10:00 19/09/2023

TP.HCM: Quận 12 buộc dân đóng tiền làm cống mới làm đường

Ban Mai

Các hộ dân sinh sống trên đoạn đường 370m An Phú Đông 35, phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM không đồng thuận đóng góp tiền làm đường vì không được lý giải rõ ràng…

Đoạn đường An Phú Đông 35, phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM, thường xuyên bị ngập do không có cống từ nhiều năm nay.
Đoạn đường An Phú Đông 35, phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM, thường xuyên bị ngập do không có cống từ nhiều năm nay.

UBND phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM, kêu gọi các hộ dân trên đoạn đường An Phú Đông 35 dài 379m đóng tiền làm đường nhưng người dân không đồng tình.

QUẬN LÀM ĐƯỜNG, DÂN PHẢI LÀM CỐNG

Hiện 84 hộ dân đang sinh sống tại con đường An Phú Đông 35, phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM lo lắng và bức xúc vì phải đóng tiền làm đường đi qua trước cửa nhà mình.

Thực trạng con đường An Phú Đông 35 nằm trong khu dân cư của khu phố 3 (đoạn từ An Phú Đông 25 đến nhà số 21/33, chiều dài 370m) đã xuống cấp trầm trọng, khi mưa xuống ngập rất nặng, đường có nhiều ổ gà, ổ trâu khiến xe di chuyển qua đây bị té ngã, hoặc tắt máy vì ngập nước.

Đoạn đường 370m An Phú Đông 35, quận 12, TP.HCM, thường xuyên bị ngập do không có cống.
Đoạn đường 370m An Phú Đông 35, quận 12, TP.HCM, thường xuyên bị ngập do không có cống.

Theo bà con sinh sống ở đây, con đường An Phú Đông 35 (đoạn 370m) được hình thành nhưng không có cống thoát nước. Các hộ dân thoát nước tự nhiên (nước thải tự thấm vào lòng đất). Do đó, tình trạng ngập diễn ra thường xuyên, nhất là khi trời mưa, mức ngập lên đến bắp chân, cộng với tình trạng đường hư hỏng nặng đã gây ra nhiều tai nạn thương tâm khi nhiều xe cộ thường xuyên đi lại qua con đường này.

Ông Trần Văn Đảm (khu phố 3), phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM, cho biết rất nhiều tai nạn đã xảy ra khi con đường này khi bị ngập nước, nhiều xe bị sụp hố, nhiều người bị thương tích… Tuy nhiên, vì đây là con đường thuận tiện nhất đi từ khu dân cư nối với quốc lộ 1A, nên hằng ngày lượng xe di chuyển qua đây khá lớn. Ngoài ra, xung quanh đây có trường tiểu học Võ Thị Thừa, trường mầm non Bình An, mầm non Sinh Đôi nên học sinh cũng qua lại con đường này để đến trường thuận tiện.

“Chúng tôi mong Nhà nước tổ chức làm cống và sửa đường An Phú Đông 35 để bà con đi lại thuận tiện, sinh hoạt cuộc sống bình thường như những hộ dân sinh sống trên những con đường được xây sửa quanh khu vực này”, ông Đảm kỳ vọng.

Con đường An Phú Đông 35 (đoạn 370m) được hình thành nhưng không có cống thoát nước.
Con đường An Phú Đông 35 (đoạn 370m) được hình thành nhưng không có cống thoát nước.

Trước thực trạng này, UBND phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM, đã có văn bản gửi UBND quận 12 xin kinh phí để sửa chữa. Theo đó, UBND quận 12, TP.HCM, đã có Công văn số 4949 (ngày 26/7/2023) về việc duy tu, sửa chữa, cải tạo các tuyến đường, hẻm theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm năm 2023 (đợt 3); duy tu, sửa chữa, cải tạo các tuyến đường, hẻm đảm bảo giao thông và duy tu sửa chữa, cải tạo các tuyến đường, hẻm ngập nước năm 2023.

