Vượt Facebook, TikTok thành ứng dụng được tải về nhiều nhất thế giới
Ra mắt vào năm 2017, TikTok đã nhanh chóng qua mặt Facebook, WhatsApp, Instagram và Facebook Messenger - tất cả đều thuộc sở hữu của Facebook - về lượt tải xuống trên toàn cầu...
Một khảo sát toàn cầu của Nikkei Asia cho thấy, TikTok - ứng dụng chia sẻ video của công ty Trung Quốc ByteDance - là ứng dụng được tải về nhiều nhất thế giới trong năm 2020. Đây là lần đầu tiên ứng dụng này dẫn đầu danh sách kể từ khi khảo sát thường niên này bắt đầu được thực hiện vào năm 2018.
Trong khi đó, ứng dụng nhắn tin Facebook Messenger tụt một bậc xuống vị trí thứ hai trong danh sách năm nay.
Ra mắt vào năm 2017, TikTok đã nhanh chóng qua mặt Facebook, WhatsApp, Instagram và Facebook Messenger - tất cả đều thuộc sở hữu của Facebook - về lượt tải xuống trên toàn cầu.
Trong đại dịch, TikTok càng trở nên phổ biến hơn ba giờ hết, trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất tại châu Âu, Nam Mỹ và Mỹ.
Tuy vậy, nhiều người cho rằng thông tin cá nhân chia sẻ qua nền tảng TikTok không được đảm bảo an toàn. Năm 2020, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu ByteDance bán TikTok tại Mỹ, nếu không sẽ bị cấm hoạt động vì lý do an ninh quốc gia. Sau đó, khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã rút lại sắc lệnh của người tiền nhiệm.
Tuy nhiên, ByteDance cũng như ứng dụng TikTok vẫn đối mặt nhiều bất ổn trong tương lai. Theo Financial Times, ByteDance dự kiến điều chỉnh kế hoạch niêm yết cổ phiếu trong vài tháng tới, trong khi người phát ngôn của công ty này nói với Nikkei Asia rằng không có kế hoạch nào như vậy.
Trở lại bảng xếp hạng toàn cầu, Telegram, ứng dụng nhắn tin được phát triển tại Nga nhưng hiện đặt trụ sở ở Đức, vươn lên vị trí thứ 7. Ứng dụng này được đánh giá cao về mức độ riêng tư khi cho phép người dùng thiết lập tự động xóa tin nhắn trong một khoảng thời gian nhất định. Telegram trước đó được sử dụng phổ biến trong nhóm những người biểu tình ở Hồng Kông và Thái Lan.
Trong khi đó, ứng dụng Likee, đối thủ đồng hương của TikTok với nền tảng tạo video ngắn cho các công ty triển khai chiến lược tiếp thị, xếp thứ 8 về lượt tải về trên toàn cầu.
Theo các nhà phân tích, người dùng mạng xã hội đang có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới vấn đề riêng tư, thay vì lựa chọn theo sự tiện lợi và tận dụng cơ hội sử dụng miễn phí.
"Cách tiếp cận của các công ty trong việc xử lý dữ liệu sẽ trở thành yếu tố quyết định để người dùng đưa ra lựa chọn”, Phó giáo sư Shinichi Yamaguchi tại Trung tâm Trung tâm Truyền thông Toàn cầu, nhận định với Nikkei Asia.
Line, ứng dụng nhắn tin đặc biệt phổ biến tại Thái Lan, bị loại khỏi top 10 toàn cầu do cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ. Tuy nhiên, tại Nhật, ứng dụng này thăng hạng lên vị trí dẫn đầu. Line đang hướng tới mục tiêu trở thành một siêu ứng dụng với việc thúc đẩy tính năng thanh toán.
Line được nhà chức trách tỉnh Osaka, Nhật Bản sử dụng để nhận đăng ký tiêm vaccine Covid-19 của cư dân. Ứng dụng này cũng được chính quyền nhiều địa phương khác của Nhật sử dụng để phổ biến thông tin, do đó ngày càng trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, một nhà thầu phụ tại Trung Quốc của Line được phát hiện đã có thể tiếp cận dữ liệu người dùng tại Nhật, làm dấy lên lo ngại về tính bảo mật của ứng dụng này.
Tại Trung Quốc, các ứng dụng nội địa chiếm trọn top 10 về nhiều nhất. Ba ứng dụng dẫn đầu trong top 10 tại nước này gồm gồm Douyin - phiên bản TikTok tại Trung Quốc của ByteDance và hai ứng dụng nhắn tin của Tencent - QQ và WeChat.