14:48 23/05/2023

Ưu tiên phát triển trung tâm logistics gắn với siêu sân bay Long Thành, cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải

Anh Tú

Để thúc đẩy phát triển vận tải 6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phát triển đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, đặc biệt là kết nối sân bay quốc tế Long Thành, cảng nước sâu khu vực Cái Mép - Thị Vải...

Bộ Giao thông vận tải đưa ra nhiều giải pháp phát triển vận tải các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ.
Bộ Giao thông vận tải đưa ra nhiều giải pháp phát triển vận tải các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ.

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Kế hoạch số 5185/KH-BGTVT phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG LOGISTICS GẮN VỚI TUYẾN THƯƠNG MẠI LIÊN VÙNG

Kế hoạch được ban hành nhằm thúc đẩy thúc đẩy phát triển vận tải các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, gồm 6 tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Kế hoạch nhằm thực hiện tốt các mục đích, yêu cầu của Chương trình hành động số 22-CTr/BCSĐ ngày 22/12/2022 của Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW và Nghị quyết số 154/NQ-CP.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Tây Ninh, Bình Phước.

 

Đồng thời, "phối hợp, hỗ trợ các địa phương liên quan đầu tư xây dựng Trung tâm logistics hàng không gắn với sân bay quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh; đặc biệt là cảng biển trọng điểm nước sâu tại khu vực Cái Mép - Thị Vải", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Cùng với đó, đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải, áp dụng các công nghệ tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics. 

Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư phương tiện chở container trên đường sắt, đường thuỷ nội địa; nâng cao năng lực xếp dỡ container tại các đầu mối tập kết hàng hoá; đổi mới, hiện đại hóa các phương tiện vận tải, thiết bị xếp dỡ và nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo tiện nghi, an toàn và bảo vệ môi trường.

Song song là kiểm soát chất lượng phương tiện và nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; khuyến khích sử dụng phương tiện và nhiên liệu sạch.

Bộ Giao thông vận tải cũng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải, đặc biệt là công nghệ thông tin và các xu hướng công nghệ mới trong vận tải và logistics như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật... để có những bước phát triển đột phá cả trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường vận tải, nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành giao thông vận tải.

Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, tăng cường công tác kiểm tra tải trọng xe, tuyên truyền, phổ biến nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật về giao thông vận tải.

Từ đó, thúc đẩy kết nối hoạt động vận tải trong thúc đẩy phát triển vận tải các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ nhằm tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố trong vùng.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh triển khai thực hiện các thỏa thuận, điều ước quốc tế về vận tải đã ký kết, tham gia; nghiên cứu sửa đổi thỏa thuận, điều ước quốc tế đã ký kết (nếu cần thiết) nhằm tăng cường kết nối, tạo thuận lợi qua biên giới.

NÂNG CAO SỨC CẠNH TRANH CHO DOANH NGHIỆP VẬN TẢI

Để hiện thực hoá kế hoạch nêu trên, Bộ Giao thông vận tải đề ra hàng loạt giải pháp trọng tâm.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; tạo thuận lợi cho vận tải quá cảnh, vận tải qua biên giới; phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của các hiệp hội chuyên ngành.

Cùng với đó, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải; nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về vận tải; công tác thanh tra, kiểm tra...

Bộ Giao thông vận tải đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải và Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai, thực hiện các giải pháp chủ yếu trong Kế hoạch này và nhiệm vụ được giao tại các Đề án, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành.

Từ đó, xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp.

Đồng thời phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Giao thông vận tải giao Vụ Vận tải đôn đốc việc triển khai thực hiện và là đầu mối tiếp nhận, tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này từ các cơ quan, đơn vị gửi Bộ Giao thông vận tải.

Trong tổ chức, triển khai thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc thì chủ động giải quyết, hướng dẫn thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo về Bộ Giao thông vận tải để chỉ đạo giải quyết kịp thời.