15:26 09/01/2016

Uniqlo - Câu chuyện thần kỳ đến từ Nhật Bản

PV

Uniqlo - Câu chuyện thần kỳ đến từ Nhật Bản - Ảnh 1

Lựa chọn tay vợt tennis Novak Djokovic làm đại sứ thương hiệu vào năm 2012 là một trong những quyết định đúng đắn nhất của ông Tadashi Yanai, Chủ tịch của Uniqlo. Bởi sau đó không bao lâu, Novak Djokovic đã gặt hái được những thành tích đáng kể và hiện đang là tay vợt nam số một trong làng banh nỉ. Sự thăng tiến của Novak Djokovic hiển nhiên giúp Uniqlo trở nên quen thuộc hơn trong mắt công chúng, nhưng điều quan trọng hơn, theo ông Tadashi Yanai, là tay vợt này có ý chí vươn lên cực kỳ mạnh mẽ, điều này cũng đại diện cho khát khao chinh phục đỉnh cao của Uniqlo. Mục tiêu cụ thể của thương hiệu này là mức doanh thu 50 tỷ USD vào năm 2020, soán ngôi thương hiệu thời trang lớn nhất thế giới của Zara.

Uniqlo - Câu chuyện thần kỳ đến từ Nhật Bản - Ảnh 2

Bên ngoài cửa hàng Uniqlo ở Đại lộ số 5, New York

Nếu như Zara, H&M hay GAP và một số nhà mốt bình dân khác luôn chạy theo các xu hướng thời trang mới nhất thì Uniqlo lại lựa chọn một con đường khác biệt. Đó là tuân theo tiêu chí “bền bỉ và tiện dụng”. Sản phẩm của Uniqlo thường có ít mẫu mã, hầu hết là kiểu quần áo thường nhật (Uniqlo có mảng thời trang thể thao nhưng hoạt động độc lập), thiết kế theo kiểu dáng cơ bản nhưng hợp mốt, màu sắc đa dạng, có thể dễ dàng mặc ở mọi nơi mọi lúc, đồng nghĩa với việc có thể sử dụng trong quãng thời gian dài (2 – 4 năm)…

Uniqlo - Câu chuyện thần kỳ đến từ Nhật Bản - Ảnh 3

Uniqlo đã tiến hành nhiều chiến dịch quảng cáo hiệu quả ở thị trường phương Tây

Nhưng dĩ nhiên, như thế vẫn là chưa đủ để Uniqlo xác lập vị trí của mình trên thị trường cạnh tranh khốc liệt. Sản phẩm của Uniqlo luôn được bán với mức giá rẻ nhất có thể, để bất kỳ một người nào cũng có thể trở thành khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua một yếu tố vô cùng quan trọng, là khâu R&D (research & develop – nghiên cứu và phát triển), nhằm thúc đẩy cải tiến không ngừng trong mọi bộ phận của Uniqlo, mà loại vải HeatTech cho dòng thời trang mùa đông là ví dụ điển hình. Đây là thành quả trong nhiều năm thử nghiệm và phát triển vật liệu mới, một loại vải có khả năng hấp thụ nhiệt từ cơ thể tỏa ra, lưu trữ trong các túi không khí nằm sâu trong sợi vải, giữ ấm tối đa cho người mặc. Không chỉ vậy, HeatTechlại rất mỏng nhẹ, có tính đàn hồi cao, giúp các nhà sản xuất dễ dàng thiết kế ra những bộ quần áo mùa đông gọn gàng, đảm bảo tính thời trang mà trông lại rất độc đáo, khác hẳn các đối thủ cạnh tranh. Uniqlo có một nhóm nhân sự đặc biệt mang tên “Takumi”, là những chuyên gia xuất sắc về công nghệ dệt, làm việc trực tiếp trong các nhà máy, phục vụ cho việc tạo ra nhiều loại vải đặc biệt khác nhau.

Uniqlo - Câu chuyện thần kỳ đến từ Nhật Bản - Ảnh 4

Mọi cửa hàng Uniqlo đều có thiết kế độc đáo, sang trọng dù bán hàng bình dân

Người ta có thể thấy khát vọng chinh phục thế giới của Uniqlo ngay từ tên gọi – là viết tắt của cụm từ “Unique Clothes Warehouse”, tạm dịch là “Nhà kho quần áo độc nhất vô nhị”. Tháng 5/1984, cửa hàng Uniqlo thứ nhất khai trương ở thành phố Hiroshima, 10 năm sau đó, đã có 100 cửa hàng trên khắp Nhật Bản. Năm 2002, Uniqlo bắt đầu khuếch trương ra nước ngoài với hai điểm dừng chân đầu tiên là London và Thượng Hải. Năm 2005 đồng thời tiến vào Mỹ, Hong Kong và Hàn Quốc. Tháng 4/2007, Uniqlo công bố mức doanh thu toàn cầu đạt mức 10 tỷ USD, chính thức đứng ngang hàng với những “ông lớn” H&M, Inditex Group, Gap và Limited Brands. Hiện tại, Uniqlo sở hữu hơn 1.400 cửa hàng ở 16 quốc gia, đều là những thị trường trọng điểm. Riêng ở khu vực New York, Uniqlo có 3 cửa hàng quan trọng, một nằm trên Đại lộ số 5 danh giá, một ở khu thời trang chính ở quận Manhattan và một ở New Jersey, cũng là tiệm quần áo lớn nhất thế giới.

