Thế giới đang phụ thuộc vào chíp Đài Loan như thế nào?
Đài Loan hiện có hai nhà sản xuất chíp lớn nhất thế giới là TSMC và UMC
Theo CNBC, thời gian gần đây, khi nguồn cung thiết bị bán dẫn trên toàn cầu thiếu hụt do một số nhà sản xuất dừng hoạt động, vai trò thống trị của Đài Loan trên thị trường này càng trở nên rõ ràng hơn.
Các quốc gia trong đó có Mỹ, Đức đều phải tìm đến Đài Loan để giải quyết nút thắt trong hoạt động sản xuất con chíp bán dẫn. Sự thiếu hụt này xuất phát từ việc nhu cầu thiết bị điện tử tăng cao trong đại dịch Covid-19 cũng như những tác động từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và Trung Quốc.
Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu TrendForce tại Đài Bắc, các nhà sản xuất theo hợp đồng của Đài Loan chiếm hơn 60% tổng doanh thu thị trường thiết bị bán dẫn toàn cầu năm 2019. Phần lớn số này thuộc về công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) - nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới với khách hàng là các hãng công nghệ hàng đầu như Apple, Qualcomm và Nvidia. Dữ liệu của TrendForce cho thấy TSMC chiếm tới 54% tổng doanh thu bán dẫn toàn cầu trong năm ngoái.
Thiết bị bán dẫn là linh kiện quan trọng trong mọi thiết bị điện tử từ máy tính, điện thoại thông minh cho tới cảm biến phanh trên ôtô. Hoạt động sản xuất thiết bị bán dẫn cần tới một dây chuyền phức tạp gồm nhiều công ty, từ thiết kế, sản xuất cho tới cung ứng công nghệ, vật liệu thô, máy móc.
Theo nhà phân tích công nghệ Dan Wang của hãng nghiên cứu Gavekal, TSMC tập trung chủ yếu vào khâu sản xuất và là sản xuất của nhiều loại thiết bị bán dẫn tiên tiết hàng đầu hiện nay.
"Nếu nhìn vào thị phần có thể thấy rằng TSMC sản xuất khoảng 50% thiết bị bán dẫn trên thế giới. Nhưng tôi tin rằng con số này vẫn chưa đánh giá hết tầm quan trọng của công ty này, bởi vì họ sản xuất ra những con chíp hiện đại nhất thế giới", Wang cho biết.
Các nhà sản xuất và hãng thiết kế bán dẫn luôn tìm cách tạo ra những con chíp ngày càng nhỏ hơn và tốt hơn. Hiện tại, TSMC và đối thủ Hàn Quốc Samsung là hai công ty duy nhất có khả năng sản xuất con chíp 5 nanomet - loại tiên tiến nhất thế giới thời điểm này. TSMC đang chuẩn bị cho các chip 3 nanomet thế hệ mới và dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2022.
Trung Quốc đại lục cũng đang đẩy mạnh năng lực sản xuất chíp để tự chủ hơn về công nghệ này. Tuy vậy, cuộc chiến công nghệ của nước này với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đang cản trở bước tiến của nhà sản xuất chíp lớn nhất Trung Quốc - Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC).
Năm ngoái, chính quyền của ông Trump đã đưa SMIC vào dach sách thực thể, còn được biết đến là "danh sách đen", theo đó cấm công ty này tiếp cận với những công nghệ và máy móc cần thiết cho hoạt động của mình.
Năm 2020, SMIC là nhà sản xuất bán dẫn lớn thứ 5 trên thế giới tính theo doanh thu, sau TSMC và UMC của Đài Loan, Samsung của Hàn Quốc và GlobalFoundries của Mỹ, theo dữ liệu của TrendForce.
"Mục tiêu của SMIC hiện tại là có thể cạnh tranh với các loại chíp tiên tiến của những công ty như TSMC, Samsung và Intel", Paul Triolo, người đứng đầu hoạt động công nghệ địa lý của hãng tư vấn rủi ro Eurasia Group, nhận định. "Tuy nhiên, vấn đề là SMIC đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi bị chính quyền Mỹ đưa vào danh sách thực thể. Ít nhất ở thời điểm hiện tại, họ không thể tiếp cận với những thiết bị tối tân cần thiết từ hãng ASML của Hà Lan".
ASML là công ty đứng sau thiết bị in thạch bản cực tím được sử dụng để sản xuất các loại chíp tiên tiến nhất hiện nay, bao gồm chíp của TSMC và Samsung. Theo tin từ Reuters, năm ngoái, chính quyền Tổng thống Trump đã gây áp lực buộc chính phủ Hà Lan dừng việc bán thiết bị cho SMIC.
Ông Triolo cho rằng kể cả khi SMIC có thể tiếp cận được thiết bị của ASML, công ty này cũng sẽ phải mất nhiều năm để bắt đầu sản xuất được các loại chíp cao cấp với số lượng lớn. Tới khi đó, TSMC của Đài Loan sẽ vẫn duy trì vị trí thống trị thị trường.
"TSMC đang thống trị và phân khúc chíp cao cấp giờ đây không còn quá nhiều cạnh tranh", nhà phân tích Wang của Gavekal nhận xét.