Thị trường bánh kẹo Tết: Ngoại khó “át vía” nội
Khi chưa vào WTO, nhiều người dự đoán sẽ có một cuộc “so găng” quyết liệt giữa hàng nội và hàng ngoại trên thị trường bánh kẹo
Khi chưa vào WTO, nhiều người dự đoán sẽ có một cuộc “so găng” quyết liệt giữa hàng nội và hàng ngoại trên thị trường bánh kẹo.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, quan sát trên thị trường bánh kẹo Việt Nam, với những chuyển biến tích cực từ các doanh nghiệp trong nước, có thể khẳng định hàng ngoại khó “lấn át” hàng nội.
Hàng ngoại chỉ chiếm 10%
Đối với hàng ngoại, đây là thời điểm đầu tiên để có thể phô trương hết thanh thế với người tiêu dùng Việt Nam.
Tại các siêu thị lớn của Hà Nội như Big C, Fivimart, Hapro Mart, Intimex..., nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia với nhiều chủng loại khác nhau đã chen chân ở những vị trí bắt mắt nhất trong các siêu thị. Những mặt hàng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italia, Hà Lan, Mỹ... có số lượng và chủng loại khiêm tốn hơn, nhưng cũng không kém phần hấp dẫn với chất lượng đẳng cấp quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Laurent Bugeau, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long, số lượng những mặt hàng này chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại vẫn là “lãnh địa” của hàng nội.
Riêng đối với các loại mứt, chiếm tỉ trọng khá lớn trên thị trường bánh kẹo Tết thì hầu như “sân nhà” vẫn đang dành cho các doanh nghiệp nội.
Trước đây, các chuyên gia thị trường đều dự đoán, theo cam kết gia nhập WTO, mặt hàng bánh kẹo nhập khẩu vào Việt Nam sẽ có mức thuế thấp hơn và giá nhờ thế cũng rẻ hơn. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, theo khảo sát trên thị trường, người tiêu dùng mới chỉ được hưởng lợi từ sự phong phú về chủng loại lẫn xuất xứ chứ chưa được hưởng lợi về giá.
Về điều này, một số nhà phân phối bánh kẹo cho rằng, hầu hết các mặt hàng bánh kẹo nhập ngoại trên thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu có xuất xứ từ các nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Mà các nguồn hàng này đều đã thực hiện giảm thuế theo AFTA, nên mức giá vẫn không thay đổi.
Tuy nhiên, ông Bugeau cho biết, mặc dù không có sự giảm giá rõ rệt nhưng chiến lược chung của Big C là sẽ giảm giá dần trên mỗi sản phẩm. Và đương nhiên, một yếu tố nữa là phụ thuộc vào mức giá cung cấp của các nhà nhập khẩu.
Theo khảo sát tại siêu thị Big C Thăng Long, mặt hàng bánh kẹo ngoại chủ yếu hướng vào thị phần bánh cao cấp, nên tương đối kén người mua.
Trong khi đó, hàng nội có nhiều mức giá hơn cho người mua lựa chọn, nên đáp ứng được túi tiền của nhiều đối tượng tiêu dùng. Các doanh nghiệp bánh kẹo nội cũng cam kết sẽ không tăng giá bán, mặc dù giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển đã tăng so với năm ngoái.
Chị Huyền, một khách hàng tính toán, bánh kẹo nội bây giờ mẫu mã cũng đẹp, cũng ngon, lại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có thương hiệu uy tín mà giá cả lại phải chẳng, vậy thì tội gì không chọn bánh nội.
Hàng nội xuất kích
Trước đó, để đón đầu các thách thức cũng như nâng cao uy tín và vị thế của hàng nội đối với người tiêu dùng, ngay từ trong năm, các doanh nghiệp nội đã âm thầm chuẩn bị để đối phó với sự “xâm lăng” này.
Đại diện của Công ty Kinh Đô cho biết, Tết năm nay, Kinh Đô đưa ra thị trường gần 3.000 tấn bánh kẹo các loại, trong đó có 25 dòng sản phẩm mới với 250 nhãn hàng mới. Đối với thị phần bánh cao cấp, Kinh Đô cũng không ngần ngại tham gia khi tung ra nhãn hiệu mới Palaris - Korento được sản xuất trên dây chuyền công nghệ của Đan Mạch.
Theo đánh giá của các chuyên gia thị trường, các sản phẩm này đều không hề thua kém các sản phẩm nhập ngoại về cả kiểu dáng bao bì lẫn chất lượng.
Cùng với Kinh Đô, Bibica cũng tung ra thị trường tết hơn 100 mẫu bánh kẹo, mứt và socola có giá từ 10.000-100.000 đồng/hộp sản phẩm, trong đó hơn 50% là các sản phẩm mới.
Theo Công ty Bibica, điểm nhấn của các sản phẩm Tết của Bibica năm nay vẫn là bộ mứt tết Hi-Spring sử dụng đường isomalt và nhiều thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng đáp ứng người tiêu dùng có nhu cầu ăn kiêng, nguy cơ hoặc mắc các chứng bệnh đái tháo đường, thừa cân, rối loạn mỡ máu, tim mạch.
Ngoài ra, những đại gia trong làng bánh kẹo như Hải Hà, Hải Hà - Kotubuki, Hữu Nghị...cũng tung ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng cao, mẫu mã đa dạng và phù hợp với túi tiền và khẩu vị của người Việt.
Điều này có thể hứa hẹn một cuộc “so găng” đầy gay cấn giữa sản phẩm nội và ngoại trên thị trường bánh kẹo Tết năm nay. Và tất nhiên, trong cuộc chiến đó, dù ai thắng ai thua, người tiêu dùng vẫn là người được hưởng lợi nhất. Họ chính là những “trọng tài” công minh nhất đối với cuộc chiến này.