Vì sao cổ phiếu ngân hàng được các công ty chứng khoán đánh giá cao nhưng giá ngày càng lao dốc?
Cổ phiếu nhóm ngân hàng được các chuyên gia, giới phân tích và hầu hết các công ty chứng khoán đánh giá cao nhờ kỳ vọng vào lợi nhuận tăng trưởng tốt trong năm 2022. Tuy nhiên những gì đang diễn ra trên thị trường gây thất vọng lớn...
Cổ phiếu nhóm ngân hàng được hầu hết các công ty chứng khoán đánh giá cao trong suốt thời gian từ cuối năm 2021 đến nay, đơn cử như VnDirect, Yuanta hay SSI đều đánh giá nhóm này tiềm năng đầu tư.
Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, cổ phiếu nhóm này đã lao dốc trong lúc thị trường thăng hoa và cả khi thị trường "sụt lở", đây cũng là nhóm có mức giảm mạnh nhất làm thất vọng nhiều nhà đầu tư vốn thiên về phân tích cơ bản.
KỲ VỌNG CAO, GIÁ LẠI CÀNG GIẢM
Cụ thể, ngành Ngân hàng được kỳ vọng có tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức 20-25% năm 2022 nhờ các yếu tố sau: Tín dụng toàn ngành dự kiến tăng 14% với sự hồi phục kinh tế cùng gói kích thích của chính phủ; NIM tiếp tục duy trì kể cả khi lãi suất huy động tăng do các ngân hàng sẽ cắt giảm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp; Thu nhập phí tiếp tục đà tăng trưởng tốt khi kinh tế phục hồi.
Một số ngân hàng đã trích lập sớm trước thời hạn của Thông tư 03/2021/TT-NHNN sẽ không phải trích lập và/hoặc có cơ hội hoàn nhập dự phòng vì một phần nợ xấu do ảnh hưởng bởi COVID sẽ giảm áp lực trước sự hồi phục của nhiều nhóm ngành.
Một số ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh 2022 cho thấy sự lạc quan về triển vọng năm nay, đặc biệt là khối ngân hàng tư nhân. Các ngân hàng triển vọng có cơ cấu chi phí thấp và khả năng sinh lời cao cùng với mức nợ xấu thấp và bao phủ nợ xấu cao, đồng thời CAR cao so với mức quy định cho phép tăng trưởng tín dụng tốt cùng khả năng tăng trưởng thu nhập phí tốt do nền tảng khách hàng lớn.
Tuy nhiên, tính từ thời điểm tháng 2 đến nay nhiều cổ phiếu ngân hàng đã mất giá 20% đến 30%. Đơn cử, TCB là cổ phiếu được công ty chứng khoán VnDirect đánh giá cao với tiềm năng tăng giá thậm chí lên đến 70.000 đồng. Nhiều công ty chứng khoán khác cũng đưa ra nhận định khả quan với TCB tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 tháng vừa qua, thị giá TCB đã sụt giảm 19%, thủng nhiều mốc hỗ trợ cứng.
Trong khi đó, SHB là ngân hàng có mức độ giảm giá mạnh nhất 33% trong vòng 2 tháng trở lại. LPB đứng thứ hai với mức độ giảm 30%. CTG có mức sụt giảm lớn nhất với 27% chỉ trong vòng 2 tháng trở lại. Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều có mức sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Nhiều nhà đầu tư đã khốn đốn khi nghe theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán, danh mục trong thị trường dowtrend lại toàn cổ phiếu ngân hàng. “Tôi mua TCB hơn 50.000 đồng/cổ phiếu với kỳ vọng giá lên 70.000 đồng hay ít nhất là 64.000 đồng dựa trên lợi nhuận, tăng trưởng tốt cũng đột biến về bán lẻ. Tuy nhiên, chưa đầy 2 tuần đã lỗ 14%. Giờ chỉ kỳ vọng hồi được ít nào bán chút đó, không mong có lãi nữa, tôi sẽ tránh xa nhóm ngân hàng cho đến năm sau", một nhà đầu tư chia sẻ.
VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
Lý giải lý do vì sao cổ phiếu nhóm ngân hàng quay đầu giảm dù kết quả kinh doanh tốt, tại Talkshow hành động trong vòng xoáy thông tin do báo Đầu tư tổ chức chiều 21/4, ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc CTCK MBS cho rằng có 3 lý do chính.
Thứ nhất, đa phần ngân hàng trong top đầu hết room ngoại, do vậy, sự tham gia thêm của nhóm nước ngoài là không có. Hai là, thị trường đang chờ đợi các ngân hàng trích lập dự phòng, câu chuyện nợ xấu thực chất của ngân hàng và khoảng một năm nữa câu chuyện đó mới rõ hơn. Thứ ba, trong góc độ quan sát thị trường, vừa qua thị trường có sự tập trung ở nhiều nhóm cổ phiếu từ bất động sản, dầu khí, chứng khoán... do đó, không lựa chọn nhóm ngân hàng là tất yếu.
Về vấn đề định giá, theo ông Đào Phúc Tường, chuyên gia tài chính, người từng có nhiều năm làm việc tại APS Asset Management, Singapore, có sự đối nghịch lớn ở thị trường Việt Nam so với các thị trường trong khu vực. Bản thân các công ty chứng khoán định giá ngân hàng theo P/B nhưng ngoài thị trường nhà đầu tư lại dùng định giá P/E. Đây là sự khác biệt lớn.
Theo thông lệ ngành của cả thị trường quốc tế cũng như Việt Nam, hầu hết đều dùng P/B để định giá ngân hàng. Nếu dùng P/B thì hiện tại, định giá ngân hàng Việt Nam đứng sau mỗi ngân hàng tại Indonesia bởi do đặc thù NIM ngành ngân hàng của họ cao. Còn lại, so với các thị trường khác, định giá P/B của ta cao hơn nhiều. Còn P/E của ngân hàng luôn thấp, rất ít ngân hàng có P/E cao trừ ngân hàng có vấn đề lợi nhuận.
"Tôi thường tách định giá nhóm phi tài chính và nhóm tài chính. Ví dụ, định giá P/E của ngân hàng đang thấp nên kéo cả định giá Vn-Index thấp theo đâu đó khoảng 13 lần. Tuy nhiên, P/B của ngân hàng quý 1/2022 lại là vùng đỉnh của nhiều năm, đó là lí do cổ phiếu ngân hàng không hút được dòng tiền. Khi định giá đang ở vùng đỉnh cộng với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận không khác biệt thì khó hút dòng tiền, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận cao của nhóm ngân hàng đã có từ quý 4 năm ngoái các bên nhìn thấy rõ rồi mà nguyên lý của thị trường cái gì đã rõ ràng rồi thì không còn thú vị nữa", ông Tường nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng theo ông Tường, nửa đầu năm 2021 giá cổ phiếu nhóm ngân hàng đã tăng trưởng rất tốt so với nội tại do đó, không còn lực đẩy ở thời điểm hiện tại nữa.
Trước đó, FiinGroup cũng cho rằng, định giá ngành ngân hàng nói chung đang ở mức cao. Nhà đầu tư cần theo dõi giá và cập nhật triển vọng của từng ngân hàng khi ra quyết định đầu tư.