Thanh Hóa tiếp tục giữ vị trí "quán quân" thành lập doanh nghiệp mới tại Bắc Trung Bộ
Dù trong "bảng xếp hạng" thành lập doanh nghiệp mới của cả nước, tỉnh Thanh Hóa từ vị trí thứ 6 năm 2022 đã tụt xuống vị trí thứ 8, tuy nhiên tại khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh này vẫn giữ được vị trí quán quân với hơn 2.900 doanh nghiệp thành lập mới...
Thông tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, đến ngày 14/11/2023, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thành lập mới 2.927 doanh nghiệp, gồm: 2.502 công ty trách nhiệm hữu hạn, 412 công ty cổ phần, 13 doanh nghiệp tư nhân.
Tỉnh này đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, sau các tỉnh thành phố Hồ Chính Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, đạt 97,6% kế hoạch, giảm 7,3% so với cùng kỳ; tổng vốn điều lệ đăng ký 17.739 tỷ đồng, bình quân vốn điều lệ đăng ký đạt 6,1 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Trong đó, khu vực các huyện đồng bằng và thành phố Thanh Hóa thành lập mới 1.993 doanh nghiệp, bằng 92,7% kế hoạch; khu vực các huyện ven biển thành lập mới 652 doanh nghiệp, đạt 109,6% kế hoạch; khu vực các huyện miền núi thành lập mới 282 doanh nghiệp, đạt 110,6% kế hoạch; chỉ có 04 địa phương (gồm: thị xã Bỉm Sơn, các huyện: Thiệu Hóa, Hậu Lộc, Ngọc Lặc) có số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lớn, gồm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy 846 doanh nghiệp, chiếm 29,7%; xây dựng 569 doanh nghiệp, chiếm 20%; công nghiệp chế biến, chế tạo 401 doanh nghiệp, chiếm 14,1%. Các doanh nghiệp thành lập mới quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng có 2.627 doanh nghiệp, chiếm 92,3%; quy mô vốn từ trên 10 - 20 tỷ đồng có 108 doanh nghiệp, chiếm 3,8%; quy mô vốn từ trên 20 - 50 tỷ đồng có 69 doanh nghiệp, chiếm 2,4%; quy mô vốn từ trên 50 - 100 tỷ đồng có 26 doanh nghiệp, chiếm 0,91%; quy mô vốn từ trên 100 tỷ đồng có 17 doanh nghiệp, chiếm 0,6%. Các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự kiến tạo việc làm cho khoảng 32.261 lao động, giảm 1,5 lần so với cùng kỳ; trong đó: có 2.708 doanh nghiệp quy mô lao động đăng ký từ 10 lao động trở xuống, chiếm 95,1%; có 119 doanh nghiệp đăng ký trên 10 lao động đến 50 lao động, chiếm 4,2%; có 20 doanh nghiệp đăng ký từ 50 đến 100 lao động, chiếm 0,7%.
Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Thanh Hóa có 813 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, giảm 26,9% so với cùng kỳ (giảm 125 doanh nghiệp). Có 278 doanh nghiệp thông báo chờ thủ tục giải thể, tăng 56,2% so với cùng kỳ (tăng 100 doanh nghiệp); trong đó có 190 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 65,2% so với cùng kỳ (tăng 75 doanh nghiệp).
Tĩnh này cũng có tới 1.112 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 5% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu thuộc các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy 278 doanh nghiệp, chiếm 25%; xây dựng 193 doanh nghiệp, chiếm 17,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo 178 doanh nghiệp, chiếm 13,5%, đa số các doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có quy mô vốn nhỏ dưới 10 tỷ đồng (có 978 doanh nghiệp, chiếm 88%). Tổng thu ngân sách nhà nước từ khu vực doanh nghiệp năm 2023 ước đạt 7.464 tỷ đồng, chiếm 32,5% tổng thu nội địa, bằng 121,1% dự toán và giảm 2% so với cùng kỳ.
Trong năm năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa đã phối hợp với UBND cấp huyện và các đơn vị chức năng tổ chức 145 lớp đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp cho 7.256 học viên. Sở này cũng cấp phát miễn phí 3.000 cuốn cẩm nang hướng dẫn về trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, quy trình thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử; hỗ trợ chuyển phát kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp cho 852 lượt doanh nghiệp; hỗ trợ miễn phí chữ ký số trong năm đầu hoạt động cho 833 doanh nghiệp...
Tuy nhiên, phát triển doanh nghiệp tại Thanh Hóa vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, đa số các địa phương trong tỉnh có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ, trong khi đó số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa khi chiếm trên 97%, công tác quản trị doanh nghiệp, chất lượng lao động, trình độ ứng dụng và đổi mới kỹ thuật công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế.
Tính liên kết, hợp tác kinh doanh nhằm tham gia chuỗi giá trị chưa cao, dẫn đến sức cạnh tranh, chống chịu với suy thoái của thị trường trong giai đoạn hiện nay của các doanh nghiệp chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức, chưa chủ động nắm bắt tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ.