Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Chuyển đổi số toàn diện, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm
Trong giai đoạn tiếp theo, từ năm 2023 đến 2025 và định hướng đến năm 2030, Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế làm trung tâm...
Nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10), ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đã chia sẻ về công tác chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.
Theo Tổng Giám đốc, đâu là những dấu ấn nổi bật trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đặc biệt là việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trong thời gian vừa qua?
Là cơ quan triển khai thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thường xuyên tương tác, giao dịch và phục vụ hầu hết người dân, doanh nghiệp, nên việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Ngành và đã đạt một số kết quả nổi bật.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một trong số đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức. Trong quá trình triển khai, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nhằm xây dựng, làm giàu cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Hiện nay, Bảo hiểm đang quản lý hơn 91,74 triệu người tham gia, trong đó đã xác thực và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt tỷ lệ 94%.
Ngành bảo hiểm đã tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội… để triển khai hai nhóm thủ tục hành chính liên thông (Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng); dịch vụ công trực tuyến “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”…, tạo nhiều thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội cũng phối hợp chặt chẽ với ngành Công an, Y tế trong công tác triển khai: sử dụng thẻ căn cước công dân và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) phục vụ người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; ứng dụng công nghệ sinh trắc tại cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp; liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử, Sổ Sức khỏe điện tử; đồng bộ, chia sẻ thông tin giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo theo dõi, đánh giá tình hình việc làm của sinh viên sau khi ra trường.
Tính đến nay, toàn bộ các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc đã triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp, với gần 50 triệu lượt tra cứu thông tin bảo hiểm y tế qua căn cước công dân, phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh.
Ngành cũng đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo Quyết định số 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, gồm các dịch vụ công: “Đăng ký tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện”; “Đăng ký đóng, cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người chỉ tham gia bảo hiểm y tế”; “Giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần”, nhằm đơn giản hóa hồ sơ, cắt giảm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cấp, triển khai hiệu quả ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số; triển khai kết nối, tích hợp tài khoản định danh điện tử (tài khoản VNeID) trên ứng dụng VssID, hướng tới cho phép hơn 50 triệu người dân đang có tài khoản VNeID có thể truy cập, sử dụng ứng dụng này.
Ngoài ra, ngành Bảo hiểm xã hội cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng, để chủ động ứng phó từ sớm, xử lý, ngăn chặn kịp thời các cuộc tấn công mạng.
Có thể nói, với những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đi đúng hướng, đúng trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thưa Tổng Giám đốc, những kết quả này đã mang lại lợi ích như thế nào cho người tham gia, thụ hưởng?
Các lĩnh vực hoạt động của ngành bảo hiểm xã hội đều được số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin với gần 30 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin quản lý các quy trình nghiệp vụ, hơn 20 nghìn tài khoản trong Ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ.
Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế của Ngành đang kết nối với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc. Đây là công cụ hiệu quả, góp phần giúp công tác khám chữa bệnh công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Hằng năm, Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế cùng Hệ thống giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử đã tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến. Thực tế cho thấy, việc giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội không chỉ góp phần giảm tải áp lực giải quyết hồ sơ, thủ tục cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, mà còn giúp các tổ chức, cá nhân tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và chi phí đi lại khi giao dịch.
Gần như tất cả các hoạt động của Ngành, cũng như các giao dịch của người người dân, doanh nghiệp với cơ quan Bảo hiểm xã hội đã được thực hiện trên môi trường số. Do đó, không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp có thể giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội mọi lúc, mọi nơi mà còn có thể dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách.
Nhờ đó, tính minh bạch của thông tin, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được nâng cao rõ rệt...
Ngành cũng đã đưa vào triển khai ứng dụng VssID trên nền tảng thiết bị di động. Hiện đã có hơn 30 triệu tài khoản sử dụng ứng dụng, với hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng để đi khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Ngoài việc sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh, người dân còn có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNeID để thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy. Từ đó, góp phần giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh.
Vậy, theo Tổng Giám đốc, đâu sẽ là những bài học, giải pháp trọng tâm để Ngành tiếp tục phát huy kết quả trong thời gian tới?
Công tác chuyển đổi số của Ngành hiện nay là yêu cầu bắt buộc cần làm ngay, làm toàn diện, là hướng đi chiến lược nhằm giúp Ngành phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0.
Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng Đề án tổng thể về Chuyển đổi số của Ngành.
Ở giai đoạn tiếp theo, từ năm 2023 đến 2025 và định hướng đến năm 2030, Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế làm trung tâm.
Trong đó, tập trung củng cố, phát huy thế mạnh của cơ sở dữ liệu sẵn có luôn được làm giàu; tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xác thực, chia sẻ, liên thông dữ liệu phục vụ công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam số với nguồn nhân lực số chất lượng cao; đưa vào thử nghiệm và áp dụng các công nghệ mới như Blockchain, Big Data, AI để mang lại hiệu quả trong quản lý, nâng cao trải nghiệm của tổ chức, cá nhân...
Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục tạo ra ngày càng nhiều tiện ích, dịch vụ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp...