15:24 22/06/2022

Thành phố Thanh Hóa bàn giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh

Trương Xuân Thiên

Mới đây, UBND TP Thanh Hóa phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa (VCCI Thanh Hóa) đã tổ chức hội nghị thông tin, phân tích chỉ số DDCI năm 2021 và bàn các giải pháp cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025...

Tại hội nghị, đại diện VCCI Thanh Hóa thông tin chi tiết về so sánh điểm số các chỉ số thành phần của thàn phố Thanh Hóa với điểm cao nhất và thấp nhất của các đơn vị cùng được đánh giá. Đồng thời, VCCI Thanh Hóa cũng nêu rõ các danh mục, thông số là cơ sở đánh giá các chỉ số thành phần DDCI (Department and District Competitiveness Index, là bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương) của thành phố Thanh Hóa, phân tích nguyên nhân, gợi ý, đề xuất các giải pháp cải thiện.

LẤY CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH LÀM KHÂU ĐỘT PHÁ

Bộ Chỉ số DDCI Thanh Hóa được xây dựng gồm 8 thành phần: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động và vai trò của người đứng đầu; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ DN; thiết chế pháp lý; tiếp cận đất đai. Trong đó, các chỉ số từ 1 đến 7 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 25 sở, ban, ngành cấp tỉnh; các chỉ số từ 1 đến 8 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 27 UBND cấp huyện, thị, thành phố.

Toàn cạnh hội nghị (Ảnh: Trung tâm VHTTTT&DL TP Thanh Hóa)
Toàn cạnh hội nghị
(Ảnh: Trung tâm VHTTTT&DL TP Thanh Hóa)

Theo VCCI Thanh Hóa, thành phố Thanh Hóa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Số lượng, quy mô, trình độ của DN tại TP Thanh Hóa cũng cao hơn nhiều so với các địa phương khác.

Với khối lượng công việc giải quyết nhiều, yêu cầu cao, là một trong những thách thức, áp lực lên bộ máy chính quyền, lực lượng cán bộ công chức, viên chức nhằm bảo đảm về thời gian và chất lượng công việc. Để nâng cao dần điểm số, cải thiện thứ hạng trong bộ chỉ số DDCI, thành phố Thanh Hóa cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng các hoạt động trọng tâm trong hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa đề xuất thành phố Thanh Hóa cần tăng cường các hoạt động đối thoại, giải quyết vướng mắc, khó khăn cùng Doanh nghiệp; đồng thời nâng cao nhận thức, thái độ của cán bộ, công chức, viên chức khi tiếp xúc, xử lý công việc đối với doanh nghiệp, người dân.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp cho rằng việc cải thiện chỉ số DDCI của thành phố Thanh Hóa không chỉ là nâng cao thứ hạng trên bảng xếp hạng mà phải thực chất, đi vào chiều sâu, lấy hiệu quả giải quyết công việc làm thước đo tương xứng với vị thế là thành phố trái tim của cả tỉnh.

Ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa (Ảnh: Trung tâm VHTTTT&DL TP Thanh Hóa)
Ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa
(Ảnh: Trung tâm VHTTTT&DL TP Thanh Hóa)

Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa Trịnh Huy Triều nêu rõ, mục đích của việc tổ chức hội nghị nhằm cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức của các cơ quan quản lý Nhà nước từ thành phố đến phường, xã về ý nghĩa, tầm quan trọng của bộ chỉ số DDCI và các trọng số thành phần. Từ đó, làm cơ sở để khắc phục hạn chế, triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố Thanh Hóa trong thời gian tới.

Năm 2021, thành phố Thanh Hóa đạt điểm số 57,35, xếp thứ 21/27 đơn vị khối huyện, thị xã, thành phố về đánh giá DDCI. Về điểm số và thứ hạng 8 chỉ số thành phần, TP Thanh Hóa đạt điểm ở mức khá với các chỉ số tính minh bạch, tính năng động và vai trò của người đứng đầu, thiết chế pháp lý, chi phí thời gian. Trong khi đó, các chỉ số như: tiếp cận đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp, cạnh tranh bình đẳng… đạt điểm số trung bình và đang xếp ở thứ hạng thấp.

Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa cũng đã đề nghị các phòng, ban, đơn vị, các xã, phường trên địa bàn thành phố phải công khai, minh bạch thông tin các quy hoạch theo quy định; đồng thời, rà soát lại hệ thống quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính do đơn vị thực hiện; quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

 HƯỚNG ĐẾN TOP 10 TỈNH THÀNH DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC VỀ CÁC CHỈ SỐ QUAN TRỌNG

Trước đó, ngày 11/5/2022, UBND tỉnh Thanh Hoá và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Thanh Hoá đã tổ chức lễ công bố chỉ số DDCI năm 2021

Ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc dự án PCI, cho biết, việc tỉnh Thanh Hóa triển khai đề án DDCI, khẳng định địa phương đã có sự quyết tâm trong việc giám sát, cải thiện chất lượng thực thi tại cơ sở. Những nỗ lực mạnh mẽ trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, cùng với quyết tâm cải thiện năng lực cạnh tranh từ cấp cơ sở sẽ là động lực, “đòn bẩy” để tỉnh Thanh Hóa nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đạt kết quả thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, cho rằng, thực hiện khâu đột phá về cải cách hành chính (CCHC), tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, trong giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước.

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh bộ máy chính quyền từ địa phương đến cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, xây dựng nền hành chính quản trị, kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tạo môi trường đầu tư công khai, minh bạch, thuận lợi.

Thứ 2, bám sát vào thực tiễn của từng địa phương, đơn vị để thực hiện sáng tạo, có hiệu quả CCHC, tăng cường cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính theo phương châm 4 tăng, 2 giảm và 3 không.

Thứ 3, kết quả chỉ số DDCI phải là sản phẩm có ý nghĩa và có tác dụng mạnh mẽ để các đơn vị cầu thị, quyết tâm, thực hiện, đánh giá, phát huy các kết quả đã làm tốt. Có giải pháp để khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn, sự chưa hài lòng của doanh nghiệp đối với chính quyền, qua đó xây dựng kế hoạch cụ thể để nhằm cải thiện, hướng đến nâng cao chỉ số PCI toàn tỉnh.

Thứ 4, phát huy vai trò trong cộng đồng doanh nghiệp trong cải thiện đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực triển khai, kịp thời phản ánh, đối thoại với chính quyền địa phương các cấp để giải quyết khó khăn, vướng mắc”, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn khẳng định.