14:36 22/03/2022

Thành lập Tổ công tác, ngành giao thông vận tải ráo riết đẩy nhanh lộ trình xanh hoá

Anh Tú

Vụ trưởng Vụ Môi trường làm tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải thực hiện cam kết chung của quốc gia tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050...

Tổng phát thải từ giao thông lên đến 33,2 triệu tấn, chiếm 19,3% phát thải từ lĩnh vực năng lượng.
Tổng phát thải từ giao thông lên đến 33,2 triệu tấn, chiếm 19,3% phát thải từ lĩnh vực năng lượng.

Bộ Giao thông vận tải vừa có Quyết định số 323 về việc phê duyệt danh sách thành viên Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Theo đó, tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 sẽ do Vụ trưởng Vụ Môi trường Trần Ánh Dương làm tổ trưởng.

Phó tổ trưởng là bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải.

Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu ban chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trong quyết định thành lập ban chỉ đạo và quyết định ban hành quy chế hoạt động của ban chỉ đạo, đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của trưởng ban và các phó trưởng ban chỉ đạo.

Nhiệm vụ cụ thể của các thành viên tổ công tác được quy định trong quy chế hoạt động của tổ công tác.

 

Hiện nay, phương tiện, thiết bị giao thông vận tải trong các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu... gây phát thải khí nhà kính. Tổng phát thải từ giao thông lên đến 33,2 triệu tấn, chiếm 19,3% phát thải từ lĩnh vực năng lượng.

Quyết định cũng nêu rõ, các thành viên tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Tổ trưởng tổ công tác trình phó trưởng ban thường trực ban hành quy chế hoạt động của tổ công tác theo khoản 4 Điều 3 Quyết định số 250/QĐBGTVT ngày 28/02/2022 của Bộ Giao thông vận tải.

Theo xu hướng của quốc tế, để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngành giao thông vận tải phải thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, chính là chuyển đổi các loại phương tiện, thiết bị giao thông vận tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu sinh học, hydrogen, amoniac, xăng tổng hợp… và phát triển giao thông công cộng. Giao thông vận tải cũng sẽ là lĩnh vực có tỷ lệ chuyển đổi sang nhiên liệu hydro xanh mạnh nhất.

Trước đó, ngay trong tháng 3, Bộ Giao thông vận tải ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, điều phối việc xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động của Bộ Giao thông vận tải để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26.

Đồng thời, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải điều phối các hoạt động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động giao thông vận tải giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các lĩnh vực chuyên ngành giao thông vận tải và việc hợp tác giữa Bộ Giao thông vận tải với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển và các nước.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo rà soát, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, thúc đẩy chuyển đổi số.

Đặc biệt, chủ động tận dụng các cơ hội hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thu hút các dòng vốn đầu tư vào hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển, chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh trong giao thông vận tải.

Thường xuyên rà soát, chủ động tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động của Bộ Giao thông vận tải để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.