16:46 04/05/2022

Tổng Bí thư: Phải làm rõ vì sao đất đai chưa thành nội lực phát triển kinh tế - xã hội

Tiến Dũng

Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương 5 là thảo luận về việc tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP

Sáng 4/5, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII khai mạc tại Hà Nội, dự kiến diễn ra trong 7 ngày với chương trình nghị sự gồm xem xét và thảo luận nhiều vấn đề quan trọng. 

Cụ thể, Trung ương sẽ xem xét, thảo luận Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và quyết định nhiều nội dung quan trọng khác. 

Trong đó, đáng chú ý là nội dung về chính sách đất đai - một nội dung quan trọng, phức tạp, nhạy cảm và liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội, mọi người dân nên nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.

Hội nghị nhấn mạnh việc tổng kết chính sách pháp luật về đất đai tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Việc này đồng thời giải quyết được các vấn đề có tính chất cụ thể, ngắn hạn trong từng giai đoạn, giải phóng tối đa, khai thác, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai phục vụ phát triển đất nước. 

LÀM RÕ VÌ SAO VẪN CÒN LÃNG PHÍ NGUỒN LỰC ĐẤT ĐAI

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này là những vấn đề rất lớn, rất khó và rất hệ trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên các lĩnh vực trọng yếu như đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong giai đoạn mới...

Theo đó, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Với nội dung về đất đai, Tổng Bí thư nêu rõ đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

"Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất... Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai", Tổng Bí thư nói.

Khai mạc Hội nghị Trung ương 5 sáng 4/5 - Ảnh: VGP
Khai mạc Hội nghị Trung ương 5 sáng 4/5 - Ảnh: VGP

Vì vậy, ông nhấn mạnh việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hoà các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là một lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước, hiện vẫn còn không ít ý kiến khác nhau.

Khi thảo luận, đánh giá tình hình và nguyên nhân, chúng ta cần nắm vững phương pháp duy vật biện chứng, các quan điểm và nguyên tắc cơ bản đã được xác định trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước để phân tích một cách toàn diện, khách quan kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 6 khoá XI và pháp luật về đất đai; chỉ rõ nội dung của Nghị quyết đã được thể chế hoá như thế nào? Những điểm gì thể chế hoá đúng, điểm gì chưa đúng? Những quan điểm, yêu cầu quan trọng nào của Nghị quyết chưa được thể chế hoá hoặc chưa được thực hiện một cách nghiêm túc? Tình hình thực hiện trong thực tế như thế nào? Những chủ trương, chính sách gì cần bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh?...

Ghi nhận những chuyển biến tích cực và những kết quả nổi bật đã đạt được trong gần 10 năm qua, song Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân.

Tổng Bí thư yêu cầu tập trung làm rõ các nội dung như: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?...

"Đâu là nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết và bất cập của Luật Đất đai năm 2013? Đâu là do các quy định dưới luật còn bất cập; có quá nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn? Và đâu là do việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước; do nhận thức chưa đầy đủ và ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm?...", Tổng Bí thư phát biểu.

Trên cơ sở đó, đề xuất các chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai; chú ý các vấn đề hiện đang vướng mắc hoặc gây bức xúc trong xã hội và những nội dung còn có ý kiến khác nhau. 

NHIỀU NỘI DUNG QUAN TRỌNG KHÁC

Về nội dung liên quan nông nghiệp, Tổng Bí thư đề nghị Hội nghị tập trung nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời kỳ mới - đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Đề cập nội dung về kinh tế tập thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay vẫn chưa đạt mức phát triển như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Do đó, ông đề nghị các đồng chí Trung ương và các đồng chí tham dự hội nghị xuất phát từ thực tiễn, thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khoa học về những kết quả, thành tích đã đạt được; đồng thời phân tích sâu sắc những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân.

Từ đó, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực tế đất nước, tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được quán triệt và triển khai thực hiện để kinh tế tập thể ngày càng phát triển mạnh hơn, đúng đắn và lành mạnh hơn, thực sự trở thành một thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP
Các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP

Về đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư cho biết Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì xây dựng. Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm; ý kiến các ban, bộ, ngành, địa phương và thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đến nay, đã có 5 địa phương thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, gồm Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng, An Giang, Khánh Hòa. 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nhất trí lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu, cho ý kiến, quyết định về chủ trương lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực để có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương.

Về việc kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021, Tổng bí thư đánh giá việc này đã được thực hiện nghiêm túc và bài bản trong năm qua và đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, bạn bè thế giới đánh giá cao.

Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư vẫn còn tồn tại, hạn chế. Công tác dự báo chiến lược, hoạch định đường lối, chính sách và tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận có lúc, có việc chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới. Trong phòng chống dịch bệnh có lúc, có nơi còn chủ quan, bị động, hoặc cứng nhắc, thiếu thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất.