17:59 23/08/2022

Từ vụ việc lừa đảo hàng chục containers hạt điều: Kinh nghiệm nào cho doanh nghiệp Việt Nam?

Vũ Khuê

Sau 5 tháng 76 containers điều của các doanh nghiệp Việt Nam gặp nạn ở Italia, đến nay vụ việc đã được xử lý cơ bản thành công. Tuy nhiên, điều này cũng báo động tình trạng lừa đảo trong giao dịch quốc tế có thể xảy ra bất cứ với doanh nghiệp nào nếu không tỉnh táo…

 Đại diện Hiệp hội điều Việt Nam cho rằng doanh nghiệp cần có bài học trong kinh doanh quốc tế, vai trò của môi giới là rất quan trọng nhưng doanh nghiệp cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập. Ở đây, vai trò của các Thương vụ tại nước sở tại là rất quan trọng.
Đại diện Hiệp hội điều Việt Nam cho rằng doanh nghiệp cần có bài học trong kinh doanh quốc tế, vai trò của môi giới là rất quan trọng nhưng doanh nghiệp cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập. Ở đây, vai trò của các Thương vụ tại nước sở tại là rất quan trọng.

Tại hội thảo “Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế- Kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam từ vụ việc các containers hạt điều” ngày 23/8, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội điều Việt Nam thông tin, sau 5 tháng 76 containers điều của các doanh nghiệp Việt Nam gặp nạn ở Italia, đến nay vụ việc đã được xử lý cơ bản thành công.

LỪA ĐẢO NHÌN TỪ VỤ 76 CONTAINERS ĐIỀU

Trong 76 containers của 5 doanh nghiệp đã ký hợp đồng (có 2 doanh nghiệp khác có ký hợp đồng và cũng bị lừa nhưng tự liên lạc với Thương vụ và Luật sư ở Italia) có 5 containers giữ lại kịp, không xuất hàng (71 containers đã xuất đi), thu hồi kịp thời 38 bộ chứng từ gốc, từ đó thu hồi lại hàng hoá.

Doanh nghiệp đã phải đặt cọc (nộp tiền “thế chân”) cho các hãng vận chuyển để lấy 32 containers ra; đã lấy 1 containers hàng ra nhờ phán quyết của toà án Italia.

“Từ nguy cơ mất trắng hàng chục containers với giá trị hàng trăm tỷ đồng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã không mất một containers nào vào tay những kẻ lừa đảo, mặc dù chúng đã chiếm đoạt được gần 40 bộ chứng từ gốc của gần 40 containers”, ông Nhựt khẳng định.

Phân tích nguyên nhân, đại diện Hiệp hội điều Việt Nam cho rằng lý do dẫn đến việc các doanh nghiệp bị lừa là do quá tin tưởng vào công ty môi giới, không kiểm tra thông tin đối tác. Đặc biệt, khi đang trong thời gian dịch bệnh khó khăn, có được những đơn hàng lớn nên doanh nghiệp mong muốn bán được hàng nhất là vào thời điểm thị trường có ít giao dịch.

“Mồng 2 Tết có doanh nghiệp thông báo nhận được đơn hàng mấy chục containers. Chính điều này đã đánh vào tâm lý các doanh nghiệp trong thời điểm khan đơn hàng. Doanh nghiệp mừng quá không cần ăn Tết, thuê lao động với mức lương cao để làm gấp, kịp chuyển hàng”, ông Nhựt kể lại.

Một nguyên nhân nữa, theo ông Nhựt là do phương thức thanh toán nhiều rủi ro.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội điều Việt Nam chia sẻ tại hội thảo.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội điều Việt Nam
chia sẻ tại hội thảo.

Từ vụ việc này, đại diện Hiệp hội điều Việt Nam cho rằng doanh nghiệp cần có bài học trong kinh doanh quốc tế, vai trò của môi giới là rất quan trọng nhưng doanh nghiệp cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập. Ở đây, vai trò của các Thương vụ tại nước sở tại là rất quan trọng.

Mặt khác, doanh nghiệp cần cảnh giác với các dấu hiệu bất thường từ đối tác. Khi hàng hoá đi Italia, chỉ 1 tuần (hàng chưa cập cảng) người môi giới đã yêu cầu doanh nghiệp cung cấp mã Cod chứng từ, trong khi thông thường phải mất 3 tuần. Chính việc giao mã Cod nên bộ chứng từ bị mất.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên dùng phương thức thanh toán an toàn hơn. Nên trao đổi thông tin với đồng nghiệp để phát hiện các dấu hiệu lừa đảo. Trong sự việc này cả 5 doanh nghiệp không thông tin cho nhau, chỉ khi gặp vướng mắc mới gửi lên Hiệp hội và khi đó mới biết đồng nghiệp mình cũng bị lừa.

