06:00 07/12/2021

Vaccine nội: Cần cái nhìn thấu đáo, trách nhiệm

Lý Hà

Quyết tâm có ít nhất một vaccine nội được cấp phép khẩn cấp trong năm 2021 của Chính phủ và dùng nó để tiêm mũi  tăng cường thứ ba liệu có thành hiện thực?...

Để có ít nhất một vaccine nội được cấp phép khẩn cấp trong năm 2021 phục vụ mũi tiêm tăng cường thứ ba, liệu có thành hiện thực?
Để có ít nhất một vaccine nội được cấp phép khẩn cấp trong năm 2021 phục vụ mũi tiêm tăng cường thứ ba, liệu có thành hiện thực?

Hiện vaccine Nanocovax vẫn “nằm chờ” và Công ty Nanogen cùng các đơn vị liên quan đến vaccine đang khẩn trương hoàn tất báo cáo bổ sung theo Công văn số 1652/BYT-K2ĐT ngày 21/11/2021 của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế.

Còn vaccine Covivac, niềm hy vọng sau Nanocovax của Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), đã phải tạm dừng thử nghiệm giai đoạn ba vì không thể tìm được đủ tình nguyện viên theo đề cương được phê duyệt...

HIỆU QUẢ VACCINE GIẢM THEO THỜI GIAN

Qua thực tế đợt bùng phát dịch lần thứ tư vừa rồi ở trong nước cũng như các nước trên thế giới cho thấy, dù được tiêm đủ hai mũi cơ bản nhưng người tiêm vẫn có thể  bị nhiễm SARS-CoV-2. Do vậy, nhiều người lo ngại đặt dấu hỏi vào hiệu quả của vaccine.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vaccine chỉ bảo vệ khỏi bệnh nặng chỉ trong vòng 6 tháng sau khi tiêm chủng, nhưng sau 6 tháng thì còn rất ít báo cáo. Vậy hiệu quả bảo vệ của vaccine sau 6 tháng sẽ như thế nào?

Vấn đề này được dẫn ra từ một nghiên cứu trên của Thụy Điển, nhóm nghiên cứu đã điều tra hiệu quả của việc tiêm chủng vaccine Covid-19 đối với nguy cơ nhiễm Covid-19 có triệu chứng từ những người nhập viện điều trị sau khi tiêm chủng 9 tháng.

Các nghiên cứu tập trung vào những người được tiêm hai liều vaccine mRNA của Pfizer cũng như của vaccine Astrazeneca, và những người này được ghép cặp với những người chưa được tiêm chủng làm đối chứng.

Các trường hợp nhiễm có triệu chứng và cả những trường hợp nghiêm trọng (nhập viện hoặc tử vong 30 ngày sau khi xác định nhiễm virus) được thu thập từ ngày 12/01/2021 đến ngày 04/10/2021).

Kết quả của nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vaccine thấp hơn và suy yếu nhanh hơn ở nam giới và những người lớn tuổi. Đối với việc ngăn ngừa các ca Covid-19 nghiêm trọng, hiệu quả giảm từ 89% (khoảng tin cậy là 95%, trị số P nhỏ hơn 0,001) vào ngày thứ 15-30 đến 42% (khoảng tin cậy là 95%, trị số P=0,21) từ ngày thứ 181 trở đi, với các phân tích độ nhạy cho thấy sự suy yếu đáng kể ở nam giới, những người già yếu và những người mắc bệnh nền đi kèm...

Nghiên cứu chỉ ra rằng hiệu quả của vaccine chống Covid-19 giảm dần theo thời gian trên tất cả các nhóm người đưa vào nghiên cứu, nhưng với tốc độ giảm khác nhau tùy theo từng loại vaccine. Tốc độ này cũng giảm nhanh hơn đối với nam giới và những người già yếu.

Ý nghĩa của nghiên cứu nhấn mạnh tới việc phải sử dụng liều tăng cường thứ ba của vaccine cũng như việc ưu tiên cho những đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh nặng. Xin nhắc lại đây là một nghiên cứu đang chờ được đánh giá một cách minh bạch và khoa học.

Tuy nhiên, trước sự xuất hiện của biến thể Omicron đáng lo ngại cũng như dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp thì nhiều nước đã thúc đẩy việc tiêm vaccine mũi tăng cường thứ ba và họ cũng đã tính đến thời gian tiêm vaccine cho các mũi tiếp sau.

