Thất thu hàng chục ngàn tỷ đồng do “ách tắc” các dự án nhà ở
Việc “ách tắc” hàng loạt dự án đầu tư nhà ở thương mại dẫn đến cả doanh nghiệp và Nhà nước, cũng như thị trường bất động sản và người tiêu dùng đều bị thiệt hại…
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng ngày 11/5, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã đề xuất giải pháp cho những vướng mắc trong quy định của Nghị định 30/2021/NĐ -CP.
Trong đó, Hiệp hội nhấn mạnh: quy định tại khoản 5 điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP làm “ách tắc” tất cả dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư có quyền sử dụng đất “các loại đất khác không phải là đất ở”, nhưng sẽ không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Đó là các trường hợp: nhà đầu tư có 100% đất nông nghiệp; nhà đầu tư có 100% đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; nhà đầu tư có đất hỗn hợp gồm đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Mặc dù, nhà đầu tư nhận chuyển quyền sử dụng đất hoàn toàn phù hợp và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, theo quy định của pháp luật về đất đai.
Việc “ách tắc” dự án đầu tư nhà ở thương mại dẫn đến cả doanh nghiệp và Nhà nước, cũng như thị trường bất động sản và người tiêu dùng đều bị thiệt hại.
“Với 126 dự án nhà ở bị “ách tắc” tại TP.HCM, bình quân mỗi dự án đầu tư 1.000 tỷ đồng thì tổng mức đầu tư lên đến 126.000 tỷ đồng, Nhà nước đã thất thu tiền sử dụng đất khoảng 10.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 15% giá thành); Nhà nước đã thất thu tiền thuế Giá trị gia tăng 10% tương đương 12.600 tỷ đồng; Nếu đạt lợi nhuận 20% tương đương 25.000 tỷ đồng, thì Nhà nước đã thất thu tiền thuế Thu nhập doanh nghiệp 20% khoảng 5.000 tỷ đồng; Nếu doanh nghiệp phải vay 70% tổng mức đầu tư tương đương vay 88.000 tỷ đồng, với lãi suất 9%/năm trong 05 năm qua phải trả lãi vay lên đến khoảng 40.000 tỷ đồng”, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM phân tích.
Hơn nữa, đất đai tại các dự án chậm được đưa vào sử dụng hiệu quả không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp mà còn làm khan hiếm nguồn cung sản phẩm nhà ở, làm hạn chế cơ hội “an cư lập nghiệp” của nhiều người dân.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội đề nghị, trước mắt, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo sửa đổi, bổ sung khoản 5 điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP cho phép công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, đối với nhà đầu tư có quyền sử dụng đất “các loại đất khác không phải là đất ở” phù hợp với quy hoạch, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đồng thời, quy định “chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư”.
Về lâu dài, Chính phủ và Quốc hội xem xét xây dựng lại Luật Nhà ở (mới) trong năm 2021, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và thể chế hóa đường lối, chủ trương chính sách của Đại hội Đảng lần thứ 13 về phát triển đô thị, nhà ở đến năm 2025, 2030 và 2045.