09:21 03/07/2024

Thứ trưởng Bộ Tài chính: "Vĩ mô Việt Nam ổn định, hãy coi khối ngoại bán là chuyện hết sức bình thường"

Tuệ Lâm

"Chúng ta phải coi giữa sự ổn định kinh tế vĩ mô và sự phát triển kinh doanh của mỗi doanh nghiệp niêm yết, thị trường cải cách, nâng hạng thì ai rút ra lại tiếc, lúc quay trở lại mất nhiều tiền hơn", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng kỷ lục trong tháng 6 vừa qua. Theo đó, giá trị bán ròng 16.591,8 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 15077.4 tỷ đồng. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: FPT, VHM, VRE, MWG, FUEVFVND, HPG, TCB, VNM, VCB.

Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại bán ròng gần 53.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tương đương hơn 2 tỷ USD.

KHỐI NGOẠI BÁN LÀ ĐIỀU BÌNH THƯỜNG

Bình luận về động thái bán ròng của khối ngoại tại Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” do Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với báo Lao động tổ chức ngày 2/7, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cho biết sau khi bán ròng lượng lớn cổ phiếu, hiện nay, số lượng tỉ lệ nắm giữ của nhà đầu tư ngoài trên thị trường Việt Nam là 46 - 49 tỉ USD, trên 16% tổng vốn hóa trên thị trường.

Việt Nam là thị trường có hạn chế về đầu tư nước ngoài nhưng tổng sở hữu vốn hóa của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tin tưởng, nắm nhiều nhất quanh khu vực Đông Nam Á. 

Hiện tượng rút vốn trong thời gian qua không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn có Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… 

Nguyên nhân thứ nhất do lãi suất đồng đô la duy trì quá cao, đồng đô la tăng giá, đồng Việt Nam hoặc trong khu vực có sự mất giá. Do vậy, một số quỹ thay đổi kế hoạch, chiến lược để đầu tư vào thị trường ít rủi ro hơn, có cơ hội lớn hơn trong ngắn hạn.

Lí do thứ hai là tỉ giá trên thị trường tương đối cao so với thị trường trong khu vực. Một số quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi, họ sẽ duy trì tỉ trọng nào đó với thị trường. Khi giá trị thị trường tăng lên, họ sẽ bán để đảm bảo mục tiêu đầu tư của quỹ. Ngoài ra, một số quỹ hết thời gian nên họ rút ra. Do vậy, câu chuyện bán ròng, rút vốn chưa phải hiện tượng tạo ra dư luận tiêu cực.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh bệ đỡ quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là tính ổn định vĩ mô của nền kinh tế. Nhìn ra kinh tế khu vực và toàn cầu với những biến động và khó khăn trong những năm vừa qua thì kinh tế Việt Nam vẫn giữ ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô. Vì vậy, không có cơ sở nào khiến thị trường chứng khoán của ta lại có rủi ro cao.

Đây đó có chuyện quỹ này quỹ kia của nước ngoài thay đổi khẩu vị rủi ro do cách quản trị của họ. Mà họ có điều chỉnh trong cơ cấu danh mục đầu tư thì chúng ta coi đó là chuyện hết sức bình thường.

"Chúng ta phải coi giữa sự ổn định kinh tế vĩ mô và sự phát triển kinh doanh của mỗi doanh nghiệp niêm yết, thị trường cải cách, nâng hạng thì ai rút ra lại tiếc, lúc quay trở lại mất nhiều tiền hơn. 

Chúng ta phải cùng nhau phân tích kỹ lưỡng, từ hiện tượng thì phân tích bản chất, công chúng đầu tư. Nhà đầu tư nhìn nhận chưa toàn diện thì chúng ta cần nghiên cứu để bình tĩnh hơn, tránh những ảnh hưởng không đáng có. Vai trò của truyền thông rất quan trọng. Mong rằng các phóng viên, cơ quan báo chí cần hết sức cẩn trọng trong phân tích, đánh giá", Thứ trưởng nói. 

NHIỀU DOANH NGHIỆP ĐỢI NÂNG HẠNG MỚI NIÊM YẾT

Tại hội thảo, nhà đầu tư cũng nêu vấn đề và gửi câu hỏi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc nâng hạng thị trường đi kèm với bài toán cần thêm những doanh nghiệp niêm yết chất lượng. 10 năm qua, top 10 cổ phiếu lớn chủ yếu thay đổi thứ hạng mà chưa có nhiều hàng hoá mới, các doanh nghiệp 1 tỉ USD chưa niêm yết vẫn có nhiều. Vậy giải pháp sắp tới là gì để gia tăng chất lượng hàng hóa?

Trả lời câu hỏi trên của nhà đầu tư, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh thực tế hiện nay trên thị trường có 42/42 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường trên 1 tỉ USD. Nếu so sánh với các nước trong khu vực thì nước ta không hề ít “doanh nghiệp tỉ đô”. Việt Nam hiện có những doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn đang chờ đợi thị trường chứng khoán nâng hạng mới niêm yết.

Trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra các giải pháp để tích hợp IPO và niêm yết. Việc này giúp doanh nghiệp lớn thu hút nhà đầu tư và nguồn vốn lớn. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang nghiên cứu và có giải pháp ban đầu, trong thời gian tới sẽ đưa vào các Dự thảo, Thông tư và Nghị định.

Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng hàng hóa là mục tiêu từ những đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, có ba tiêu chí để xác định chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán. 

Thứ nhất, chất lượng công bố thông tin. Trên thị trường chứng khoán, thông tin rất quan trọng. Nếu không minh bạch thì thị trường chứng khoán không thể thực hiện chức năng phân bổ nguồn vốn hiệu quả. Để có thông tin chất lượng, đáp ứng yêu cầu cao, cần thời gian dài từ việc thay đổi ý thức của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần có ý thức tự giác trong việc công bố thông tin không phải từ cơ quan quản lý bắt buộc mà chính từ lợi ích của doanh nghiệp.

Thứ 2, quản trị công ty. Cơ quan quản lý cũng đưa ra những yêu cầu tối thiểu để nâng cao quản trị công ty. Doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức tuân thủ quy định, cần nâng cao chất lượng quản trị công ty, hội đồng quản trị, tăng cường sự giám sát, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Thứ 3, hoạt động của doanh nghiệp phải đi kèm trách nhiệm với xã hội, môi trường. Đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp có báo cáo về việc thực hiện ESG.