Thông điệp chính sách kinh tế trái chiều, Trung Quốc khó vực dậy niềm tin của nhà đầu tư
Những động thái trái chiều khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư bối rối về chủ đích của Bắc Kinh khi cân bằng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiểm soát thị trường và an ninh quốc gia...
Năm mới thường là thời điểm mở ra tâm lý lạc quan về kinh tế ở Trung Quốc, khi rơi vào giữa hội nghị kinh tế trung ương thường niên của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 12 năm trước – nơi các quyết định kích thích tăng trưởng kinh tế được đưa ra – và Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 năm sau. Tuy nhiên, năm mới 2024 không giống mọi khi.
KHÔNG CHẮC CHẮN VỀ NHỮNG ƯU TIÊN CỦA CHÍNH PHỦ
Chỉ 10 ngày sau hội nghị kinh tế trung ương với mục tiêu tăng trưởng năm 2024 cùng những quyết sách hỗ trợ nền kinh tế khiêm tốn, các nhà chức trách Trung Quốc nhanh chóng ra dự thảo quy định giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp game.
Dự thảo có các quy định nhằm hạn chế chi tiêu, nạp tiền, tặng quà trong game – một nguồn thu lớn của các công ty công nghệ Trung Quốc. Động thái này làm dấy lên lo sợ về chiến dịch siết quản lý mới của Bắc Kinh, châm ngòi cho một cuộc bán tháo cổ phiếu công nghệ Trung Quốc trên toàn cầu và thổi bay hàng tỷ USD vốn hóa.
Trước phản ứng của thị trường, Tổng cục tin tức và xuất bản Nhà nước Trung Quốc (NPPA) – cơ quan quản lý lĩnh vực game – cho biết dự thảo trên sẽ giúp hoàn thiện các quy định và khẳng định cơ quan này sẽ “nghiêm túc nghiên cứu” phản hồi từ các bên liên quan. Tuy nhiên, nguồn tin từ tờ báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết NPPA sau đó sa thải ông Feng Shixin, một quan chức lâu năm và là người đứng đầu Cục Xuất bản.
Theo SCMP, những động thái trái chiều trên khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư bối rối về chủ đích của Bắc Kinh khi cân bằng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiểm soát thị trường và an ninh quốc gia trong bối cảnh địa chính trị mà các nhà lãnh đạo nước này nhận định là “khắc nghiệt” và “chưa có tiền lệ”.
Theo số liệu chính thức, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% năm 2023, vượt mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, niềm tin của doanh nghiệp vẫn ở mức thấp, còn thị trường chứng khoán vừa trải qua một năm tồi tệ.
Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài cùng với căng thẳng địa chính trị với Mỹ và các nước phương Tây khiến đầu tư tư nhân và nước ngoài vào Trung Quốc cùng giảm xuống mức thấp nhất hơn một thập kỷ. Năm 2023, đầu tư tư nhân tại Trung Quốc giảm 0,4%, còn đầu tư từ nước ngoài giảm 8% so với năm trước.
Góp phần vào tâm lý bi quan là lập trường chính sách thiếu rõ ràng của Bắc Kinh. Sau nhiều năm ưu tiên an ninh quốc gia hơn tăng trưởng kinh tế, với việc mạnh tay siết quản lý với lĩnh vực bất động sản, tài chính và công nghệ internet, năm ngoái Bắc Kinh tuyên bố sẽ điều chỉnh chính sách để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Nhiều tài liệu của Chính phủ được công bố kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ cho khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, những động thái trái chiều làm dấy lên sự thiếu chắc chắn về những ưu tiên của Chính phủ, khiến việc khôi phục niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp càng trở nên khó khăn hơn.
“Sự trái chiều xoay quanh việc Chính phủ một mặt muốn tiếp tục tăng trưởng và phát triển kinh tế, một mặt muốn đạt được mục tiêu an ninh và ổn định. Chính phủ nên cân bằng giữa hai mục tiêu này. Nhưng những gì đã diễn ra cho thấy Trung Quốc ưu tiên mục tiêu sau hơn”, ông George Magnus, trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford, nhận xét.
