18:36 24/11/2022

Thủ tướng: Truyền thông để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm – Dân thụ hưởng”

Dũng Hiếu

Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Truyền thông chính sách, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, công tác truyền thông chính sách có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Do đó, truyền thông chính sách phải để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm – Dân thụ hưởng”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định công tác truyền thông chính sách có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định công tác truyền thông chính sách có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Ảnh: TTXVN

Công tác truyền thông chính sách giúp nâng cao hiệu quả chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền; góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách. Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách. “Để làm tốt công tác truyền thông chính sách đòi hỏi không chỉ có quyết tâm mà phải có phương pháp, cách làm khoa học và phù hợp, thậm chí phải là nghệ thuật”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính phủ xác định, truyền thông chính sách có vai trò quan trọng để thực hiện tốt Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực tham gia quán triệt, phổ biến hiệu quả, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các chính sách pháp luật của Nhà nước; từ đó thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong triển khai thực hiện.

 

Thủ tướng nhấn mạnh, công tác truyền thông chính sách được đặt ở vị trí quan trọng; ngày càng khoa học;  Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, phương thức truyền thông mới được đẩy mạnh để điều tiết, định hướng thông tin, dư luận.

Tăng cường thông tin chính thống kịp thời, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, góp phần ổn định xã hội, tâm lý người dân, tăng cường niềm tin vào Đảng, Nhà nước.

Qua đó góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ ý thức tìm hiểu, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt chức năng góp ý, phản biện trong xây dựng chính sách, pháp luật; tạo đồng thuận xã hội, góp phần đưa chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực.

Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ, công tác truyền thông chính sách vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Theo đó, một số Bộ, ngành, địa phương chưa chú trọng, đầu tư đúng mức công tác truyền thông chính sách. Tính tương tác hai chiều trong truyền thông chính sách còn hạn chế. Một số chủ trương chính sách chưa được truyền thông chủ động, kịp thời. Hoạt động truyền thông các chính sách chưa được khoa học, đồng bộ, nhất quán, bài bản, hiệu quả.

Nhân lực cho công tác truyền thông chính sách vừa thiếu, vừa yếu, chưa được chuẩn hóa, nhất là cấp cơ sở. Bên cạnh đó chưa có công cụ đánh giá kết quả thực hiện truyền thông chính sách mang tính định lượng để đo lường kết quả và xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.

Sau khi phân tích nguyên nhân, đánh giá tình hình, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác truyền thông chính sách, thực hiện quyền tiếp cận thông tin, xây dựng Chính phủ trách nhiệm, lắng nghe, tất cả vì quyền và lợi ích của nhân dân, Thủ tướng đề nghị quán triệt đầy đủ, xuyên suốt tinh thần chỉ đạo, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ về công tác truyền thông chính sách;

Đại diện các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN
Đại diện các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Thúc đẩy, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật.

Cùng với đó, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân;

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy vai trò tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông trong thực hiện truyền thông chính sách, gắn công tác truyền thông chính  sách với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch;

Khuyến khích đổi mới, sáng tạo về nội dung và hình thức truyền thông chính sách, bảo đảm chất lượng, phù hợp, hiệu quả.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương phải thống nhất cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, sức mạnh của công tác truyền thông chính sách;

Đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm truyền thông chính sách, bảo đảm linh hoạt, sáng tạo, chủ động, kịp thời, nâng cao hiệu quả định hướng thông tin, dư luận;

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông chính sách;

Đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác truyền thông chính sách, nhất là người đứng đầu. “Không nên quan niệm truyền thông chính sách là việc của các cơ quan báo chí, truyền thông”, Thủ tướng nhắc nhở.

 

Tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện về các chính sách trong quá trình soạn thảo theo hướng lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể của chính sách.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí; Đề án Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027 (Quyết định 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022)…

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới; tăng cường ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số; đưa các kênh thông tin đa phương tiện phục vụ cho công tác truyền thông chính sách;

Xây dựng công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả truyền thông chính sách; Huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể; các lực lượng ở cơ sở cho công tác truyền thông chính sách; chú trọng các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trên biển; xây dựng đội ngũ nhân lực làm công tác truyền thông chính sách có năng lực, có chuyên môn, bảo đảm hoạt động chuyên nghiệp hiệu quả; nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện quy tắc ứng xử, hướng dẫn quy trình thực hiện truyền thông chính sách.

Về việc tăng cường đội ngũ truyền thông chính sách tại các bộ, ngành địa phương, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức biên chế của công chức, viên chức làm công tác truyền thông chính sách chuyên trách.

Về bố trí kinh phí cho hoạt động truyền thông chính sách, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương ưu tiên bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách, bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Đối với việc hoàn thiện quy định pháp luật, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan, rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan chú trọng công tác truyền thông chính sách; lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhân dân; bảo đảm công khai, minh bạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong xây dựng, thực thi và giám sát chính sách; tất cả các chính sách được ban hành phải tuân thủ nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tất cả vì quyền và lợi ích của nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, thực hiện “nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật”, công tác truyền thông chính sách thời gian tới sẽ có bước chuyển biến đột phá và đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.