09:30 20/09/2010

Vay nước ngoài: “Lực hấp dẫn” từ bảo lãnh của Chính phủ

Bảo Anh

Mức phí bảo lãnh các khoản vay của Chính phủ hiện thấp hơn so với các ngân hàng thương mại

Hiện có đến 90% tổng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh thuộc về các doanh nghiệp nhà nước.
Hiện có đến 90% tổng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh thuộc về các doanh nghiệp nhà nước.
Mức phí bảo lãnh các khoản vay của Chính phủ hiện thấp hơn so với các ngân hàng thương mại, và đó có thể là một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu xin” bảo lãnh từ Chính phủ đang ngày càng tăng.

Đáng chú ý, hiện có đến 90% tổng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh thuộc về các doanh nghiệp nhà nước, trong khi công ty cổ phần và các đối tượng khác chỉ chiếm 10% còn lại.

Tại một hội thảo diễn ra mới đây về vấn đề nợ công, do Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội tổ chức, các chuyên gia cho rằng sau những tiêu cực xảy ra tại Vinashin, vấn đề vay nợ và bảo lãnh các khoản vay đó cần phải được xem lại, nếu không muốn xảy ra những hậu quả tương tự.

Vay nước ngoài đang tăng

Thông tin được Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Ngọc Bảo đưa ra tại hội thảo này cho thấy, tỷ lệ nợ Chính phủ bảo lãnh hiện chiếm 7% so với GDP, trong đó có 5% là vay trong nước, vay nước ngoài chiếm 2%.

Tuy nhiên, ông Bảo cho biết, nếu xét về cơ cấu dư nợ với số tuyệt đối thì vay nước ngoài đang có xu hướng tăng, trong khi vay trong nước đang có xu hướng giảm. Đây là vấn đề cần được quan tâm, bởi theo ông Bảo, liệu thực tế này có phù hợp với chủ trương vay nợ của chúng ta hay không?

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong giai đoạn 2005 - 2009, khối lượng vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh có xu hướng tăng qua hằng năm. Nếu như năm 2005 chỉ khoảng 0,9 tỷ USD, thì con số này đã tăng gấp 4 lần trong năm 2009, đạt 3,986 tỷ USD, đồng thời tỷ lệ nợ nước ngoài trong tổng dự nợ của Chính phủ cũng tăng lên mức 14,27% trong năm 2009, gấp 2 lần con số 6,4% của năm 2005.

Đáng chú ý, tỷ trọng dư nợ nước ngoài của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh cũng có xu hướng tăng, từ 6,4% năm 2005, đã tăng lên 13,3% năm 2008 và 14,27% trong năm 2009.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nói, sẽ rất tốt nếu như các khoản nợ này được quản lý tốt và có hiệu quả, để có thể tái tạo được nguồn ngoại tệ trả nợ nước ngoài. Song nếu ngược lại, chắc chắn gánh nặng nợ công cũng như gánh nặng cho cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới sẽ càng nặng hơn.

“Lực hấp dẫn” từ bảo lãnh của Chính phủ

Những phân tích gần đây của các cơ quan chức năng cho thấy, các khoản vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ thường tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế như: dầu khí, điện lực, xi măng, hạ tầng... và về cơ bản đã được trả nợ đúng hạn, các dự án khó khăn trong việc trả nợ không lớn.

Tuy nhiên, đại điện đến từ Ngân hàng Nhà nước cho hay, xu hướng vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ đang có xu hướng gia tăng, và một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do mức phí do Chính phủ bảo lãnh đang thấp hơn mức của các ngân hàng thương mại.

Hiện mức phí áp dụng đối với các dự án có khả năng trả nợ tốt là 0,25 - 0,7%/năm, trong khi các ngân hàng thường áp dụng từ 0,6 - 0,75%/năm (nếu có tài sản đảm bảo) và từ 1,3 - 1,5%/năm (nếu không có tài sản đảm bảo).

“Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng nhu cầu xin bảo lãnh của Chính phủ, qua đó có thể làm tăng gánh nặng nợ công nếu các khoản vay không được kiểm soát và đầu tư có hiệu quả. Do đó, để hạn chế thực tế này, mức phí bảo lãnh của Chính phủ đối với các doanh nghiệp vay vốn cần phải dần tiếp cận theo thông lệ thị trường”, ông Bảo khuyến nghị.

Ngoài ra, hiện nay một số địa phương, chính quyền đang có xu hướng cấp bảo lãnh hoặc ủy thác cho các quỹ đầu tư phát triển địa phương bảo lãnh cho doanh nghiệp đi vay vốn của ngân hàng thương mại để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Theo ông Bảo, đây cũng là một vấn đề cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Với tình trạng diễn ra khá phổ biến như hiện nay, cần phải xem lại quy định của Chính phủ về mức dư nợ và nguồn huy động vốn không được vượt quá 30% nguồn đầu tư cơ bản trong ngân sách hàng năm của địa phương cũng như khả năng trả nợ.

Theo vị này, tuy rằng, hiện vấn đề này chưa được đề cập cụ thể trong Luật Ngân sách Nhà nước, song xét về mặt nguồn vốn và dòng vốn đi vào sản xuất kinh doanh và đầu tư, nếu giá trị bảo lãnh của ngân sách địa phương quá lớn và không được giám sát chặt chẽ, khi rủi ro xảy ra sẽ làm tăng gánh nặng nợ công.

Còn theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách (Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội), đối với các khoản nợ công hiện vẫn là vấn đề khá nhạy cảm. Cả Quốc hội và Chính phủ đều khá lo ngại về vấn đề nợ công, và hiện Chính phủ đang ráo riết xây dựng đề án đánh giá mức độ nợ và ngưỡng an toàn đối với các khoản vay.

Tuy nhiên, theo vị này, đó chỉ là biện pháp tình thế, còn về dài hạn, cần phải trình Quốc hội xem xét một chiến lược tổng thể về vay nợ và khả năng trả nợ.

Cũng theo ông Tân, hiện nay chúng ta đang quá chú trọng vào vay bao nhiêu mà ít chú ý đến việc bố trí, sử dụng vốn vào từng dự án cụ thể. Ông nói, có nhiều dự án ban đầu lập ra để đàm phán vay vốn các nước, song sau nhiều năm vẫn không thể thực hiện được. Cuối cùng phải bố trí từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hoặc vốn ngân sách.

“Chúng tôi vừa có đợt giám sát tại dự án Hồ Tả Trạch (Thừa Thiên - Huế). Đây là dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán ròng rã 4 năm trời để vay vốn ODA, song cuối cùng không đạt được kết quả, nên ngân sách đã phải chi tới 3.500 tỷ đồng, đến nay dự án vẫn dở dang”, ông Tân cho biết.