Thanh Hoá kiến nghị giao bổ sung hơn 16.600 biên chế cho ngành giáo dục
Nhiều nguyên dẫn tới Thanh Hóa thiếu giáo viên trầm trọng, chuẩn bị vào năm học 2023 - 2024, để giải quyết tình trạng trên, tỉnh này vừa có kiến nghị gửi Bộ Nội vụ.
Theo đó, năm học 2023-2024, Thanh Hóa kiến nghị Bộ Nội vụ giao bổ sung hơn 16.600 biên chế cho ngành giáo dục của tỉnh này.
Trong năm học 2022-2023, tỉnh Thanh Hoá có 634 trường mầm non và 1.993 nhóm trẻ; 593 trường tiểu học; 613 trường THCS và 87 trường THPT.
Thực trạng biên chế sự nghiệp giáo dục năm học 2022-2023, theo UBND tỉnh Thanh Hoá, số biên chế giáo viên mầm non được bổ sung năm học 2022-2023 theo Bộ Chính trị đã phê duyệt là 818 người; cấp tiểu học là 695 người; cấp THCS 137 người; cấp THPT 31 người.
Năm học 2023-2024, nhu cầu kế hoạch số lượng người làm việc và hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ cấp mầm non là 21.572 người; cấp tiểu học là 22.114 người; THCS là 18.769 người; THPT 6.456 người.
Theo UBND tỉnh Thanh Hoá, hiện nay, biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập của tỉnh Thanh Hóa chiếm 90% biên chế được giao. Do đó, hàng năm để đảm bảo thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương thì tỉnh Thanh Hóa phải thực hiện cắt giảm biên chế sự nghiệp giáo dục dẫn đến tình trạng ngày càng thiếu giáo viên trầm trọng.
Bên cạnh đó, tổng số học sinh, quy mô trường, lớp trên địa bàn tỉnh theo xu hướng tăng hàng năm. Để đảm bảo chương trình giáo dục theo quy định thì hầu hết các huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện việc dồn lớp, gây khó khăn trong việc tổ chức quản lý triển khai nhiệm vụ chuyên môn và nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại 11 huyện miền núi.
Do đó, căn cứ quy mô số trường, số lớp, số học sinh của năm học 2023 – 2024, UBND tỉnh Thanh Hoá đề xuất Bộ Nội vụ xem xét, trình Chính phủ giao bổ sung 16.634 biên chế, trong đó: mầm non: 4.936 biên chế; Tiểu học 4.703 biên chế; Trung học cơ sở: 6.131 biên chế; Trung học phổ thông: 864 biên chế.
Tại buổi chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII vừa qua, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, lý giải những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên tại tỉnh này.
Người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết, so với định mức quy định của tỉnh, thì hiện tại toàn tỉnh đang thiếu 6.884 giáo viên. Trong đó, giáo viên tiếng Anh thiếu 277 người, giáo viên Tin học thiếu 680 người, giáo viên Âm nhạc thiếu 12 người và giáo viên Mỹ thuật thiếu 209 biên chế.
Tuy nhiên, nếu so với định mức quy định của Bộ giao, thì ngànhGiáo dục và Đào tạo Thanh Hóa còn thiếu tới 10.256 giáo viên. Trong đó, giáo viên tiếng Anh thiếu 353 người, giáo viên Tin học thiếu 690 người, giáo viên Âm nhạc thiếu 72 người và giáo viên Mỹ thuật thiếu 277 biên chế.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, nguyên nhân của việc thiếu nhiều giáo viên như đã nêu, là do Trung ương giao biên chế cho tỉnh thấp hơn so với nhu cầu tính theo định mức quy định của tỉnh và thấp hơn nhiều so với quy định của Bộ. Đồng thời, hàng năm vẫn phải cắt giảm biên chế theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương.
Những năm trước đây, tỉnh Thanh Hóa không thực hiện tuyển dụng giáo viên để bổ sung cho số giáo viên nghỉ hưu. Hiện nay, đã có cơ chế tuyển giáo viên nhưng một số huyện, thị, thành phố chưa kịp thời xây dựng kế hoạch tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được tỉnh giao. Hoặc, phải cân đối bù trừ trong việc thừa, thiếu giáo viên giữa các cấp học. Đối với giáo viên bậc THCS thì đang cơ bản thừa, còn giáo viên các bậc Tiểu học và Mầm non lại cơ bản thiếu so với biên chế tỉnh giao.
Ông Thức cũng cho hay, từ năm học 2021-2022 trở về trước, 100% học sinh lớp 1, lớp 2 học 2 buổi/ngày. Môn tiếng Anh và Tin học ở cấp Tiểu học là môn tự chọn. Các môn Âm nhạc, Mỹ thuật thì không có trong chương trình cấp THPT.
Theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2022-2023, các môn tiếng Anh, Tin học trở thành môn học bắt buộc ở cấp Tiểu học được dạy từ lớp 3. Các môn Âm nhạc, Mỹ thuật là môn lựa chọn ở cấp THPT được dạy từ lớp 10, nên việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở Thanh Hóa còn thấp so với yêu cầu và bình quân chung cả nước. Học tiếng Anh trên địa bàn 11 huyện miền núi phát triển chậm, do không tuyển được giáo viên, thiếu nhân lực, trang thiết bị. Việc dạy và học ngoại ngữ chỉ tập trung cho việc thi đỗ môn học; người dạy, người học ít thực hành, trau dồi để đạt được kỹ năng sử dụng ngoại ngữ như một công cụ giao tiếp, làm việc.
Để khắc phục việc thiếu giáo viên, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ trong việc hướng dẫn các huyện thị, thành phố thực hiện tuyển dụng giáo viên kịp thời hết chỉ tiêu biên chế được giao. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng trước số giáo viên thuộc các bộ môn còn thiếu nhiều, như: giáo viên Văn hóa, Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật (cấp tiểu học); giáo viên Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật (cấp THCS); giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật (THPT).