Thịt trong phòng thí nghiệm: Phản đối hay phát triển?
Gần đây, ngành công nghiệp thực phẩm thế giới xuất hiện xu hướng “thực phẩm nuôi cấy". Đây là phương thức phát triển thịt thực phẩm không qua các phương thức chăn nuôi và giết mổ truyền thống…
Tháng 6/2023, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cấp phép cho hai công ty khởi nghiệp Good Meat và Upside Foods bán thịt gà nuôi cấy, đưa Mỹ trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới cho phép bán thịt nhân tạo cho người tiêu dùng. Hiện thịt này chỉ mới cung cấp cho thực khách tại một nhà hàng được gắn sao Michelin ở thành phố San Francisco và một nhà hàng ở Washington.
Tại Mỹ, cả Bộ Nông nghiệp và Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đều đang quản lý chặt chẽ ngành sản xuất thịt nuôi cấy. Tuy nhiên, ý định phổ biến loại thịt này trên thị trường đã gây ra làn sóng gây tranh cãi. Theo tạp chí Wired, Thống đốc bang Florida, ông Ron DeSantis có kế hoạch cấm bán hoặc sản xuất thịt nuôi cấy ở bang này. Hạ viện và Thượng viện bang Florida đã thông qua dự luật và đang chờ chữ ký của ông DeSantis - người phản đối “thịt giả”. Nếu được đưa thành luật, bất kỳ ai bán, sản xuất hoặc phân phối thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm ở Florida đều có thể bị phạt lên tới 500 USD và bị giam giữ 60 ngày.
“Một số người có thể muốn ăn côn trùng với Bill Gates, nhưng tôi thì không”, Bud Hulsey, hạ nghị sĩ ở bang Tennessee, nói trong một cuộc điều trần ở hội đồng lập pháp của bang này, với hàm ý thịt nuôi trong phòng thí nghiệm không an toàn. Hạ nghị sĩ ủng hộ dự luật cấm thịt nuôi trong phòng thí nghiệm. Quan điểm của ông là không nên thử nghiệm ở con người những sản phẩm mới mà chưa thẩm định và kiểm nghiệm nghiêm ngặt.
Ngoài Florida và Tennessee, các bang Alabama, Arizona, Kentucky cũng đang đề xuất lệnh cấm tương tự. Nếu tất cả những dự luật này được thông qua, thì khoảng 46 triệu người Mỹ sẽ không được tiếp cận một dạng thịt giúp con người không phải giết hại động vật tràn lan. Các đề xuất cấm nói trên bắt nguồn từ những lo ngại rằng ngành sản xuất thịt thông thường và ngành thịt nhân tạo có thể xảy ra mâu thuẫn. Một số nơi coi thịt nuôi cấy là mối đe dọa đối với ngành chăn nuôi gia súc ở các bang.
Trong một bức thư, Viện Thịt Bắc Mỹ (NAMI), cơ quan thương mại đại diện cho các công ty thịt, đã phản đối lệnh cấm này. Theo NAMI, lệnh cấm này mâu thuẫn với pháp luật liên bang và là chính sách công tồi tệ, hạn chế lựa chọn của người tiêu dùng và kìm hãm sự đổi mới. Ông Sean Edgett, Gám đốc pháp lý của Upside Foods, công ty khởi nghiệp về thịt nuôi cấy, cho biết: “Chúng tôi tự coi mình là giải pháp đồng hành chứ không phải giải pháp thay thế. Chúng tôi không bao giờ tìm cách thay thế thịt thông thường. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ luôn có chỗ cho loại thịt này trên thị trường. Vì vậy, những dự luật này có vẻ rất bảo thủ”.
Điều đáng lo ngại khác đối với các công ty sản xuất thịt nhân tạo là một số dự luật còn áp đặt các quy định về thông tin bao bì. Cụ thể, dự luật ở Arizona sẽ cấm các công ty sử dụng các thuật ngữ có nội dung thịt để mô tả các sản phẩm thịt nhân tạo, thịt từ thực vật hoặc côn trùng. Dự luật tương tự ở Tây Virginia vừa được thông qua vào tháng 3 yêu cầu bất kỳ sản phẩm thịt nuôi cấy nào cũng phải được dán nhãn là “nuôi cấy từ tế bào”, “nuôi trong phòng thí nghiệm” hoặc thuật ngữ tương tự.