KHÔNG SẴN SÀNG MẠNH TAY THAY ĐỔI
Tuy nhiên, theo ông Magnus, đôi khi Thủ tướng Lý Cường và một số quan chức khác, bao gồm lãnh đạo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) dường như có quan điểm khác.
Trong khi ông Lý Cường cố gắng thuyết phục giới tinh hoa trên thế giới tin tưởng và đầu tư vào Trung Quốc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên 54 vừa qua ở Davos, Thụy Sỹ, thì chủ đề an ninh quốc gia lại là trọng tâm của các cuộc họp toàn quốc thường niên ở Bắc Kinh. Trong khi hội nghị kinh tế trung ương thổi bùng hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ tập trung hơn vào nền kinh tế, thì hội nghị này lại khiến giới quan sát bối rối với những cụm từ gây hoang mang và trống rỗng như “xây mới trước khi bỏ cũ”, “có bước tiến đồng thời duy trì ổn định” hay “theo đuổi sự ổn định thông qua tăng trưởng”.
“Thông điệp mang những từ hoa mỹ về việc hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm xây mới, đạt được tiến bộ, tăng trưởng, nhưng việc không có chương trình nghị sự nhất quán và cũng không sẵn sàng thay đổi mạnh mẽ, Bắc Kinh không thể loại bỏ ‘cái cũ’”, vị chuyên gia nhận định.
Tại hội nghị kinh tế trung ương, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố đặt sự phát triển của đất nước làm mục tiêu chính trị hàng đầu, đồng thời nhấn mạnh “triển vọng tươi sáng” của Trung Quốc năm 2024.
“Các tài liệu cũng như bài đăng công khai khác về hội nghị nhấn mạnh yêu cầu phải nói tốt về nền kinh tế cũng như sự phát triển kinh tế. Nhưng nếu thực sự chú trọng vào phát triển kinh tế thì Bắc Kinh cần có những biện pháp tham vọng hơn để thúc đẩy nhu cầu và cải cách”, ông Magnus phân tích.
Để vực dậy tâm lý thị trường, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tuần trước quyết định hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại từ ngày 5/2 để giải phóng khoảng 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (139,45 tỷ USD) trong hệ thống ngân hàng. Động thái này được đưa ra sau khi PBOC quyết định không hạ lãi suất như mong đợi của thị trường vào hai tuần trước đó.
Các nhà hoạch định chính sách cũng thúc giục các ngân hàng cấp khoản vay cho dự án bất động sản thương mại của những công ty địa ốc đủ điểu kiện nhằm giải tỏa nút thắt thanh khoản đang đè nặng lên nhiều doanh nghiệp. Dù nhận được tín hiệu tích cực từ thị trường, về căn bản những động thái này không thay đổi được triển vọng kinh tế và chính sách – hai yếu tố là động lực quan trọng nhất của thị trường chứng khoán. Giới phân tích cũng cho rằng những động thái đó cũng chưa đủ mạnh để khôi phục niềm tin của doanh nghiệp.
Theo ông Andrew Batson, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Trung Quốc Gavekal Dragonomics, sự bối rối trên bắt nguồn từ việc những năm gần đây Trung Quốc hạ thấp tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Còn theo nhà phân tích chính trị độc lập Chen Daoyin, Bắc Kinh đã bỏ qua cơ hội làm rõ định hướng chính sách và chỉnh đốn tất cả các cơ quan của Đảng và bộ, ngành của Chính phủ trước Hội nghị trung ương – sự kiện không được tổ chức năm ngoái.
Đây là sự kiện quan trọng nơi Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra chiến lược phát triển và các ưu tiên của đất nước trong 5 năm tiếp theo. Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc hiện vẫn chưa thông báo thời điểm triệu tập hội nghị được tổ chức 5 năm một lần này. Thường được triệu tập vào tháng 10 hoặc tháng 11, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1984 hội nghị trung ương không được tổ chức sau Đại hội Đảng (5 năm một lần).