11:13 21/05/2013

Từ lá phiếu bầu đến lá phiếu tín nhiệm

Thành Tâm

Nhà báo Hữu Thọ: “Ở ta, khi đánh giá tín nhiệm, bỏ phiếu, thường có vấn đề: tôi tha cho anh thì anh tha cho tôi”

Nhà báo Hữu Thọ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương
Nhà báo Hữu Thọ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương
Đầu tháng 5/2013, hội nghị Trung ương 7 tiến hành bầu bổ sung chức danh của Đảng và đến cuối tháng 5, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm cho 49 chức danh cao cấp trong cơ quan Nhà nước. Đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, thể hiện xu hướng dân chủ hóa ngày càng phát triển.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà báo Hữu Thọ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.

Thưa ông, ngày 20/5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII khai mạc, được xem như kỳ họp khởi đầu hoạt động đánh giá tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Cảm nhận của ông trước sự kiện quan trọng này?


Vấn đề ở đây là phải đủ thông tin và đủ kiến thức. Đất nước hiện có nhiều khó khăn nên việc đưa ra những giải pháp không hề đơn giản, dễ dàng. Qua tiếp xúc tôi cảm giác có một số người không am hiểu về kinh tế nhưng lại có thể “phán” những vấn đề rất lớn về kinh tế. Tức là họ bình luận kinh tế theo tình cảm, trong khi để nhận định về kinh tế phải thông qua những chuyên gia am hiểu lĩnh vực này một cách sâu sắc, cẩn trọng.

Ở đây có hai mặt: một là bỏ phiếu theo chức trách, trách nhiệm và hai là bỏ phiếu về đạo đức, công vụ. Hai mặt này đều có chuẩn mực của nó cả.

Gần đây tôi thấy một số đại biểu Quốc hội rất quan tâm tới điều này, bởi là đại biểu của cử tri họ phải hỏi, phải quan tâm thăm dò cử tri để có thể biết được về 49 chức danh mà họ có quyền thẩm định.

Đây là dịp để các đại biểu Quốc hội với tinh thần, trách nhiệm cao lắng nghe ý kiến của người dân vùng mình ứng cử để hiểu tâm tư của người dân, bổ sung thêm hiểu biết của mình trong việc đánh giá những nhân vật quan trọng.

Ở đây, cái phức tạp nhất trong đánh giá nằm ở chỗ, chúng ta thường nói phải lấy sự hài lòng của dân làm thước đo chuẩn mực trong việc đánh giá các công chức, nhưng sự hài lòng của dân lại rất phức tạp vì họ có những đòi hỏi khác nhau, thậm chí xung đột nhau.

Từ lá phiếu bầu đến lá phiếu tín nhiệm 1Thực tế việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm có khả năng khiến cán bộ sẽ giữ mình, sống “vo tròn”, “dĩ hòa vi quý”, không muốn làm phật lòng ai để khỏi mất phiếu.Nhà báo Hữu Thọ

Có thể nói, hỏi một ông chủ thì khác với hỏi một người làm thợ, người làm thuê. Vì thế, tất cả phải được đánh giá một cách chuẩn mực, khách quan và trung thực cộng thêm sự hiểu biết.

Riêng tôi, cảm thấy đây là lần đầu chúng ta làm công việc này, thế nào cũng có những sai số. Nhưng là những sai số nằm trong phạm vi chấp nhận được, chứ không phải là sai số mà người xấu trở thành tốt, người tốt trở thành xấu. Khi đã đưa vào nề nếp thì chúng ta lại phải rút kinh nghiệm làm cho tốt hơn.

Không chỉ Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm 49 chức danh chủ chốt mà theo tôi biết, tới đây Trung ương Đảng cũng sẽ có hình thức đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh lãnh đạo Đảng. Việc này sẽ giúp cán bộ thấy rõ mình hơn để cố gắng hơn, tránh tình trạng trì trệ, có chức vụ là sẽ đương nhiên ngồi đó đến hết nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, có một thực tế mà nhiều người lo ngại, không phải không có lý. Thực tế việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm có khả năng khiến cán bộ sẽ giữ mình, sống “vo tròn”, “dĩ hòa vi quý”, không muốn làm phật lòng ai để khỏi mất phiếu.

Thưa ông, trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII này là hội nghị Trung ương 7, dư luận nhân dân cũng đã từng băn khoăn đối với việc bầu một số vị trí quan trọng trong Đảng, quan điểm của ông ra sao?