Phát biểu trên The Financial Times, Paul Shapiro, CEO của Better Meat, một startup ở California chuyên sản xuất protein thay thế, lưu ý, nhiều nước khác đang coi trọng ngành công nghiệp non trẻ này. Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc đã công bố kế hoạch phát triển nông nghiệp 5 năm bao gồm các biện pháp thúc đẩy thịt nuôi trong phòng thí nghiệm. Năm 2020, Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) cấp phép bán thịt gà sản xuất trong phòng thí nghiệm của startup Eat Just (Mỹ).
Israel cũng là một trong số những quốc gia đang nổi lên với công nghệ thực phẩm nhân tạo, trong đó công nghệ in 3D dần trở thành xu hướng vì có thể tạo ra các sản phẩm giống thật đến từng chi tiết. “Những quan chức trong lĩnh vực an ninh quốc gia đang bắt đầu tự hỏi liệu có phải Mỹ đang cho phép châu Á giành ưu thế về tương lai của công nghệ thực phẩm không?” ông Shapiro nói.
Cuối năm 2013, Italia cũng đã cấm sản xuất và mua bán thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, một phần vì lo ngại về sức khỏe, ngay cả khi việc mua bán loại thịt này vẫn chưa được cấp phép ở Liên minh châu Âu (EU). Luật nói trên đã được Hạ viện Ý thông qua sau khi được Thượng viện nước này bật đèn xanh trước đó, đưa Ý trở thành quốc gia EU đầu tiên cấm loại thịt được tạo ra từ việc nuôi cấy tế bào mô động vật trong phòng thí nghiệm, theo AFP. Ngoài ra, luật cũng cấm việc mô tả protein có nguồn gốc thực vật là thịt trên nhãn mác sản phẩm, với mức phạt từ 10.000 đến 60.000 euro cho mỗi lần vi phạm.
Mặc dù các công ty EU đã và đang quyên tiền để nghiên cứu lĩnh vực khoa học mới mẻ này nhưng EU coi thịt phòng thí nghiệm là "thực phẩm mới" và do đó, bất kỳ sản phẩm mới nào cũng đều phải được EU cấp phép mới có thể bán ra thị trường. Theo luật mới được thông qua, Ý muốn "bảo vệ di sản chăn nuôi quốc gia", công nhận giá trị văn hóa, kinh tế xã hội và môi trường của ngành này, cũng như "đảm bảo việc bảo vệ sức khỏe con người ở mức độ cao". Ngoài ra, luật cũng hướng đến việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và quyền được biết thông tin về những gì họ ăn.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất các sản phẩm thịt nhân tạo từ phòng thí nghiệm được dự báo sẽ thay đổi ngành chăn nuôi toàn cầu, giống như cách ôtô điện đang làm rung chuyển ngành công nghiệp ôtô truyền thống. Cuối năm 2023, thống kê của trang tin AP cho thấy có 150 công ty khởi nghiệp đang tiến hành nghiên cứu và có kế hoạch phân phối các sản phẩm thịt nhân tạo với hương vị như thịt thật ra thị trường.
Do nhu cầu thịt trên thế giới luôn tăng, ngành sản xuất thịt nhân tạo tuy còn non trẻ nhưng vô cùng tiềm năng. Các công ty sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm đang cố gắng mở rộng quy mô sản xuất. Bằng cách hợp tác với các công ty thịt truyền thống, những công ty này ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư và mở các cơ sở sản xuất mới ở Mỹ cũng như các quốc gia khác.
Tuy nhiên, hầu hết người dùng hiện nay khi nhắc đến thịt vẫn luôn có xu hướng liên tưởng về các trang trại. Do đó, họ còn nhiều hoài nghi về tính an toàn và hương vị của các loại thịt nhân tạo. Trong cuộc thăm dò của AP-NORC, chỉ 18% người trưởng thành ở Mỹ cho biết họ muốn ăn thử thịt trong phòng thí nghiệm. 30% người tham gia khảo sát cho biết họ còn phân vân.
Công ty Tư vấn quản lý McKinsey & Company dự báo hàng triệu tấn thịt nhân tạo có thể được sản xuất vào năm 2030. Tuy nhiên, con số đó có thể vẫn không đủ để bù đắp lượng thịt động vật được tiêu thụ ngày càng tăng hiện nay.