Uniqlo - Câu chuyện thần kỳ đến từ Nhật Bản - Ảnh 5

Cửa hàng Ginza ở Nhật Bản, thuộc nhóm cửa hàng tiêu chuẩn quốc tế

Nhưng câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Bước chân vào một cửa hàng Uniqlo ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, người ta sẽ khám phá được thêm nhiều điều thú vị. Cứ mỗi buổi sáng, các nhân viên bán hàng lại tập trung trước giờ mở cửa để nhắc lại với nhau về mục tiêu trong ngày cũng như “thái độ” – một yếu tố quan trọng và phải tuân theo tiêu chuẩn Nhật Bản, ví dụ như tối đa 60 giây cho việc thanh toán, trao đồ và nhận tiền bằng hai tay, giao tiếp bằng mắt. Theo ông Shoichi Miyasaka, CEO của Uniqlo Australia: “Thị trường thời trang ở Nhật Bản có sức cạnh tranh khốc liệt nhất trên thế giới, nên dịch vụ khách hàng cũng là số một thế giới. Trở thành số một ở Nhật Bản đồng nghĩa với việc không thể xếp thứ hai ở bất kỳ nơi nào khác”. Cửa hàng trên Đại lộ số 5 của Uniqlo có 3 tầng, rộng hơn 8.000 mét vuông, một ngày đón khoảng 6.000 lượt khách ghé thăm, trung bình mỗi người mua đến 3,8 sản phẩm. Trong năm 2014, Uniqlo cũng bán được 120 triệu sản phẩm dùng loại vải HeatTech trên khắp toàn cầu, một con số thực sự ấn tượng và làm bất kỳ nhà mốt nào cũng phải thèm muốn.

Uniqlo - Câu chuyện thần kỳ đến từ Nhật Bản - Ảnh 6

Sản phẩm của Uniqlo chỉ được phép ở trong cửa hàng tối đa 3 tuần lễ

Mặc dù mục tiêu lớn nhất của Uniqlo là vượt qua Zara vào năm 2020 nhưng ngay từ bây giờ, ông Tadashi Yanai đã xác định cho mình một đối thủ khác, chính là Công ty công nghệ Apple. Vì sao? Vì ông muốn Uniqlo đồng thời cũng là công ty giàu tính sáng tạo nhất trên thế giới. Nhiều người cho rằng đó là một ước mơ viển vông nhưng với ông Tadashi Yanai – tỷ phú giàu nhất Nhật Bản, không có gì là không thể thực hiện. Như chuyện đặt ra quy định toàn bộ giao tiếp công việc đều phải dùng tiếng Anh – trong bối cảnh không phải người Nhật nào cũng giỏi ngôn ngữ này. Nhưng nếu không có sự quyết liệt đó, chưa chắc Uniqlo đã có bước phát triển thần kỳ như hôm nay. Và đã có rất nhiều dự đoán được đưa ra, rằng chỉ trong một thập kỷ tới, khi đề cập đến một doanh nghiệp toàn cầu điển hình đến từ Nhật Bản, cái tên Toyota sẽ được thay bằng Uniqlo.

Uniqlo - Câu chuyện thần kỳ đến từ Nhật Bản - Ảnh 7

Cả Novak Djokovic và Uniqlo đều gặt hái được nhiều thành công vượt bậc sau khi gắn kết tên tuổi với nhau

Uniqlo - Câu chuyện thần kỳ đến từ Nhật Bản - Ảnh 8

Mẫu áo đặc biệt của Uniqlo dành cho các fan phim bom tấn Star Wars: The Force Awakens

Ít ai biết rằng ban đầu thương hiệu được đăng kí dưới tên “Uni-clo” nhưng do một nhầm lẫn hành chính ở thị trường Hong Kong mà chữ “c” đổi thành chữ “q” và ông Tadashi Yanai cũng quyết định đổi hẳn tên thành Uniqlo. Năm 1991, cùng với quyết định phải sử dụng hoàn toàn tiếng Anh trong mọi loại văn bản giao tiếp công việc, tên của tập đoàn mẹ cũng được thay đổi từ “Ogori Shoji” thành Fast Retailing. Hiện nay, thương hiệu Uniqlo vẫn trực thuộc tập đoàn Fast Retailing. Co, Ltd.

Thu Ngọc