn tuân thủ các nghĩa vụ tôn giáo”.
Bộ trưởng Shukri giải thích rằng, thuật ngữ “thích phiêu lưu” (adventurous) vượt ra ngoài các hoạt động liên quan đến thể thao thông thường, chẳng hạn như đi bộ đường dài, leo núi và lặn biển. Đồng thời, bà cũng đề cập vấn đề “giao lưu văn hóa và tương tác với môi trường”, từ các hoạt động trồng cây, ngắm động vật đến tham gia các lễ hội truyền thống và học tập ngôn ngữ địa phương ở nhóm du khách đầy tiềm năng này.
Vì vậy, để phục vụ du khách Gen Z và Gen Y đến từ Trung Đông giàu có, Malaysia đang cố gắng quảng bá các sản phẩm du lịch thích hợp như du lịch sinh thái và du lịch mạo hiểm, các hoạt động tình nguyện cũng như các sản phẩm khác phù hợp với xu hướng du lịch bền vững. Các hoạt động du lịch đồng thời quan tâm tới vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường, cũng như phúc lợi của cộng đồng dân cư bản địa.
Năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 nổ ra trên toàn cầu, Malaysia đón khoảng 400.000 du khách đến từ Trung Đông, trong đó, lượng khách đến từ Arabia Saudi đông nhất, chiếm 1/4. Khi đang tìm cách vực dậy ngành công nghiệp không khói, Malaysia đặt mục tiêu đến năm 2022 thu hút 4,5 triệu du khách và doanh thu 2,5 tỷ USD.
Từ đầu năm đến nay, theo dữ liệu của Bộ Du lịch, đã có 2,38 triệu người nước ngoài đến thăm Malaysia, chủ yếu đến từ Ấn Độ, Philippines, Singapore, Thái Lan và Saudi Arabia.