CẦN CÁI NHÌN KHOA HỌC VÀ THỰC TẾ

Dù vaccine Nanocovax đang chờ được cấp phép khẩn cấp nhưng nhà sản xuất Nanogen đang rất tin vào chất lượng sản phẩm của mình về tính an toàn, tính sinh miễn dịch, hiệu quả bảo vệ để đưa vào tiêm mũi tăng cường thứ ba.

Làm rõ sự suy giảm hiệu quả của vaccine theo thời gian, sự cố xảy ra về tiêm vaccine và người được tiêm đủ hai mũi cơ bản vẫn bị nhiễm Covid-19, cho thấy chúng ta cần có cái nhìn thấu đáo về tính an toàn, tính sinh miễn dịch mà nhất là vấn đề thử nghiệm lâm sàng để xác định đúng hiệu quả bảo vệ của vaccine. Đó là cách nhìn vừa khoa học vừa thực tế để đưa ra những quy trình, thủ tục đảm bảo các yếu tố để cấp phép có điều kiện cho vaccine nội.

Thông báo số 321/TB-VPCP cũng đã nêu rõ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về nhập khẩu và sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19. Muốn chủ động nguồn vaccine, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là phải sản xuất cho được vaccine phòng Covid-19 trong thời gian sớm nhất, nhưng phải đảm bảo khoa học, an toàn, hiệu quả và quy trình, thủ tục hành chính phải được rút gọn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng đã yêu cầu ngành y tế phải thần tốc hoàn thành mũi tiêm thứ hai cho người từ 18 tuổi trở lên vào giữa tháng 12/2021 và triển khai kế hoạch tiêm mũi tăng cường thứ ba, trước mắt ưu tiên cho những đối tượng cần thiết.

Tính đến ngày 4/12/2021 số liều vaccine phòng Covid-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 121.067.001 liều, trong đó có 68.750.622 liều mũi 1 và 52.316.379 liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 95,3% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine là 72,5% dân số từ 18 tuổi trở lên. Có rất nhiều tỉnh, thành phố đã tiến hành tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Tuy vậy, trong những ngày gần đây, số ca mắc và ca tử vong trong cả nước đang có chiều hướng tăng lên. Số ca tử vong chủ yếu ở nhóm người trên 50 tuổi, kết hợp bệnh nền như tiểu đường, ung thư, tim mạch (chiếm trên 80%).

Tình trạng ở một số nước cũng như vậy, cho thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine có thể suy giảm theo thời gian như một số nghiên cứu đã chỉ ra. Vì thế, theo khuyến cáo của WHO và các nước, Bộ Y tế đã có công văn gửi các địa phương về tiêm mũi thứ 3, chú ý ưu tiên cho tuyến đầu chống dịch,  người có bệnh nền, người được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người chăm sóc điều trị cho những người bệnh.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron cho thấy diễn biến dịch bệnh vẫn đang khó lường và càng củng cố quan điểm của Thủ tướng là nhanh nhất sản xuất và tự chủ được vaccine.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhắc nhở rằng cần phải chống mọi biểu hiện, hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong việc cấp phép và sản xuất  vaccine, thuốc… phòng ngừa Covid-19.

Thiết nghĩ, việc chậm cấp phép không những làm thiệt hại về kinh tế của những nhà sản xuất vaccine Việt Nam mà còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển các loại thuốc điều trị, vaccine mới khác trong tương lai.

 
Với vaccine Pfizer, một nghiên cứu riêng biệt được công bố vào tháng 10/2021 với hơn 3 triệu người, cho thấy hiệu quả của vaccine Pfizer chống lại nhiễm Covid-19 giảm từ 88% trong tháng đầu tiên sau khi tiêm chủng đầy đủ xuống còn 47% sau 5 tháng, kể cả với biến thể Delta.
Một nghiên cứu khác công bố ngày 25.11 trên tạp chí y khoa The BMJ:
- Sau 1 - 3 tháng tiêm mũi 2: 1,3% số người bị dương tính, ở tất cả các nhóm tuổi
- Sau  3 - 4 tháng: 2,4%
- Sau  4 - 5 tháng: 4,6%
- Sau  5 - 6 tháng: 10,3%,  ( khoảng 9 - 10 người thì có 1 người nhiễm Covid-19)
- Sau 6 tháng: 15,5%,  (khoảng 6 - 7 người thì có 1 người nhiễm)