Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm khởi sắc, bất chấp dịch bệnh
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội...
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 diễn ra ngày 3/6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận về công tác phòng chống dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, dự báo thực hiện 6 tháng và các giải pháp trong những tháng cuối năm.
Chính phủ cũng đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xem xét các đề án về thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa 15 cùng một số vấn đề quan trọng khác.
Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Trợ lý Tổng Bí thư Đinh Văn Ân, lãnh đạo các cơ quan Trung ương. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Tp.HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh tham dự phiên họp theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu địa phương.
ĐẠT NHIỀU KẾT QUẢ BẤT CHẤP DỊCH BỆNH BÙNG PHÁT
Tháng 5 và 5 tháng đầu năm, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó có đợt bùng dịch từ 27/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết kinh tế - xã hội vẫn đạt được những kết quả nổi bật.
Trong đó kết quả rõ nét nhất là đã bảo vệ và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; lãi suất, tỷ giá ổn định; sản xuất công nghiệp tăng khá; duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu; tăng thu hút đầu tư nước ngoài; thu ngân sách đạt kết quả tương đối tốt; an sinh xã hội, đời sống nhân dân ổn định; an ninh quốc gia, quốc phòng được giữ vững; đối ngoại được tăng cường...
Về tình hình kinh tế, tính lũy kế 5 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%.
Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5 tăng 8,1% về số lượng và tăng 33,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 78.300 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, tăng 8,8%. Xuất khẩu đạt trên 130 tỷ USD, nhập khẩu trên 131 tỷ USD, nhập siêu 0,37 tỷ USD.
Chỉ số CPI bình quân 5 tháng tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước đạt gần 50% dự toán năm - tăng 15,2% so với cùng kỳ.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; lãi suất, tỷ giá ổn định; sản xuất công nghiệp tăng khá; duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu; tăng thu hút đầu tư nước ngoài; thu ngân sách đạt kết quả tương đối tốt; an sinh xã hội, đời sống nhân dân ổn định; an ninh quốc gia, quốc phòng được giữ vững; đối ngoại được tăng cường...
Về tình hình dịch Covid-19, tính từ 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 4.800 ca mắc mới. Qua hai đợt tiêm vaccine ngừa Covid-19, cả nước đã tiêm được hơn 1,1 triệu liều, trong đó, hơn 31.000 người đã được tiêm đủ 2 mũi. Tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát, tuy nhiên vẫn còn nhiều nguy cơ và thách thức, đặc biệt tại một số điểm nóng như Bắc Giang, Bắc Ninh, Tp.HCM...
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là phải rà soát, cắt giảm số lượng dự án, tập trung cho các dự án trọng điểm, cấp bách, hiệu quả, có sức lan tỏa cao; không để tình trạng dàn trải, manh mún, lãng phí nguồn lực.
Thực hiện nghiêm túc các quy trình, thủ tục trong xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn ở tất cả các bộ, ngành, địa phương, chấm dứt tình trạng “chạy” dự án, lợi ích nhóm.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện Báo cáo; trên cơ sở đó, làm việc với các cơ quan liên quan của Đảng, Quốc hội, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Về Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm 2021 và giải pháp trong những tháng cuối năm, Chính phủ cơ bản nhất trí nội dung báo cáo và giao Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp, tiếp tục rà soát, cập nhật số liệu, đánh giá tình hình, nhận định bối cảnh tháng 6 năm 2021 và các tháng cuối năm. Đồng thời, xác định các giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện để hoàn thiện Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ trước khi Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Báo cáo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Về Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, đây là một việc rất khó, nhiệm vụ đặt ra trong 10 năm tới phải làm được 3.800 km. Nhiệm vụ này là một phần quan trọng trong 3 đột phá chiến lược để đất nước đi lên. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã giao nên dù khó nhưng cả hệ thông chính trị và nhân dân phải vào cuộc để thực hiện thành công.
Chính phủ thống nhất sự cần thiết của Đề án nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải nghiêm túc tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện Đề án để trình Bộ Chính trị xin chủ trương trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Trong đó, cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữ vùng động lực và vùng khó khăn, hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
VẪN CÒN NHIỀU TỒN TẠI, BẤT CẬP
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra những hạn chế, bất cập như: vẫn còn những nơi, những lúc bị động, lúng túng trong phòng chống dịch Covid-19 và có những cơ quan chưa kịp thời, hiệu quả trong thực hiện giải pháp; chiến lược vắc xin triển khai còn chậm...
Nhập siêu có biểu hiện tăng; xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khối có vốn đầu tư nước ngoài; tội phạm, nhất là tội phạm trên không gian mạng xuất hiện nhiều và ảnh hưởng tới đời sống xã hội...
THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH
Bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là địch Covid-19 hết sức phức tạp và nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội...
Thủ tướng chỉ rõ nguyên nhân khiến vẫn tồn tại những khó khăn trên chủ yếu là nguyên nhân chủ quan như: một số bộ, ngành chưa nắm chắc, bám sát tình hình, đưa ra giải pháp chưa phù hợp, kém hiệu quả, điều hành lúng túng; vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách chậm được tháo gỡ.
Bên cạnh đó, một số cá nhân, người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt, gương mẫu trong tổ chức và điều hành công việc thuộc phạm vi, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao...
"Bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là địch Covid-19 hết sức phức tạp và nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nhận định việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, chưa phát huy tốt vai trò kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng và dẫn dắt đầu tư tư nhân.
Giá xăng dầu và một số nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao, gây sức ép lớn đối với lạm phát và một số ngành, lĩnh vực. Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực dịch vụ, du lịch, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp tại các địa phương bùng phát dịch…
Nhận định về tình hình sắp tới, Thủ tướng cho rằng khó khăn, thách thức và cơ hội đan xen, song dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn vì dịch Covid-19 nguy cơ bùng phát mạnh hơn, ảnh hưởng lớn hơn.
7 CHỈ ĐẠO QUAN TRỌNG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Từ phân tích, đánh giá và dự báo tình hình, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Thứ nhất, siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách Nhà nước; đẩy mạnh tiết kiệm chi thường xuyên, sử dụng dự phòng hợp lý để dành nguồn phòng, chống dịch và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Thứ hai, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong bối cảnh giá thế giới tiếp tục xu hướng tăng; đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước.
Thứ ba, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp, năng lượng lớn, trọng điểm; khẩn trương có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ quan trọng, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
Thứ tư, chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 bảo đảm an toàn, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh.
Thứ năm, Tăng cường kiểm soát hoạt động xuất, nhập cảnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Cương quyết xử lý các trường hợp cư trú bất hợp pháp.
Thứ sáu, tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại, nhất là các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh; chú trọng bảo hộ công dân, tài sản và lợi ích kinh tế của Việt Nam tại nước ngoài…
Thứ bảy, đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kiểm soát chặt chẽ thông tin xấu độc trên mạng, ngăn chặn thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội.