Thắng kiện NFT, Hermès sẽ tấn công không gian Metaverse?
Mặc dù sự suy thoái của tiền điện tử đã làm giảm giá trị của NFT, Hermès nói rằng Rothschild đã tận dụng cơ hội để kiếm lời từ các sản phẩm kỹ thuật số ở đỉnh cao của cơn sốt, giống như những gì các đối thủ của hãng đã từng làm…
Tuần trước, cuộc chiến pháp lý kéo dài giữa thương hiệu Hermès và nghệ sỹ Maison Rothschild từ năm 2022 cuối cùng cũng đi đến hồi kết. Theo báo cáo từ The Fashion Law, một tòa án liên bang gồm 9 thành viên ở New York đã đứng về phía thương hiệu di sản của Pháp, qua đó cho rằng các NFT đã dựa theo thiết kế của chiếc túi Birkin nổi tiếng thế giới, có tên là MetaBirkins, và do đó xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Rothschild bị yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 133.000 USD vì vi phạm luật bảo vệ thương hiệu với các tội danh Cybersquatting (hành vi đăng ký, buôn bán hoặc sử dụng Internet với mục đích xấu nhằm thu lợi từ thiện chí của nhãn hiệu thuộc về người khác) và Trademark dilution (một quan điểm luật Sở hữu trí tuệ từ lâu đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, cho phép chủ thể của nhãn hiệu nổi tiếng và có uy tín dựa vào đó có thể thực hiện việc ngăn chặn người khác sử dụng nhãn hiệu theo cách có thể làm giảm tính duy nhất và khả năng phân biệt của nhãn hiệu đó).
Theo Hermès, họ mất trung bình 48 tiếng đồng hồ – tương đương 2 ngày làm việc liên tục - để xuất xưởng một chiếc túi đáng đồng tiền bát gạo nhất thế giới. Chúng được hoàn thành bởi những nghệ nhân có tay nghề cao, từ các khâu cắt da, ghép và may lại,… kể cả những quá trình như gắn móc khóa, gắn quai đều được làm thủ công. Do đó, giá trị của một chiếc túi có thể vượt qua hàng tỷ đồng, chưa kể đến những phiên bản giới hạn.
Tham khảo gần như y hệt từ tên gọi và kiểu dáng, nhưng MetaBirkins lại hoàn toàn không có sự góp mặt của thương hiệu Hermès mà được sáng tạo từ nghệ sĩ người Mỹ Mason Rothschild. BST đầu tiên BaBy Birkins là sự hợp tác giữa ông và Eric Ramirez dựa trên ý tưởng vị thế của dòng túi xách này trong văn hóa đại chúng. BST thứ hai lấy ý tưởng từ những chiếc túi Birkin đầy màu sắc của hãng, MetaBirkins được làm hoàn toàn bằng lông giả để bắt kịp xu hướng thay thế những sản phẩm lông thật.
Nhiều người khi chưa có rõ thông tin sẽ lầm tưởng rằng bộ sưu tập NFT này thuộc quyền sở hữu và sáng tạo của nhà Hermès, dẫn đến nhiều nguy cơ rủi ro xảy ra. Theo sàn OpenSea – sàn giao dịch NFT lớn nhất hiện tại – BST “giả mạo” này đã thu về 230 đồng ETH (tương đương con số 936.000 đô la Mỹ). Nếu có được số tiền này, bạn đã có thể có trong tay 100 túi Birkin thật. Sự mất mát về doanh thu và quyền sở hữu trí tuệ là hai mối quan tâm hàng đầu của Hermès khi đối diện với BST của Rothschild.
Bồi thẩm đoàn đã phải cân nhắc giá trị nghệ thuật của MetaBirkins khi mà họ có thể đã vi phạm nhãn hiệu của Hermès để kiếm lợi nhuận và khiến người tiêu dùng nhầm lẫn khi nghĩ rằng Hermès có liên quan đến việc tạo ra chúng. Hermès đã “đánh mạnh” vào hướng suy nghĩ ấy bằng cách vạch ra sự khác biệt giữa NFT nghệ thuật và NFT định hướng thương hiệu – theo giải thích của nhà kinh tế học Harvard – Scott Duke Kominers.