Việc hội nghị Trung ương 7 bầu không đủ các chức danh, Tổng bí thư đã phát biểu việc bầu như thế Trung ương cũng không hài lòng. Tuy nhiên, theo tôi, cũng nên coi đó là việc bình thường, đây là tín hiệu đáng mừng về xu hướng dân chủ hóa, vấn đề là làm sao bầu đúng người. Không có gì phải băn khoăn.

Chúng ta có đổi mới công tác nhân sự, thay vì như trước đây chỉ giới thiệu một người, nay có trường hợp giới thiệu hai người, hoặc có số dư lớn hơn để bầu. Giới thiệu một và chỉ bầu một thì dễ được số phiếu cao, giới thiệu nhiều người để bầu lấy một người có thể dẫn đến việc số phiếu bị phân tán.

Không phải bây giờ, theo tôi biết, ngay khóa X cũng có trường hợp giới thiệu vào Ban Bí thư hai đồng chí, cả hai đồng chí đều xứng đáng, nhưng rồi do phân tán phiếu nên cả hai đồng chí đều không trúng. Trước nữa là nhân sự tổng kiểm toán, lãnh đạo giới thiệu một người nhưng Quốc hội cân nhắc, bầu một người khác. Việc đó tôi thấy Quốc hội rất sáng suốt.

Trong vấn đề này, tôi cho rằng cần dân chủ hơn, tránh áp đặt trong lựa chọn nhân sự cấp cao là xu hướng tốt. Trước đây, khi Bộ Chính trị đề nghị thì Trung ương thường thông qua. Trung ương giới thiệu thì thường Đại hội Đảng đồng tình.

Từ lá phiếu bầu đến lá phiếu tín nhiệm 2Ở ta, khi đánh giá tín nhiệm, bỏ phiếu, thường có vấn đề: tôi tha cho anh thì anh tha cho tôi, tôi không moi móc anh thì anh không moi móc tôi, kiểu dĩ hòa vi quý. Nhà báo Hữu Thọ

Nhưng thực tế hiện nay, việc đánh giá con người, đánh giá thành tích cho đúng thực chất không phải là không có ý kiến khác nhau. Vấn đề là làm sao có được thông tin đầy đủ, chính xác thì mới có thể quyết định đúng nhân sự. Tôi thấy là có những vị trúng cử với số phiếu không cao nhưng lại có cống hiến tốt, thậm chí được nhiều người đánh giá cao hơn những vị từng trúng cử với số phiếu tuyệt đối.

Việc hội nghị Trung ương 7 lần này bầu không đủ chức danh, tôi nghĩ không có gì phải băn khoăn. Vấn đề là những người được bầu có xứng đáng không và quan trọng hơn là các đồng chí ấy sẽ phấn đấu thế nào.

Ông dự đoán thế nào về kết quả bỏ phiếu tín nhiệm lần này. Đã từng có địa phương, khi nhận xét về đội ngũ cán bộ thì thấy “có vấn đề” nhưng khi bỏ phiếu lại được tín nhiệm cả. Liệu tình trạng này có diễn ra ở kỳ bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội sắp tới?


Ở ta, khi đánh giá tín nhiệm, bỏ phiếu, thường có vấn đề: tôi tha cho anh thì anh tha cho tôi, tôi không moi móc anh thì anh không moi móc tôi, kiểu dĩ hòa vi quý. Thực chất đây là một sự trao đổi, tôi ủng hộ anh anh ủng hộ tôi, như vậy tức là “hòa cả làng”.

Ở một số địa phương người ta nói về khái niệm bôi trơn, nên nhớ một câu rất nổi tiếng: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Giải quyết tình trạng này không đơn giản đâu.

Vấn đề quan trọng trong kỳ bỏ phiếu tín nhiệm này là phải nhận ra được bản chất vấn đề và trong bỏ phiếu vẫn phải tính toán rất cẩn thận. Chúng ta từng nói khái niệm “hòa cả làng” giữa quan chức với nhau, có thể trong phạm vi hẹp thì được nhưng tôi tin lần này với 500 đại biểu, người ta có trách nhiệm khác nhau và họ đều là những lựa chọn tối ưu, họ là những người có nhận thức, trách nhiệm ở tầm quốc gia.

Tôi tin quy mô bỏ phiếu 500 người khác rất nhiều so với quy mô 100 hay vài chục người.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)