Thị trường sôi động trong quý 3, nhiều công ty chứng khoán báo lãi “gấp thếp”
Nhiều công ty chứng khoán báo lãi tăng bằng lần hoặc tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như VIX, DSC, VDSC...
Thị trường chứng khoán sôi động trở lại trong quý 3 vừa qua với thanh khoản vượt trôi trung bình trên 24.000 tỷ đồng mỗi phiên, số lượng nhà đầu tư cá nhân mở mới tài khoản cũng liên tiếp lập kỷ lục một năm, nhiều quỹ thắng đậm và các công ty chứng khoán cũng ghi nhận một quý "bội thu".
Nhiều công ty chứng khoán báo lãi tăng bằng lần hoặc tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử, Công ty CP Chứng khoán VIX trong quý 3 ghi nhận 199 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu nhờ quy mô giao dịch của thị trường tăng mang lại lợi nhuận từ hoạt động môi giới tăng 44,2% tương ứng đạt 9,5 tỷ đồng. Đồng thời, doanh thu hoạt động cho vay và phải thu tăng 154% tương ứng với 43 tỷ đồng do dư nợ các khoản phải thu và cho vay đang ghi nhận sự tăng trưởng 177% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, chỉ tiêu lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ của VIX tăng 38,3% tương ứng tăng 45 tỷ đồng. Việc giữ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn cũng đã đem lại lợi nhuận cho công ty 43 tỷ đồng.
Tổng cộng tài sản của VIX tính đến cuối quý 3 đạt 8.776 tỷ đồng, các khoản cho vay tăng từ 1.793 tỷ đồng lên 2.491 tỷ đồng.
Chứng khoán Rồng Việt báo lãi tăng trưởng đột phá lên tới gần 300% trong quý 3/2023.
Theo đó, trong kỳ, VDSC ghi nhận lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ là 53,6 tỷ đồng, tăng 2,65 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lãi từ các khoản cho vay và phải thu 89,5 tỷ đồng tăng nhẹ so với cùng kỳ; doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán đạt 98,5 tỷ đồng tăng 60%. Sau khi trừ đi các chi phí hoạt động, VDSC báo lãi trước thuế 113 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 91,6 tỷ đồng tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế từ đầu năm tới nay, VDSC báo lãi 252 tỷ đồng sau thuế trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 104 tỷ đồng. Tổng cộng tài sản của VDSC tính tới cuối quý 3/2023 là 5.134 tỷ đồng tăng gần 1.000 tỷ đồng so với con số đầu năm. Các khoản cho vay đang ở con số 2.996 tỷ đồng tăng gần 700 tỷ đồng so với con số đầu năm. Tiền gửi của nhà đầu tư về giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý hiện đang là 1.087 tỷ đồng giảm 500 tỷ đồng so với con số đầu năm.
Thêm một công ty chứng khoán báo lãi tăng bằng lần là Chứng khoán DSC. Trong kỳ, DSC ghi nhận doanh thu hoạt động 122,9 tỷ đồng, gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 3,4 lần lên 38 tỷ đồng (chủ yếu do cổ tức, tiền lãi phát sinh từ tài sản tài chính FVTPL); doanh thu môi giới chứng khoán tăng gần 5 lần lên 38,9 tỷ đồng; lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 3,3 lần lên 38,4 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) giảm 59% xuống còn 4,8 tỷ đồng.
Cùng chiều doanh thu, chi phí hoạt động quý III của DSC cũng tăng hơn gấp 3 lần lên mức 36,5 tỷ đồng. Chủ yếu do chi phí môi giới chứng khoán 33,5 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần so với quý III/2022. Bên cạnh đó, DSC ghi nhận chi phí lãi vay tăng 131,3% lên 26,6 tỷ đồng.
Chứng khoán DSC báo lãi sau thuế quý III đạt 39,1 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với con số cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 95,2 tỷ đồng, gấp 5,2 lần so với cùng kỳ.
Chứng khoán FTS cũng có một kỳ tăng trưởng tích cực với doanh thu đạt 325 tỷ đồng tăng 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái trong đó lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ 101 tỷ đồng trong khi năm ngoái lỗ 153 tỷ đồng. Doanh thu môi giới chứng khoán tăng lên 99 tỷ đồng, sau khi trừ đi các khoản chi phí, FTS báo lãi sau thuế 183 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 60 tỷ đồng.
Công thần tăng trưởng cho mục tự doanh của công ty chứng khoán này là cổ phiếu MSH của May Sông Hồng. FTS mua với giá trị 14 tỷ nhưng giá thị trường hợp lý hiện tại lên tới 416 tỷ đồng.