16:50 07/06/2023

Tỉnh, thành nào được dự báo có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 6 tháng đầu năm?

Vân Nguyễn

Với tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 14,21%, Hậu Giang tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vươn lên đứng đầu cả nước...

Dự báo chỉ số phát triển GRDP của 30 tỉnh, thành phố trong 6 tháng đầu năm 2023 – Nguồn: Tổng Cục Thống kê
Dự báo chỉ số phát triển GRDP của 30 tỉnh, thành phố trong 6 tháng đầu năm 2023 – Nguồn: Tổng Cục Thống kê

Dự báo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 59 tỉnh, thành phố tăng trưởng dương và 4 tỉnh tăng trưởng âm. Trong đó, Hậu Giang là địa phương được dự báo đạt mức tăng trưởng cao nhất cả nước, ước đạt 14,21%.

Hai vị trí tiếp theo thuộc về Bắc Giang và thành phố Hải Phòng với mức tăng trưởng dự báo ước đạt lần lượt là 10,94% và 9,94%. Nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có mức dự báo tăng trưởng cao nhất 6 tháng đầu năm 2023 còn có Quảng Ninh, Cà Mau, Nam Định, Hưng Yên, Ninh Thuận, Khánh Hoà và Thái Bình.

Kết thúc năm 2022, Hậu Giang đạt mức tăng trưởng ngoạn mục 13,94%, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và vươn lên thứ 4 của nước (tăng 35 bậc so với năm 2021), với quan điểm tập trung phát triển 4 trụ cột quan trọng là công nghiệp – nông nghiệp – du lịch và đô thị, kinh tế Hậu Giang những tháng đầu năm 2023 tiếp tục khởi sắc, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh Hậu Giang đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.

Với tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 14,21%, tỉnh Hậu Giang tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vươn lên đứng đầu cả nước.

Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh trong tháng 5/2023 tiếp tục phát triển, các chỉ tiêu kinh tế duy trì ở mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước như: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,91%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,06%; doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi tăng 12,45%; xuất nhập khẩu hàng hoá tăng 6,44%...

“Tháng 5 là tháng diễn ra Tuần lễ chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023. Đây là sự kiện quan trọng của Tỉnh với nhiều hoạt động diễn ra và các gian hàng của các doanh nghiệp chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong và ngoài tỉnh tham dự, vì vậy đã tạo điều kiện cho tỉnh phát triển kinh tế xã hội”, Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang cho biết.

Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ước đạt 8,81 nghìn tỷ đồng, tăng 9,03% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà n­ước thực hiện được 1,68 nghìn tỷ đồng, tăng 75,35% so với cùng kỳ; vốn tự có của doanh nghiệp nhà n­ước và Trung ương đầu tư trên địa bàn thực hiện đ­ược 961,11 tỷ đồng, tăng 145,78% so với cùng kỳ; vốn đầu t­ư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà n­ước thực hiện được 6,18 nghìn tỷ đồng, giảm 8,32%.

Đóng góp trong sự tăng trưởng mạnh mẽ của Hậu Giang trong những tháng đầu năm còn có đà tăng trưởng ổn định của tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, nhờ sự phát triển nhanh của thị trường các nhóm hàng bán buôn, bán lẻ cùng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tỉnh Hậu Giang ước thực hiện được 23,32 nghìn tỷ đồng, tăng 13,30%.

Tình hình hoạt động xuất, nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm cũng có sự tăng trưởng , tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, uỷ thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng thực hiện ước đạt 455,32 triệu USD, tăng  0,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu ước thực hiện được 265,09 triệu USD, bằng 99,38% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước thực hiện được 173,80 triệu USD, tăng 2,88% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ sự hồi phục của thị trường tiêu thụ trong nước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tỉnh Hậu Giang tiếp tục tăng trong hai tháng 4 và 5 lần lượt là 14,47% và 13,91% so cùng kỳ, góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 13,92% so với cùng kỳ.

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang

Tính chung 5 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp với mức tăng 8,34% so với cùng kỳ.

Theo Cục thống kê tỉnh Hậu Giang, tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất này đạt được là do thị trường tiêu thụ trong nước đã phục hồi. Ngoài ra, Công ty điện lực Hậu Giang đã cung cấp đủ điện, an toàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội, hạn chế tối đa không để tình trạng mất điện, đảm bảo nhu cầu sử dụng cho người dân và các doanh nghiệp được hoạt động liên tục trong các đợt cao điểm nắng nóng như hiện nay.

Tuy nhiên, báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang cũng cho thấy, ở chiều ngược lại, do ảnh hưởng của giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng, cũng như thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn, nên một số sản phẩm công nghiệp sản xuất chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu giảm sản lượng sản xuất như: sản lượng sản xuất tôm đông lạnh giảm 37,80% so với cùng kỳ; sản lượng sản xuất giày dép các loại giảm 15,25% so với cùng kỳ; sản lượng sản xuất giấy và bìa khác giảm 2,27% so với cùng kỳ năm trước…