Thế giới lại đứng trước "cú sốc" hàng giá rẻ Trung Quốc
Một lần nữa, thế giới lại đứng trước một “cú sốc Trung Quốc” khác khi ngập trong hàng hóa giá rẻ từ quốc gia châu Á...
Vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, Mỹ và nền kinh tế thế giới trải qua “cú sốc Trung Quốc” khi chứng kiến sự bùng nổ hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này giúp giảm lạm phát những lại lấy đi việc làm trong lĩnh vực sản xuất ở nước sở tại.
NGẬP HÀNG GIÁ RẺ, LẠM PHÁT GIẢM
Theo tờ báo Wall Street Journal, giờ đây, một lần nữa, thế giới đứng trước một “cú sốc Trung Quốc” khác khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, một trong những biện pháp nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế. Các nhà máy của Trung Quốc đang sản xuất nhiều ô tô, máy móc và hàng điện tử tiêu dùng nhiều hơn đáng kể so với sức tiêu thụ của nền kinh tế trong nước. Được thúc đẩy bởi các khoản vay lãi suất thấp, các công ty Trung Quốc tìm cách đang xuất khẩu ra thế giới lượng hàng hóa khổng lồ mà họ không bán được ở quê nhà.
Một số nhà kinh tế dự báo “cú sốc Trung Quốc" lần này có thể còn đẩy lạm phát trên thế giới xuống thấp hơn nhiều so với lần trước. Bởi so với nền kinh tế đang tăng trưởng bùng nổ lần trước, kinh tế Trung Quốc hiện nay đang giảm tốc. Do đó, hiệu ứng giảm lạm phát (disinflation) nhờ hàng giá rẻ Trung Quốc lần này sẽ không được bù đắp bởi nhu cầu nhập khẩu quặng sắt, than đá và hàng hóa khác của quốc gia này.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc hiện có quy mô lớn hơn nhiều so với hơn 20 năm trước và chiếm tỷ trọng lớn hơn trong ngành sản xuất toàn cầu. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2022, nước này chiếm 31% sản lượng sản xuất toàn cầu và 14% tổng hàng hóa xuất khẩu trên thế giới. Trong khi đó, hơn 20 năm trước, hai tỷ lệ này của Trung Quốc chỉ lần lượt là dưới 10% và dưới 5%.
Vào đầu những năm 2000, dư thừa sản xuất xảy ra chủ yếu ở Trung Quốc. Nhưng hiện tại, Mỹ và nhiều quốc gia khác đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng. Các doanh nghiệp Trung Quốc, như công ty sản xuất pin xe điện Contemporary Amperex Technology đang xây dựng nhà máy ở nước ngoài để tránh các rào cản với hàng Trung Quốc, dù sản xuất trong nước vẫn đáp ứng được nhu cầu của thế giới.
Kết quả là thế giới có thể sẽ lại ngập lụt trong hàng hóa, trong khi nhu cầu yếu. Đây là “công thức” kinh điển khiến giá cả giảm xuống.
Trên thực tế, Mỹ, Nhật Bản và các nền kinh tế phát triển không muốn lặp lại tình huống của đầu những năm 2000, khi hàng giá rẻ từ Trung Quốc khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước của những nước này phải đóng cửa. Vì vậy, các nước này đã rót hàng tỷ USD để hỗ trợ các ngành công nghiệp được đánh giá là mang tính chiến lược, đồng thời đã tăng hoặc đe dọa tăng thuế nhập khẩu với hàng Trung Quốc.
“CÚ SỐC TRUNG QUỐC" LẦN NÀY SẼ KHÁC
“Cú sốc Trung Quốc lần này sẽ khác”, ông David Autor, giáo sư kinh tế học tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) và là một trong các tác giả của một luận văn năm 2016 nói về “cú sốc Trung Quốc” trước đây, nhận định.
Trung Quốc hiện đang cạnh tranh với các nền kinh tế phát triển trong các ngành công nghiệp giá trị cao như ô tô, chíp máy tính, máy móc phức tạp…
“Cú sốc Trung Quốc” đầu tiên xuất hiện sau khi Trung Quốc thực hiện một loạt cải cách tự do hóa nền kinh tế vào những năm 1990 và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001. Với người tiêu dùng Mỹ và các nước phát triển, điều này mang lại lợi ích lớn. Một luận văn vào năm 2019 cho thấy thị phần hàng Trung Quốc cứ tăng 1 điểm phần trăm thì giá cả hàng hóa tiêu dùng tại Mỹ giảm 2%. Nhóm người thu nhập thấp và trung bình được hưởng lợi ích lớn nhất từ hàng giá rẻ Trung Quốc. Tuy nhiên, “cú sốc Trung Quốc” cũng làm gia tăng áp lực với các nhà sản xuất Mỹ. Năm 2016, ông Autor và các nhà kinh tế khác ước tính Mỹ mất hơn 2 triệu việc làm trong giai đoạn từ năm 1999-2022 do hàng nhập khẩu Trung Quốc. Các nhà sản xuất đồ nội thất, đồ chơi và quần áo Mỹ phải cạnh tranh gay gắt hơn với hàng giá rẻ đến từ quốc gia châu Á.
Tình hình giờ đã khác. Năm ngoái, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2%, một mức tương đối thấp so với tăng trưởng bùng nổ của giai đoạn trước. Con số này được dự báo sẽ còn thấp hơn do cuộc khủng hoảng bất động sản đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút lui khỏi quốc gia này, còn người tiêu dùng trong nước cắt giảm chi tiêu. Công ty tư vấn Capital Economics dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giảm xuống khoảng 2% vào năm 2030.
Bắc Kinh đang nỗ lực phục hồi kinh tế bằng cách bơm tiền vào hỗ trợ hoạt động sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn, hàng không vũ trụ, ô tô, thiết bị năng lượng tái tạo. Theo đó, hàng hóa dư thừa đang được đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài.
Tuy nhiên, nhu cầu yếu cộng với dư thừa công suất đã khiến chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc giảm 16 tháng liên tiếp. Kết quả là, tại Mỹ, giá hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tháng 1 giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá hàng nhập từ Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Mexico đều tăng.
Một điểm khác nữa của “cú sốc Trung Quốc” lần này là các nước phương Tây hiện xem Trung Quốc là một đối thủ kinh tế và một đối cực về địa chính trị. EU và Anh đang xem xét liệu ô tô điện sản xuất ở Trung Quốc có đang được trợ giá một cách thiếu công bằng và nếu có sẽ áp thuế nhập khẩu hoặc áp đặt hạn chế nhập khẩu. Ở Mỹ, cựu Tổng thống Donald Trump, người đang chạy đua để trở thành ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm nay, tuyên bố muốn áp thuế nhập khẩu từ 60% trở lên với hàng Trung Quốc.
Xu hướng bảo hộ này có thể sẽ dịch chuyển hiệu ứng giảm lạm phát bởi hàng giá rẻ Trung Quốc từ thế giới phương Tây sang các quốc gia khác trên thế giới, trong bối cảnh các nhà xuất khẩu Trung Quốc tìm kiếm thị trường mới ở những nước kém phát triển hơn. Và các nền kinh tế này sẽ chứng kiến sự suy giảm của những ngành công nghiệp phải cạnh tranh với Trung Quốc, như điều xảy ra ở Mỹ hơn 2 thập kỷ trước.