TRÁNH VỘI VÀNG, CẨU THẢ TRONG THANH TOÁN QUỐC TẾ

Thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia Ban Pháp chế, VCCI, cho biết theo khảo sát của PwC, 52% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát nói rằng họ trải nghiệm lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế khác trong 2 năm trước thời điểm khảo sát. Mức này cao hơn mức 46% của khu vực châu Á Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu.

Đối tượng lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam là từ khách hàng, nhà cung cấp và các bên trung gian, đại lý.

Mặc dù vậy, khảo sát cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng các biện pháp chống lừa đảo. Nhưng khi vụ việc xảy ra, không nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn báo cáo cho cơ quan nhà nước.

Lý do là không tin tưởng cơ quan nhà nước, không tin tưởng vào năng lực chuyên môn của cơ quan nhà nước, lo ngại thông tin bị lộ, lọt ra công chúng.

Với 21 năm làm kinh doanh, ông Nguyễn Huy Hùng, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Phúc Sinh cho biết chính doanh nghiệp ông cũng từng gặp những tình huống này. Cách đây hơn chục năm, khi giao 37 containers hạt tiêu trị giá 2,43 triệu USD, đối tác yêu cầu giao vận đơn cho họ để họ kiểm soát “đường đi” của hàng.

Chính điều này khiến doanh nghiệp nghi ngờ và kiểm tra tài khoản ngân hàng của đối tác. Khi kiểm tra thì thấy khách hàng này không có tài khoản ngân hàng, nên doanh nghiệp ngừng giao dịch.

Để hạn chế rủi ro, theo ông Hùng, khi làm ăn cần tìm hiểu thông tin của khách hàng thông qua các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam. Doanh nghiệp phải nắm bắt và tìm hiểu được thông tin ngân hàng đối tác. Khi kinh doanh không được phép đưa số vận đơn cho khách hàng – đây là nguyên tắc cứng khi làm kinh doanh.

“Quan trọng nhất, doanh nghiệp tránh vội vàng, cẩu thả, sai sót cơ bản trong thanh toán quốc tế. Nếu nghĩ đơn giản là chúng ta đã thành công thì dễ bị sập bẫy”, ông Hùng cảnh báo.

Còn trong thanh toán, ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. khuyến cáo rằng trong trường hợp người mua yêu cầu chỉ dùng một bộ vận đơn do hãng tàu cấp (ký phát) thì nên sử dụng vận đơn theo lệnh và ở phần "Người nhận hàng nêu trên vận đơn, ghi là "theo lệnh của ngân hàng".

Ngân hàng này là ngân hàng mà người bán nhờ thu tiền và giao chứng từ cho người mua. Người bán sẽ chỉ thị cho ngân hàng này khi nhận được tiền hàng của người mua thì ký trên vận đơn và ghi rõ là chuyển quyền nhận hàng cho họ.

“Với cách làm này, người mua không thể cho rằng có thể gây ra chậm trễ cho họ trong việc nhận hàng vì họ chỉ cần trả tiền hàng là sẽ có vận đơn để nhận hàng và nếu vận đơn có bị thất lạc khi gửi đến ngân hàng thì người nhận hàng cũng không nhận được hàng vì vận đơn không hợp lệ (chưa có ký chuyển quyền nhận hàng của ngân hàng) nên hãng tàu không trả hàng”, ông Lễ phân tích.

Nếu người mua yêu cầu dùng vận đơn đích danh là loại vận đơn ghi rõ tên người nhận hàng trên vận đơn thì người bán nên sử dụng nghiệp vụ vận đơn chủ và vận đơn thứ cấp. Như vậy, trên vận đơn chủ, ghi tên người nhận hàng là đại lý của người giao nhận.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Italia đồng tình, doanh nghiệp cần soạn thảo hợp đồng ký kết phù hợp với năng lực công ty mình, với phương thức thanh toán hợp lý, bởi không có phương thức thanh toán nào hoàn hảo, đều có rủi ro nhất định. Doanh nghiệp xuất khẩu nên yêu cầu người mua đặt cọc 10% để chứng minh họ có tài khoản tại ngân hàng – đây là bằng chứng chứng minh người mua.