Việt Nam là một trong những nước sớm ứng dụng định danh điện tử
Tính đến cuối tháng 8, tổng số người dùng ứng dụng định danh điện tử VNeID đã đạt 5,78 triệu, tăng 4,86 triệu so với tháng trước...
Tại Hội thảo "Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp" mới đây, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội – C06 Bộ Công an cho biết, hiện có 71,8 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip đã được cấp.
Ngoài ra, 3 hệ thống gồm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân và hệ thống định danh điện tử là nền tảng cốt lõi thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Điều này đã mở ra cơ hội trong việc ứng dụng phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đại diện Bộ Công an nhấn mạnh, với nền tảng của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Bộ Công an đã xây dựng hệ thống Định danh và xác thực điện tử và chính thức cấp tài khoản định danh điện tử, đưa hệ thống vào vận hành từ ngày 18/7/2022.
“Việt Nam là một trong những nước sớm ứng dụng định danh điện tử và phổ cập danh tính số trên thế giới. Việc định danh chính xác cá nhân, tổ chức trên môi trường số là bước chuyển đổi số mạnh mẽ trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, thương mại điện tử và các nền tảng kinh doanh dịch vụ, góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia”, Đại tá Vũ Văn Tấn khẳng định.
Cụ thể, việc triển khai các dịch vụ, tiện ích trên nền dữ liệu dân cư, căn cước và định danh điện tử đem lại lợi ích kinh tế rất lớn như: tiết kiệm tối thiểu 50 tỷ đồng tiền chụp ảnh cho học sinh trên cả nước khi đăng ký thi trực tuyến; tiết kiệm 5.385 tỷ đồng tiền phát hành 107,7 triệu thẻ ATM khi triển khai sử dụng căn cước công dân thay cho thẻ ATM; Bảo hiểm xã hội Việt Nam không phải phát hành thẻ bảo hiểm y tế…
Tính đến cuối tháng 8, tổng số người dùng ứng dụng định danh điện tử VNeID đã đạt 5,78 triệu, tăng 4,86 triệu so với tháng trước. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan nghiên cứu cấp tài khoản an sinh xã hội; ứng dụng, tích hợp tài khoản định danh và xác thực điện tử, giải pháp xác thực căn cước công dân gắn chip để phát triển thương mại điện tử và giao kết hợp đồng điện tử… Do đó, người dân thanh toán, giao dịch với ngân hàng chỉ bằng 1 thẻ; tích hợp các giấy tờ như bằng lái xe, đăng ký xe, thẻ hội viên…
Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP.HCM năm 2022 với Chủ đề “Chuyển đổi số - động lực mới cho phát triển của Thành phố” sẽ khai mạc ngày 13-14/10 tại Trung tâm Sự kiện White Palace TP. Thủ Đức. Sự kiện bao gồm các hoạt động triển lãm Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP.HCM và Hội thảo khoa học “Chính sách cấp cao về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” như Cơ chế tài chính và mô hình hợp tác công tư (PPP) trong công cuộc chuyển đổi số (ông Dominic Mellor, Chuyên gia trưởng về đầu tư Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam); Khuyến nghị về chính sách để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ông Toni Kristian Eliasz, Chuyên gia cấp cao về phát triển số World Bank); Khuyến nghị, thiết kế chính sách cho TP.HCM về chuyển đổi số trong giai đoạn tới (bà Chu Hồng Hạnh, Giám đốc sáng tạo Ngân hàng ACB); Kinh nghiệm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng hình thành các trung tâm Đổi mới sáng tạo (ông Tero Blomqvist, Tổng Giám đốc Kaira Clan)... Cùng sự quan tâm, chia sẻ của các Bộ ngành, diễn giả, doanh nghiệp trong và ngoài nước.