Từng quyết định “trụ lại” Nga, Uniqlo lại đổi ý trước áp lực quá lớn
Công ty mẹ của Uniqlo từng có quyết định đứng vào danh sách số ít các thương hiệu lớn trụ lại Nga bất chấp nguy cơ sẽ bị giới đầu tư và chính trị gia phản đối. Tuy nhiên, trước áp lực quá lớn, tập đoàn này đã đưa ra tuyên bố mới…
Fast Retailing nay đã cho biết các cửa hàng Uniqlo tại Nga sẽ tạm ngừng hoạt động sớm nhất có thể. Công ty dự kiến đóng toàn bộ cửa hàng, bao gồm cả bán hàng trực tuyến trong 10 ngày tới. "Chúng tôi gần đây đã phải đối mặt với một số khó khăn, bao gồm thách thức trong vận hành và tình hình xung đột ngày càng tồi tệ hơn," nhà bán lẻ này giải thích trong thông cáo.
Với động thái này, Fast Retailing là cái tên tiếp theo gia nhập danh sách các công ty toàn cầu hạn chế hoạt động tại Nga. Hành động trên cũng cho thấy việc “quay xe” đột ngột của tập đoàn này khi chỉ mới cách đây vài ngày, ông Tadashi Yanai cam kết Uniqlo sẽ không rời Nga.
Hồi đầu tuần, ông Tadashi Yanai, tỷ phú sáng lập Fast Retailing, cho biết: "Quần áo là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Người dân Nga có quyền sống, sinh hoạt giống như chúng ta". Theo đó, Uniqlo sẽ tiếp tục hoạt động ở Nga trong bối cảnh loạt công ty Mỹ và châu Âu tạm ngừng kinh doanh ở quốc gia này.
Ông Yanai cho biết ông đã đặt câu hỏi cho xu hướng áp lực khiến các công ty phải đưa ra các quyết định mang tính chính trị. Theo đó, mặc dù ông phản đối chiến tranh và kêu gọi tất cả các quốc gia phản đối lại cuộc chiến này, toàn bộ 50 cửa hàng Uniqlo tại Nga vẫn sẽ tiếp tục hoạt động.
Theo Bloomberg, tuyên bố của tỷ phú sáng lập tập đoàn bán lẻ lớn nhất châu Á vấp phải chỉ trích khi một số người dùng mạng xã hội gắn hashtag #BoycottUNIQLO (tẩy chay Uniqlo). Đại sứ Ukraine tại Nhật Bản, Sergiy Korsunsky, cũng chỉ trích nhà bán lẻ này trên Twitter. Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 9/3, ông Korsunsky cho rằng việc "rút hoạt động kinh doanh khỏi Nga không dẫn đến thua lỗ mà là một khoản đầu tư sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn trong tương lai".
Thay vì rút khỏi Nga, Fast Retailing cho biết họ đang quyên góp quần áo và các mặt hàng khác cho những người Ukraine đi sơ tán và 10 triệu USD cho cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc. Theo Oshadhi Kumarasiri, nhà phân tích tại LightStream Research, "đây có vẻ như là một động thái để làm hài lòng cả hai bên" của hãng bán lẻ này. Tuy nhiên, ông Kumarasiri cho rằng điều này có thể sẽ tác động lên giá cổ phiếu của công ty, trong bối cảnh hãng bị tẩy chay.
Thực tế là cổ phiếu của Fast Retailing, đạt kỷ lục tháng 2/2021, đã mất gần một nửa giá trị kể từ đó. Tahlia Townsend - phụ trách mảng tuân thủ quy định quốc tế của hãng luật Wiggin & Dana (Mỹ) cho biết các nhà bán lẻ lo tổn hại danh tiếng khi tiếp tục hoạt động ở Nga. Nguyên nhân thực tế nữa là dòng tiền dịch chuyển khó khăn do các lệnh trừng phạt và đồng Rúp mất giá nhanh.
"Các biện pháp trừng phạt với ngân hàng khiến họ khó chuyển tiền vào Nga để trả lương cho nhân viên hoặc trả tiền điện nước, mặt bằng, thanh toán cho nhà cung cấp. Việc rút tiền khỏi Nga cũng không hề đơn giản. Các hãng khó chuyển doanh thu đó về Mỹ hoặc bất kỳ nơi nào khác mà họ đặt trụ sở," bà nói.
Có lẽ, việc đối mặt áp lực ngày càng lớn với kế hoạch tiếp tục hoạt động ở Nga cộng thêm những khó khăn nói trên đã khiến Fast Retailing phải thực sự cân nhắc lại. Nhà bán lẻ này hiện có 50 cửa hàng tại Nga - số lượng cửa hàng lớn nhất bên ngoài châu Á. Tính đến thời điểm hiện tại, Fast Retailing được xem là hãng thời trang lớn thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Inditex và H&M.
Trước đó, tập đoàn Inditex của Tây Ban Nha, công ty sở hữu Zara, cho biết: "Với tình hình hiện tại, Inditex không thể đảm bảo tính liên tục của các hoạt động và điều kiện kinh doanh ở Liên bang Nga”. Trong khi đó, H&M của Thụy Điển nói rằng họ "quan ngại sâu sắc về những diễn biến bi thảm ở Ukraina" và rằng họ đứng về phía "với tất cả những người đang phải chịu đựng tổn thất".