Theo đó, UBND phường An Phú Đông đã phát Phiếu thăm dò tới 84 hộ dân nằm trên đoạn đường An Phú Đông 35 (đoạn từ An Phú Đông 25 đến nhà số 21/33, chiều dài 370m) để lấy ý kiến về đóng góp tiền xây, sửa đường.

Cụ thể, kinh phí đầu tư xây, sửa đoạn đường trên gồm 02 hạng mục. Hạng mục thức nhất: là hạng mục mặt đường do UBND quận 12 chi kinh phí đầu tư là 1.771.280.280 đồng. Hạng mục thứ hai: là hạng mục thoát nước do nhân dân đóng góp (ước tính 1.650.511.170 đồng). Đơn vị thầu thi công của Công ty TNHH Dịch vụ Yên Lộc chào nhận thầu là 1.202.627.000 đồng.

“Qua 02 lần lấy ý kiến, người dân đã đồng ý chọn thầu thi công của Công ty TNHH Dịch vụ Yên Lộc thực hiện và việc đóng góp kinh phí tính theo mét ngang mặt tiền tiếp giáp nhà, đất. Người dân đồng ý hoặc không đồng ý với việc đóng góp kinh phí đầu tư, tạm tính 1.600.000 đồng/m đối với nhà đất tiếp giáp đường An Phú Đông 35. Trường hợp có ý kiến khác về kinh phí thì số tiền đóng góp không dưới 1.000.000 đồng”, nội dung trong Phiếu thăm dò nêu.

Tuy nhiên, nhiều hộ dân nằm trên đoạn đường 370m không đồng ý với việc đóng góp và có nhiều ý kiến muốn được làm sáng tỏ để người dân đồng thuận.

Ông Võ Thành Đằng (khu phố 3), thắc mắc tại sao những con đường quanh khu vực này người dân không phải đóng góp tiền làm đường, nhưng 84 hộ dân tại đoạn đường dài 370m trên đường An Phú Đông 35 lại phải đóng tiền?

“Nếu nói Nhà nước và nhân dân cùng làm và hộ dân phải đóng 1.600.000 đồng/m đối với nhà tiếp giáp mặt đường thì chúng tôi muốn UBND phường công khai dự toán chi phí xây cống để người dân được biết. Ngoài ra, với số tiền đóng góp để làm cống và cùng Nhà nước hoàn chỉnh đoạn đường này thì người dân chúng tôi muốn hạn chế xe tải quá cỡ đi qua đoạn đường này, tránh gây hư hỏng nặng, hư hỏng nhanh cho con đường”, ông Đằng nói.

Còn ông Lê Ngô Phúc (khu phố 3) cho biết người dân rất tha thiết mong UBND phường An Phú Đông và quận 12 nhanh chóng sửa đoạn đường này. Vì học sinh đã nhập học, lượng người đi qua đây nhiều hơn, nguy hiểm xảy ra nhiều hơn, nếu đường bị ngập liên miên.

“Người dân cũng muốn những doanh nghiệp quanh đây có xe chở hàng chạy qua đoạn đường này phải đóng góp vì họ cũng sử dụng đường này thường xuyên”, ông Phúc đề nghị.

DÂN KHÔNG ĐÓNG TIỀN SẼ KHÔNG LÀM ĐƯỜNG?

Trong 02 cuộc họp giữa 84 hộ dân trên đoạn đường 370m An Phú Đông 35 với UBND phường An Phú Đông diễn ra mới đây vào ngày 01/8/2023 và 07/8/2023, nhiều người dân không đồng thuận đóng góp vì những lý do ở trên.

Theo ông Trần Văn Đảm (khu phố 3): “Xuất phát từ thực tế là đoạn đường 370m An Phú Đông 35 không có cống, trong khi đó, ngân sách quận 12 đã cấp hơn 1,7 tỷ đồng để duy tu sửa chữa, cải tạo các tuyến đường, hẻm ngập nước năm 2023 cho đoạn đường này. Do đó, người dân chúng tôi đề nghị dùng số tiền này làm cống trước để thoát nước cho con đường. Mặt đường đã rải đá, sẽ chờ sửa sau. Điều này sẽ đảm bảo công bằng cho người dân ở đây như những hộ dân sinh sống trên các con đường khác khi không phải đóng tiền làm đường, làm cống”.

