16:26 04/09/2022

Vụ kiện tranh cãi hợp đồng cho vay hay mua cổ phần?

Đỗ Như

Hợp đồng giữa hai doanh nghiệp thể hiện là cho vay tiền song phía bị đơn cho rằng thực chất là khoản tiền đầu tư mua cổ phần?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xét xử vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa Công ty cổ phần IDS Equity Holdings và Công ty cổ phần Printopia Việt Nam.

Theo hồ sơ, năm 2017, hai doanh nghiệp ký kết hợp đồng cho vay. Theo đó, IDS cho Printopia vay 3,8 tỷ đồng, thời hạn vay 4 tháng, lãi suất 0,1%/tháng trên cơ sở 1 tháng có 30 ngày và lãi suất vay cố định trong suốt thời gian vay. Trong trường hợp quá thời hạn cho vay mà Printopia không thanh toán hết nợ sẽ tính phạt chậm trả là 0,1%/ngày trên số ngày và số tiền thực tế chậm trả, thời hạn chậm thanh toán không quá 60 ngày.

Từ ngày 6/12/2017 đến ngày 18/1/2018, IDS đã chuyển khoản cho Printopia số tiền trên.

Tiếp đến ngày 14/3/2018, hai bên ký kết phụ lục hợp đồng cho vay, thay đổi nội dung số tiền vay là 4,3 tỷ đồng, thời hạn 6 tháng. Ngày 3/7/2018, hai bên tiếp tục ký phụ lục hợp đồng lần 2, số tiền vay nâng lên 5,4 tỷ đồng, thời hạn vay 9 tháng.

Hết thời hạn trên, do Printopia không trả lại tiền vay và lãi phát sinh nên IDS khởi kiện ra tòa án, đề nghị Printopia phải thanh toán nợ gốc và lãi 11,3 tỷ đồng.

Theo đại diện pháp luật của Printopia, đây không phải là khoản tiền vay mà khoản số tiền IDS mua 49% cổ phần của bị đơn. Tuy nhiên, vị này cho biết do bộ phận tài chính của IDS cũng là kế toán trưởng của Printopia nên ông không xuất trình được tài liệu chứng cứ về vấn đề này. Trị giá hợp đồng khoảng 22 tỷ đồng, hiện nay IDS còn thiếu khoảng 6 tỷ đồng để đầu tư 49% cổ phần. Printopia chỉ nhất trí trả tiền gốc, không đồng ý trả lãi vì đây là tiền đầu tư, không phải vay nợ.

Quá trình tố tụng, phía nguyên đơn thay đổi đơn khởi kiện về tính lãi, yêu cầu số tiền nợ gốc và lãi là hơn 9,5 tỷ đồng.

Tòa án cho rằng, phía bị đơn không cung cấp được chứng cứ xác định nguyên đơn mua 49% cổ phần và 2 bên còn nợ nhau.

Về cách tính lãi trong hạn, tòa án chấp nhận cách tính tiền lãi trong hạn 0,1%/tháng. Còn về lãi quá hạn, điều 3.1 hợp đồng quy định, trong trường hợp quá thời hạn, bên B không thanh toán đủ hoặc không thanh toán hết nợ gốc và lãi thì tổng số tiền gốc và lãi còn nợ sẽ được tính lãi phạt chậm trả là 0,1%/ngày trên số ngày và số tiền thực tế chậm trả và thời hạn chậm thanh toán không quá 60 ngày. Thỏa thuận trên không phù hợp với điều 468 Bộ luật Dân sự nên tòa án không chấp nhận thỏa thuận này mà phải tính lại lãi.

Theo đó, nợ lãi trong hạn là 36,5 triệu đồng; lãi quá hạn tính đến ngày xét xử là 4,1 tỷ đồng; lãi trên nợ lãi chưa trả là 14 triệu đồng. Tổng số tiền nợ gốc và lãi là hơn 9,5 tỷ đồng.

Kể từ ngày xét xử sơ thẩm, Printopia còn phải chịu số tiền lãi chậm trả trên số tiền gốc theo mức lãi suất theo hợp đồng mà 2 bên thỏa thuận là 20%/năm.