06:00 29/09/2022

Xây dựng chính sách an sinh xã hội theo hướng đa tầng

Hà Lê

Chính sách an sinh xã hội đã khẳng định vai trò là xương sống của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống...

Nhiều hộ đã thoát nghèo, làm giàu trên quê hương
Nhiều hộ đã thoát nghèo, làm giàu trên quê hương

Đó là quan điểm đã được các đại biểu khẳng định tại các cuộc hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 được tổ chức tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

NHIỀU ĐIỂM SÁNG TRONG CHÍNH SÁCH

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu nghị quyết với nhiều điểm sáng trong chính sách người có công và các chương trình an sinh xã hội. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,2 triệu người có công được hưởng trợ cấp thường xuyên.

Ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện khoa học lao động và xã hội, khẳng định chính sách an sinh xã hội là xương sống của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống.

Trong đó, bao gồm các chính sách việc làm, thu nhập và giảm nghèo; bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp; trợ giúp xã hội; đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản; giáo dục tối thiểu; y tế tối thiểu; nhà ở tối thiểu, nước sạch, tiếp cận thông tin; thực hiện các mục tiêu của Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid-19.

 

Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm, từ 14,2% cuối năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015. Giai đoạn 2016-2020, mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm bình quân 1-1,5%/năm, từ 7,9% năm 2016 xuống còn 2,23% năm 2021; thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 bằng 2,3 lần so với năm 2015, bằng 3,5 lần năm 2010…

“Thành tựu đạt được qua 10 năm thực hiện cho thấy quyền an sinh xã hội của người dân cơ bản được đảm bảo tốt hơn. Sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của người dân và doanh nghiệp ngày càng tích cực và hiệu quả. Hợp tác quốc tế được tăng cường mở rộng đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội”, ông Bùi Tôn Hiến nhấn mạnh.

Ở góc độ địa phương, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 khóa XI, nhiều mô hình đã được duy trì, có tác động, làm tăng hiệu quả góp phần hoàn thành và vượt các chỉ tiêu của kế hoạch đề ra.

Điển hình như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, nhà tình nghĩa, mái ấm công đoàn, khu nhà trọ với giá điện nước đúng quy định; chương trình giảm nghèo với tiêu chí đa chiều đã nói lên tính bền vững của chính sách xã hội hay cuộc vận động “Vì người nghèo” đã có sức lan tỏa sâu rộng vào đời sống nhân dân, được sự đồng thuận tham gia của toàn xã hội.

Các chương trình đã huy động được nguồn lực to lớn để chăm lo cho người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách khó khăn như: hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm...

Ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, cũng nhìn nhận qua 10 năm thực hiện nghị quyết, người có công, người yếu thế đã được chăm lo toàn diện hơn cả về vật chất và tinh thần; đời sống ngày được cải thiện, nâng cao, thể hiện bản chất tốt đẹp của Đảng, Nhà nước, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và sự ổn định chính trị, xã hội.

Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về chính sách xã hội có chuyển biến rõ rệt. Hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản bảo đảm công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

KHUYẾN NGHỊ 4 LĨNH VỰC CẦN QUAN TÂM

Dưới góc độ quốc tế, bà Ingrid Christensen, Giám đốc quốc gia ILO tại Việt Nam, cho rằng việc ban hành và triển khai Nghị quyết 15 Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 đã đánh dấu một bước đột phá lớn, tạo tiền đề cho Việt Nam tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất về an sinh xã hội.

Trong đó, việc sửa đổi các Luật Việc làm (năm 2013), Luật Bảo hiểm xã hội (2014), Luật Bảo hiểm y tế (2014) đã đưa hệ thống an sinh xã hội đến gần với các nguyên tắc và ý tưởng của Nghị quyết số 15/TƯ.

Xây dựng chính sách an sinh xã hội theo hướng đa tầng - Ảnh 1

Nhìn nhận sau 10 năm thực hiện Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 5 khóa XI, bà Ingrid Christensen nhấn mạnh, dù đạt được nhiều kết quả nổi bật về các chính sách hỗ trợ xã hội, nhưng Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn, thách thức và cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả mọi người.

Định hướng cho chính sách an sinh xã hội trong giai đoạn mới, bà Ingrid Christensen cho rằng Việt Nam cần đặt mục tiêu xây dựng hệ thống an sinh xã hội theo hướng đa tầng, dựa trên cách tiếp cận vòng đời, bền vững, bao trùm, đáp ứng cú sốc (như dịch Covid-19), nhạy cảm về giới và đảm bảo khi tiếp tục phát triển kinh tế nhanh cũng không để ai lại phía sau.

Đại diện ILO khuyến nghị 4 lĩnh vực, chính sách cần quan tâm gồm: Tăng cường liên kết và phối hợp trong an sinh xã hội; mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội cần tập trung vào các chính sách về bảo hiểm xã hội bắt buộc; mở rộng đầu tư cho an sinh xã hội; kết nối giữa an sinh xã hội và chính sách việc làm.

“Để thực hiện tốt mục tiêu này, Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào an sinh xã hội. Đây là động lực chính để đảm bảo phục hồi sau đại dịch, đồng thời cũng là đầu tư vào nguồn nhân lực sau đại dịch, góp phần vào việc hoàn thiện độ bao phủ chính sách và giúp người dân chống chọi với các cú sốc về kinh tế”, bà Ingrid Christensen nói.

CON NGƯỜI LÀ TRUNG TÂM CỦA QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Ông Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng việc thực hiện chính sách xã hội cần đảm bảo tính kiên trì, bền vững và “lấy con người làm trung tâm trong tất cả chính sách”.

Mặt khác, chính sách xã hội không thể ngắt quãng mà phải có tính kế thừa, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình hay cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đại dịch Covid-19 vừa qua chính là phép thử lớn về chính sách xã hội, qua đó đánh giá được tính bền vững của từng chính sách cụ thể. Do đó, chính sách xã hội phải sát với thực tiễn và có cách tiếp cận mới.

 

Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc (từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2020).

Theo ông Phạm Văn Linh, Việt Nam, sẽ ban hành một nghị quyết mới về chính sách xã hội cho giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để quản lý và phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, với định hướng, con người là trung tâm của quá trình phát triển, bảo đảm chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế.

Xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

“Hệ thống chính sách xã hội năm 2030 hướng đến toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau; tạo nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; đáp ứng mục tiêu của nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”, ông Phạm Văn Linh nhấn mạnh.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhận định hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu nghị quyết với nhiều điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội, trong tổng số 26 chỉ tiêu có 5 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn và 16 chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020.

Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công (trong đó có hơn 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng); bảo đảm 99,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú; 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sỹ…

 

Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hàng năm, đạt 3,25 triệu người (bao phủ 3,5% dân số) năm 2021. Một số địa phương tự cân đối được ngân sách đã chủ động tăng ngân sách cho trợ giúp xã hội, điều chỉnh nâng mức trợ cấp hàng tháng cao hơn mức chuẩn chung hoặc mở rộng diện thụ hưởng chính sách.