Mặc dù đã thắng kiện, cuộc chiến pháp lý chống lại Rothschild có thể là một trong những lý do khiến nhà mốt nổi danh đẩy nhanh tiến độ ra mắt các sản phẩm và mã thông báo liên quan đến metaverse, tiền điện tử và NFT. Thương hiệu di sản Pháp từng tiết lộ rằng, họ đang thử nghiệm và nghiên cứu thời trang Web3. Công ty có kế hoạch ra mắt quần áo ảo, NFT, tiền điện tử và tổ chức các buổi trình diễn thời trang metaverse.
Metaverse của Hermes có kế hoạch phát triển phần mềm máy tính có thể tải xuống để quản lý NFT và tiền điện tử. Công ty có kế hoạch thành lập một cửa hàng bán lẻ ảo và tổ chức các buổi trình diễn và triển lãm thời trang bằng công nghệ AR và thực tế hỗn hợp, thị trường NFT. Thương hiệu này cũng có kế hoạch cung cấp các dịch vụ tài chính thông qua tiền ảo và tổ chức gây quỹ và tài trợ tài chính liên quan đến các sản phẩm ảo.
Trong tương lai, Hermès có thể sẽ sở hữu NFT riêng của mình, cả dưới dạng chứng chỉ kỹ thuật số cho hàng hóa vật chất và dưới dạng các mặt hàng độc lập – theo lời của Nicolas Martin, tổng cố vấn toàn cầu của Hermès và Maximilien Moulin, người đứng đầu phòng nghiên cứu đổi mới của Hermès.
Hermès không phải là thương hiệu đầu tiên và chắc chắn không phải là cuối cùng, thực hiện các động thái với Metaverse. Vào cuối năm ngoái, dữ liệu từ Dune Analytics tiết lộ rằng các thương hiệu hàng đầu bao gồm Nike, Gucci, Dolce & Gabbana, Adidas và Tiffany đã tích lũy được tổng doanh thu trị giá 260 triệu đô la từ NFT.
Trước đó, thương hiệu giày thể thao nổi tiếng Nike cũng đã gia nhập cuộc chiến “NFT được cấp phép” với việc đưa nền tảng mua sắm trực tuyến StockX ra tòa vì vi phạm nhãn hiệu hoặc bán giày thể thao NFT không có giấy phép. Theo báo cáo của Reuters, Nike đã đệ đơn kiện nền tảng bán lại lên tòa án Liên bang New York, yêu cầu một khoản tiền bồi thường thiệt hại không được tiết lộ và ngừng bán những món đồ sưu tầm ảo như vậy.
Nike tuyên bố NFT là một cách để các thương hiệu tương tác với khách hàng của họ, nhưng một số người chơi trên thị trường đang cố gắng “chiếm đoạt thiện chí của một số thương hiệu nổi tiếng nhất trên thế giới và sử dụng các thương hiệu đó mà không được phép để tiếp thị sản phẩm ảo của họ và tạo ra lợi nhuận bất chính“. Ngay sau đó, nhà sản xuất giày ra mắt bộ sưu tập NFTs của riêng mình cùng với studio nghệ thuật RTFKT.
Nhìn chung, các thương hiệu xa xỉ đang tiến nhanh vào thế giới mới này, vì họ không muốn lặp lại sai lầm trong quá khứ là đánh giá thấp hành vi đang thay đổi của người tiêu dùng. Từ lâu, nhiều thương hiệu đã bỏ qua việc mua sắm trực tuyến vì không tương thích với trải nghiệm cao cấp, và họ chỉ thay đổi khi hành vi mua sắm trực tuyến phát triển tốc độ nhanh và phủ sóng rộng toàn cầu. Các thương hiệu xa xỉ cũng đã chậm chân khi nắm bắt thị trường bán lại, đồ xa xỉ qua sử dụng và tạo cơ hội cho các công ty khởi nghiệp. Giờ đây, ngay cả khi NFT và metaverse đang nằm ngoài vùng an toàn của thương hiệu, nó vẫn đáng được xem xét một cách nghiêm túc.