09:49 06/12/2018

Trứng bắc thảo: món ăn "độc và lạ" của châu Á

Băng Hảo

Trứng bắc thảo có thể coi là một trong những món ăn đặc biệt nhất của nền ẩm thực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Ngày 29/10 vừa qua, Disgusting Food Museum (Bảo tàng những loại thức ăn "kinh dị"), giới thiệu tổng cộng 80 món ăn được xem là kinh hoàng nhất thế giới, đã khai trương. Trong đó có món trứng bắc thảo.


Đối với nhiều người phương Tây, đây là món ăn kỳ quái nặng mùi và rất khó nuốt, nhưng đối với những người châu Á thì đây được coi là loại thực phẩm đặc biệt có mùi vị ấn tượng.
Trứng bắc thảo: món ăn độc và lạ của châu Á - Ảnh 1.
Trứng bắc thảo: món ăn độc và lạ của châu Á - Ảnh 2.
Mặc dù không có nhiều thông tin ghi chép lại nhưng các nhà nghiên cứu ước tính được khoảng thời gian trứng bắc thảo ra đời là hơn 500 năm trước vào thời nhà Minh. Tương truyền rằng, có một người nông dân đi ra đồng và tình cờ phát hiện những quả trứng đã ngâm nhiều ngày trong một ao bùn lầy, vôi tôi và trấu. Khi người nông dân đập quả trứng ra thì phát hiện lòng trắng trứng có màu nâu cam, phần lòng đỏ thì chuyển màu đen xanh rất lạ. Lấy hết can đảm để nếm thử quả trứng kỳ lạ này, người nông dân phát hiện nó không chỉ ngon mà còn chẳng độc hại gì nên ông quyết định bắt đầu thử làm ra món trứng mới này. Không ngờ món trứng lạ mắt dần trở nên nổi tiếng, thậm chí trở thành món ăn yêu thích của tầng lớp vua chúa quý tộc.Trứng bắc thảo từ khi mới được phát hiện cho đến bây giờ thì công thức dường như không thay đổi mấy. Trứng bắc Thảo có thể làm từ trứng vịt, trứng gà hay trứng cút đều được. Để làm trứng bắc thảo, người ta chuẩn bị hỗn hợp trà đen đặc, vôi tôi, muối, trấu và tro than đốt cháy (hoặc bùn nhão) trộn đều và để qua đêm. Qua ngày hôm sau, trứng sẽ được bọc xung quanh bởi hỗn hợp này rồi cho trứng vào vại hoặc sọt để bảo quản. Trong khoảng 3 – 5 tháng, hỗn hợp bùn nhão sẽ tự động khô lại, lúc này trứng đã có thể dùng được. Trứng sau khi bóc bỏ lớp trấu và các nguyên liệu đắp ở ngoài vỏ thì vỏ trứng có màu đen trắng lẫn lộn như muối tiêu, đôi khi tạo những lớp hoa văn trên bề mặt trông rất đặc biệt.
Trứng bắc thảo: món ăn độc và lạ của châu Á - Ảnh 3.
Trứng bắc thảo: món ăn độc và lạ của châu Á - Ảnh 4.
Những du khách phương Tây có vẻ hơi sợ khi lần đầu nhìn thấy quả trứng có màu tối khá xấu xí, lại còn mang một mùi amoniac đặc trưng. Tuy nhiên, đó chỉ là tâm lý, cũng như món phô mai xanh vậy. Mùi tệ nhưng vị ngon. Với những ai đã ăn quen, sẽ thấy món trứng này rất ngon, có vị béo mặn lạ miệng. Quả trứng bắc thảo đạt chuẩn thường có lòng đỏ còn lỏng, màu vàng xanh, bao quanh là lớp lòng trắng chuyển màu nâu xanh. Trứng rất ngậy, mềm mọng, thường được ăn kèm với gừng hồng. Vị ngọt và cay của gừng bổ sung một yếu tố khác cho món này, nó làm miệng mát lên khi ta nhai.Trứng Bắc Thảo sau khi bóc vỏ có thể ăn ngay mà không cần chế biến cầu kỳ. Nó như một món đồ nguội ăn khai vị và được ưa chuộng tại nhiều nơi. Trong đó ngon nhất là phải kể đến món trứng bắc thảo ăn kèm với cháo trắng và củ cải khô muối. Người Quảng Đông thường bọc xung quanh từng lát trứng Bách Thảo với nhiều lát gừng xắt mảnh. Người Thượng Hải băm trộn trứng Bách Thảo với đậu phụ. Ở Đài Loan, người ta thái trứng Bách Thảo thành từng lát, kế đó phủ lên mặt trứng đậu phụ lạnh với nước xốt Katsuobushi và dầu mè, tương tự như món Hiyayakko của người Nhật Bản... Ở Việt Nam, người ta thường hay ăn kèm trứng bắc thảo với tôm khô và củ kiệu… Ngoài ra, người ta còn sử dụng trứng bắc thảo để ăn kèm trong nhiều món ăn đa dạng khác hoặc đôi khi chỉ đơn giản là dùng để trang trí cho món ăn trông đẹp mắt và sang trọng hơn.
Trứng bắc thảo: món ăn độc và lạ của châu Á - Ảnh 5.
Trứng bắc thảo: món ăn độc và lạ của châu Á - Ảnh 6.
Trứng bắc thảo: món ăn độc và lạ của châu Á - Ảnh 7.
TS Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên Trưởng khoa Nội Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương cho biết, theo Đông y, trứng bắc thảo có vị hơi đắng, sáp, ngọt, mặn và tính hàn có tác dụng nhuận hầu, giải nhiệt, giải rượu, thuyên giảm các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, nhuận phế, cầm máu, sạch ruột, cầm tiêu chảy… Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, sau quá trình ủ phần lòng trắng trứng đã chuyển hóa thành dạng thạch chứa rất nhiều khoáng chất tốt cho cơ thể. Nó có lợi cho những người ăn kiêng khi làm giảm mỡ và tăng quá trình chuyển hóa nhiệt lượng. Phần lòng trắng này còn kích thích tiêu hóa, kích thích sự thèm ăn, thúc đẩy quá trình tiêu hóa, giảm axit trong dạ dày và làm hạ huyết áp.Tuy nhiên, do ngâm ủ một thời gian dài, trứng bắc thảo cũng bị biến chất, sinh tố bị giảm nhiều, chỉ nên dùng để "ăn chơi" lấy hương vị cùng những món ăn khác chứ không nên ăn thường xuyên số lượng lớn. Mặc dù trứng bắc thảo được cho là món ăn ngon, mát nhưng chúng gây ảnh hưởng đến hấp thu, tiêu hóa thức ăn trong cơ thể nên phụ nữ có thai, người già và trẻ em có tỳ dạ dày yếu không nên ăn.