12:06 05/07/2023

Trụ ngân hàng trỗi dậy có làm nên chuyện?

Kim Phong

Tới 4/5 cổ phiếu dẫn dắt điểm số của VN-Index sáng nay thuộc về nhóm ngân hàng. 4/16 cổ phiếu thanh khoản trên trăm tỷ đồng cũng là cổ phiếu ngân hàng. Nhóm này quay lại giao dịch sôi động ngay trước thềm báo cáo tài chính quý 2/2023 và cũng trong thời điểm chỉ số áp sát đỉnh cao ngắn hạn...

Cổ phiếu VCB, BID tăng tốt, nhưng chưa có sự hỗ trợ đủ mạnh từ các trụ khác.
Cổ phiếu VCB, BID tăng tốt, nhưng chưa có sự hỗ trợ đủ mạnh từ các trụ khác.

Tới 4/5 cổ phiếu dẫn dắt điểm số của VN-Index sáng nay thuộc về nhóm ngân hàng. 4/16 cổ phiếu thanh khoản trên trăm tỷ đồng cũng là cổ phiếu ngân hàng. Nhóm này quay lại giao dịch sôi động ngay trước thềm báo cáo tài chính quý 2/2023 và cũng trong thời điểm chỉ số áp sát đỉnh cao ngắn hạn.

Tuy nhiên, sự phân hóa vẫn còn đó. Trong toàn bộ 27 mã ngân hàng trên các sàn, 3 mã vẫn giảm và 6 mã không tăng được. Số tăng giá tuy áp đảo, nhưng cũng chỉ có 9 mã tăng mạnh trên 1%.

Điểm tốt là các trụ khỏe. VCB tăng 2,1% lại là cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường. BID tăng 1,48% là cổ phiếu lớn thứ hai của nhóm ngân hàng. VPB tăng 1,26%, MBB tăng 1,23% cũng là các cổ phiếu có ảnh hưởng tốt. Thậm chí như CTG tuy chỉ tăng 0,68% nhưng sức mạnh vốn hóa vẫn giúp cổ phiếu này đứng thứ 6 trong nhóm ảnh hưởng nhất tới chỉ số.

Về thanh khoản, STB đang dẫn đầu nhóm với 256,6 tỷ đồng giá trị khớp lệnh, VPB thứ hai với 221,9 tỷ. Tiếp đó là MBB, ACB đều trên trăm tỷ. Tính chung các cổ phiếu ngân hàng trên HoSE sáng nay khớp 1.324,8 tỷ đồng, chiếm 19% tổng giá trị khớp của sàn này, tăng đáng kể so với tỷ trọng 16,7% hôm qua. Riêng với rổ VN30, giao dịch của các cổ phiếu ngân hàng chiếm 41,2%.

Cổ phiếu ngân hàng mạnh trở lại sáng nay vẫn chưa hẳn là tín hiệu đột biến, vì mới có một vài mã lớn nổi bật. Ảnh hưởng duy nhất đáng kể là tác động điểm số. Thanh khoản tuy cũng mạnh nhưng loạt mã ấn tượng phải kể tới DGC, VNM, MWG. Đặc biệt DGC có phiên tăng vượt đỉnh ngắn hạn 2 tuần trước với giao dịch tới 6,9 triệu cổ và 461 tỷ đồng. Chỉ riêng giao dịch buổi sáng của DGC đã lập kỷ lục 18 phiên. Giá đang tăng 3,86% với cung cầu dồi dào, nếu giao dịch tiếp tục cởi mở, DGC sẽ còn đẩy thanh khoản lên cao nữa.

Tổng thể thị trường sáng nay giằng co nhưng trên nền giá cao hơn tham chiếu và đà tăng có tín hiệu mạnh dần về cuối. VN-Index chốt phiên sáng tăng 0,48% tương đương +5,47 điểm và ở sát đỉnh cao nhất ngày. Độ rộng duy trì tích cực suốt cả phiên với bên tăng giá áp đảo. HoSE hiện có 243 mã tăng/138 mã giảm trong đó số tăng trên 1% là 72 mã.

Về biên độ tăng, dù có trụ ngân hàng khá mạnh nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận ở nhóm còn lại. VN30-Index tăng yếu 0,37% và cũng mới chỉ có 5 mã tăng hơn 1%, dù độ rộng tích cực nhờ 19 mã tăng/9 mã giảm. Có lẽ sự yếu ớt của nhóm blue-chips cũng là lý do thị trường khó bùng nổ được, mặc dù độ rộng tổng thể là tốt. Phần rất lớn cổ phiếu đang dao động hẹp. Đó là chưa kể VHM giảm mạnh 1,77% coi như triệt tiêu hết sức mạnh của BID và VPB. GAS, VNM, VIC cũng đang giảm giá, làm thiếu đi các trụ hỗ trợ.

Vn-Index đang lấy lại quán tính tăng cuối phiên.
Vn-Index đang lấy lại quán tính tăng cuối phiên.

Sự trỗi dậy của các cổ phiếu lớn nhất trong nhóm ngân hàng ở thời điểm khá quan trọng, khi VN-Index một lần nữa thách thức đỉnh ngắn hạn. Chốt tại 1.137,47 điểm, chỉ số đã đứng sát mức đóng cửa cao nhất tại đỉnh hôm 28/6 vừa qua (đóng cửa 1.138,35 điểm) và sát ngưỡng điểm cao nhất VN-Index từng chạm tới trong 6 tháng đầu năm 2023 (1.140,56 điểm). Nếu có sự đồng thuận hơn từ một vài mã lớn khác, đà tăng sẽ đủ mạnh để tạo điểm số vượt đỉnh lần nữa.

Thanh khoản sáng nay có yếu tố hỗ trợ của cổ phiếu ngân hàng cũng tăng khoảng 10% trên hai sàn, đạt gần 7.684 tỷ đồng. HoSE tăng 12% so với sáng hôm qua, đạt gần 6.973 tỷ đồng. Tuy nhiên nhóm thanh khoản cao hầu hết có giá tăng nhẹ, số ít đáng kể  ngoài DGC và cổ phiếu ngân hàng là MWG tăng 2,31% với 194,9 tỷ đồng; VCG tăng 1,64% với 163 tỷ; DGW tăng 3,9% với 99,2 tỷ; AAA tăng 3,69% với 97 tỷ; DCM tăng 2,01% với 91,5 tỷ; DBC tăng 2,41% với 87,3 tỷ…

Thanh khoản gia tăng chủ yếu là nhờ nhà đầu tư trong nước, còn khối ngoại cũng quay trở lại trạng thái giao dịch yếu ớt. Tổng mức giải ngân trên HoSE của khối ngoại mới đạt 352 tỷ đồng và bán ra 364,7 tỷ, tương ứng bán ròng nhẹ 12,7 tỷ. VNM bị bán ròng nhiều nhất vơi s24,7 tỷ, VPB -23,1 tỷ, PNJ -21 tỷ. Phía mua có HPG +36,4 tỷ, DGC +25,8 tỷ là đáng chú ý.