Thủ phủ hoa đào tại Hải Phòng thu hàng chục tỷ đồng dịp Tết Quý Mão
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang tới gần, những ngày này, các làng nghề trồng hoa, cây cảnh tại xã Đặng Cương, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng đã khoác lên mình muôn vàn sắc hoa rực rỡ, người dân đang tất bật chăm sóc, chuẩn bị những cây đào cảnh đẹp nhất phục vụ thị trường hoa Tết…
Xã Đặng Cương, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng được biết đến là một xã thuần nông, kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong tổng thể nền kinh tế địa phương. Trong những năm qua, nhận thấy hiệu quả từ việc trồng lúa không được cao, chính quyền xã Đặng Cương đã tuyên truyền, vận động người dân tích cực, mạnh dạn đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng; chuyển đổi vườn tạp thành vườn chuyên canh, các ruộng sâu trũng cấy lúa thành đất trồng các loại cây cảnh mang giá trị kinh tế cao. Trong đó, nổi bật là cây đào cảnh với diện tích hơn 100ha.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Cương cho biết, nghề trồng đào của xã Đặng Cương xuất hiện từ hơn 30 năm trước và bắt đầu phát triển mạnh từ cuối năm 2000 tới nay, với 2 làng nghề nổi tiếng là Đồng Dụ và Tri Yếu. Tính đến năm 2022, diện tích trồng hoa, cây cảnh của toàn xã là 130ha, riêng diện tích trồng đào là hơn 100ha, chiếm trên 30% tổng diện tích đất nông nghiệp.
Hiện tại, toàn xã Đặng Cương có trên 800 hộ nông dân tham gia trồng đào Tết, tập trung tại 12 cánh đồng lớn nhỏ, trong đó có khoảng 50 – 60% hộ kinh doanh dưới hình thức cho thuê gốc đào. Nguồn thu nhập của người dân trong xã phần lớn phụ thuộc vào việc trồng hoa, cây cảnh. Đây được đánh giá là một nghề mang lại thu nhập cao, có đóng góp khá lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Theo số liệu thống kê năm 2022, thu nhập từ việc trồng hoa, cây cảnh của xã Đặng Cương là khoảng 70-80 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với việc cấy lúa trước đây. Người dân xã Đặng Cương quan niệm “1 cây đào bằng 3 sào lúa”, một gốc đào cho thuê có giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho chủ vườn, vừa có thể giải quyết vấn đề việc làm cho hàng trăm lao động mỗi dịp cận Tết.
Đào cảnh cũng góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giúp kinh tế xã Đặng Cương phát triển mạnh hơn so với nhiều xã thuần nông khác, trở thành một địa danh nổi tiếng khắp cả nước với nghề trồng hoa, cây cảnh.
Trao đổi với phóng viên, anh Phạm Văn Sơn, chủ vườn đào tại thôn Dân Hạnh cho biết, từ lâu, nhận thấy việc cấy lúa không mang lại hiệu quả cao, gia đình anh đã từ bỏ công việc này, tập trung vào kinh doanh, sản xuất đào Tết với mong muốn mang lại thu nhập cao và ổn định.
Đến nay, gia đình anh Sơn đã làm nghề trồng đào được 23 năm và có một vườn đào rộng 5 sào với hơn 200 gốc đào to, nhỏ khác nhau, chủ yếu là các gốc đào rừng hàng chục năm tuổi, có những gốc được cho thuê với giá lên tới hơn 70 triệu đồng. Mỗi năm, tổng thu từ việc trồng đào rơi vào khoảng 600-700 triệu đồng, trừ các chi phí ban đầu, trung bình anh Sơn thu được khoảng 400 triệu đồng mỗi vụ Tết và giải quyết việc làm cho 5 lao động thời vụ.
Với hiệu quả kinh tế cao gấp 7-8 lần so với canh tác lúa nước, trồng đào cảnh đã trở thành một nghề chính của bà con nông dân xã Đặng Cương. Phát triển mô hình trồng hoa, cây cảnh đang là hướng đi phù hợp với điều kiện của địa phương, mang lại giá trị kinh tế và xã hội cao nên đã được các cấp chính quyền tạo mọi điều kiện để thực hiện.
Thời gian qua, UBND xã đã phối hợp với Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ dân từng bước chuyển đổi, giảm bớt diện tích trồng các loại cây nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế thấp để tăng diện tích trồng đào, các loại cây cảnh có hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, địa phương còn tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kĩ thuật để nâng cao tay nghề cho các chủ vườn, tạo môi trường để những người trồng đào trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ về vốn, cho vay với lãi suất ưu đãi để người dân có vốn đầu tư, khởi nghiệp từ mô hình trồng đào.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện An Dương cho biết, để hỗ trợ người dân mở rộng diện tích canh tác và thuận tiện trong liên kết tiêu thụ sản phẩm, huyện đã xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho một số vùng hoa cây cảnh và làng nghề, tập trung đầu tư xây dựng các điểm sản xuất hoa gắn với du lịch sinh thái. Đồng thời, mở các hội chợ, triển lãm sinh vật cảnh để người dân có cơ hội quảng bá sản phẩm của mình.
Về kế hoạch phát triển trong thời gian tới, xã Đặng Cương sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa cây cảnh, không chỉ đào Tết mà còn có quất cảnh, hải đường và cam Đồng Dụ nhằm phát triển đa dạng các loại cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho địa phương.
Dù trải qua không ít khó khăn, vất vả nhưng không thể phủ nhận nghề trồng hoa đào đã mang lại lợi ích rất cao, giúp người nông dân làm giàu, ổn định cuộc sống. Không những thế, hoa đào còn tạo nên sức hút của vùng quê mỗi khi Tết đến Xuân về, thể hiện nét đẹp của một nghề truyền thống.