09:26 28/07/2009

Vẫn lạc quan về FDI

Lê Châu

Cải cách hành chính đang là một trọng tâm mà Chính phủ đặc biệt chú trọng để đỡ gây phiền hà cho nhà đầu tư

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc.
Suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu là nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2009.

Ngoài ra, kết quả thu hút đầu tư cao hay thấp và chất lượng thu hút đầu tư thế nào cũng còn phụ thuộc vào môi trường đầu tư và chính sách ưu đãi của mỗi quốc gia.

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù có giảm nhưng so với các nước trong khu vực, tình hình thu hút FDI của chúng ta vẫn rất tốt, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc.

Năm 2009, theo dự kiến lượng FDI thu hút được khoảng 20 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện dự tính là 8 tỷ USD. Con số FDI đăng ký đã giảm một cách rất “sốc” so với cùng kỳ năm 2008. Bộ trưởng đánh giá thế nào trước sự sụt giảm này?

Đến thời điểm hiện tại mặc dù có giảm nhưng so với các nước trong khu vực, tình hình thu hút FDI của chúng ta vẫn rất tốt. Người ta đánh giá rằng Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế vừa rồi chúng ta đã lên hạng trong thu hút FDI.

Chẳng hạn tại hội nghị giữa kỳ các nhà tài trợ cho Việt Nam diễn ra ở Đắc Lắc hồi đầu tháng 6, Đại sứ Anh Mark Kent cũng đã nhận xét, cùng với việc đối phó rất tốt với khủng hoảng kinh tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Mới đây, tại bảng xếp hạng 50 nước và vùng lãnh thổ hấp dẫn đầu tư nhất thế giới dựa trên những yếu tố kích thích và thu hút công ty nước ngoài của Công ty tư vấn toàn cầu AT Kearney, Việt Nam đã vượt 9 bậc và lọt vào top 10 của danh sách trên.

Hiện tại, mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để nhà đầu tư vào nhiều hơn, giải ngân nhanh hơn. Cải cách hành chính đang là một trọng tâm mà Chính phủ đặc biệt chú trọng để đỡ gây phiền hà cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, tại các chương trình xúc tiến đầu tư ở cả ba cấp độ là quốc gia, địa phương và doanh nghiệp, rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài đều băn khoăn về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mới và điều này có thể gây ảnh hưởng bất lợi đối với việc thu hút vốn FDI. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những giải pháp nào để tháo gỡ cho những băn khoăn này không, thưa ông?

Đúng là chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đang là một vướng mắc. Vấn đề này khi làm luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát hiện ra và báo cáo với Quốc hội. Ở đây có hai điểm: Một là thuế thu nhập của doanh nghiệp khi đầu tư khu công nghiệp. Hai là đầu tư mở rộng sản xuất và bất hợp lý nhất là khi đầu tư mở rộng sản xuất.

Khi sửa luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản chúng tôi đã đưa điểm này vào trong dự thảo luật đầu tư xây dựng cơ bản trình Quốc hội thông qua. Nhưng sau đó thấy rằng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có nhiều vấn đề phải sửa nên chúng tôi mới kiến nghị phải sửa riêng chứ không gộp chung.

Khi đó Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đồng tình và quyết định chuyển sang sửa 3 luật thuế. Nhưng sửa 3 luật thuế vừa rồi thì khi làm mới gấp quá, chưa đủ điều kiện để trình. Vì thế, Thường vụ Quốc hội quyết định chưa trình ra tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 12 vừa diễn ra hồi tháng 5 mà sẽ lùi sang kỳ họp sau.

Thực tế là nhà đầu tư luôn lựa chọn các lĩnh vực ít rủi ro nhất, mang lại hiệu quả và nhanh thu hồi vốn nhất, đó cũng chính là lý do quy mô vốn cam kết FDI vào nông, lâm nghiệp và thủy sản còn thấp so với yêu cầu. Thưa ông, cần làm thế nào để cải thiện được điều này?

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan khác xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình thu hút FDI trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2009-2015. Nhiều giải pháp đã được đề ra với mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường; sử dụng công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị và mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm...

Trong chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia năm 2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bố trí nguồn kinh phí xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai ngay trong quý 3/2009.

Nhắc đến các điểm sáng về kinh tế đối ngoại trong tình hình hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng đó chính là tiến độ giải ngân vốn ODA. Quan điểm của ông về nhận xét này?

Phải nói rằng, tình hình giải ngân nguồn vốn ODA trong những tháng đầu năm 2009 tương đối tốt. Nếu so sánh với tỷ lệ giải ngân của cùng kỳ năm trước, thì chúng ta thực sự đã có nỗ lực lớn. Một công thức đã được tính toán là, nếu một đồng vốn đối ứng của Việt Nam được giải ngân, thì có thể thu hút được 4 - 5 lần lượng vốn ODA.

Nguồn vốn ODA cho Việt Nam chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, xoá đói, giảm nghèo... Giải ngân thuận lợi và nhanh chóng cho các dự án này thì sẽ tạo thêm các nền tảng vững chắc, gỡ dần các nút thắt của nền kinh tế, tạo đà cho các bước phát triển tới đây.