Tuy nhiên, ông Lê Phan Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú Đông, đã thông tin không chính thức rằng tổng kinh phí sửa đường và làm cống khoảng 3,5 tỷ đồng cho đoạn đường 370m. Việc bà con đề nghị có tiền đến đâu làm đến đó (làm cống trước) với số tiền từ ngân sách TP.HCM rót xuống cho quận 12 để duy tu, sửa chữa tuyến đoạn đường 370m An Phú Đông 35 (hơn 1,7 tỷ đồng), ông Tiến nói: “Tôi không trả lời được câu hỏi đó. Để quyết toán thì một là quyết toán duy tu thoát nước hoặc duy tu mặt đường. Làm một nửa thì nghiệm thu làm sao? Muốn làm cả con đường từ vốn ngân sách Nhà nước thì phải xin nguồn vốn khác. Đâu thể nào lấy nguồn này đắp qua nguồn khác được. Ở cấp độ của UBND phường, tôi đã làm văn bản lên quận 12 xin nguồn vốn, được cấp vốn nào tôi sử dụng vốn đó”.

Ông Tiến cho biết thêm, chủ trương làm cống và đường đoạn 370m đã triển khai tới người dân. Để duyệt được nhanh nhất là lấy vốn duy tu (chọn một trong hai: duy tu thoát nước hoặc duy tu mặt đường) hằng năm của quận 12. Quận 12 đã duyệt kinh phí ngày 28/7/2023. Nếu muốn đầu tư toàn bộ đường (làm cống và đường) thì phải xin quận 12 và quận 12 xin UBND TP.HCM duyệt nguồn vốn khác.

“Tới bây giờ, nhanh hay chậm là do người dân. Vì bước đầu tiên là làm hệ thống cống, đóng tiền nhanh thì triển khai nhanh”, ông Tiến nhấn mạnh.

Đoạn đường 370m đó thực tế là không có cống, hằng năm quận 12 và phường bỏ tiền từ ngân sách ra duy tu rất nhiều, nhưng sau duy tu chỉ sử dụng được 3-4 tháng. Khi mưa ứ đọng nước mặt đường gây ngập và hư hỏng liên tục. Chẳng hạn, mỗi năm quận 12 lên danh mục duy tu các tuyến đường tại quận 12, đoạn đường 370m là phát sinh mới sau này.

“Hằng năm, tôi vẫn đề xuất duy tu những con đường trọng yếu, nhưng quận 12 là người quyết định, đoạn đường 370m tại sao không được chọn thì UBND phường không nắm được”, ông Tiến nói.

Với lý giải như trên từ UBND phường An Phú Đông, ông Võ Thành Đằng (khu phố 3) cho rằng UBND phường đã không dựa vào tình hình thực tế để xử lý công việc, không dựa trên lợi ích của người dân mà thi hành…

Ông Đằng cho biết thêm, đến nay, người dân vẫn trông chờ để được thỏa thuận với phường và quận 12 nhưng không thấy gì nữa. Chúng tôi đã chờ bao nhiêu năm nay để con đường này được hoàn thiện như những con đường khác xung quanh, nhưng đều bị “bỏ qua”, trong khi đây là đường dân sinh, nhiều người, xe ô tô qua lại thường xuyên vì thuận tiện nối ra quốc lộ 1A.

“Việc chậm trễ và trì hoãn này có trái với chủ trương của UBND TP.HCM là đẩy nhanh đầu tư công khi thành phố cần giải ngân 46.000 tỷ đồng trong những tháng cuối năm 2023? Chúng tôi đang rất cần số tiền này để sửa đường, đỡ được đồng nào hay đồng đó. Tiền từ ngân sách cũng là tiền thuế của dân đóng góp”, ông Đằng bức xúc.