Xây dựng chính sách ưu tiên đột phá để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của thương mại biên giới
Quy mô trao đổi hàng hóa qua tất cả các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới đất liền đã đạt hàng chục tỷ USD mỗi năm, song hoạt động thương mại biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, chưa xứng với tiềm năng.…
Bộ Công Thương cho biết để thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ trên toàn tuyến biên giới đất liền, Chính phủ Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại biên giới với Chính phủ các nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia và lần lượt ký các hiệp định, thỏa thuận quan trọng liên quan khác về kiểm dịch, chất lượng hàng hóa, thanh toán…
HẠN CHẾ TỪ HẠ TẦNG ĐẾN HÀNG HOÁ
Tuy nhiên, tại "Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc" bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thẳng thắn cho rằng thương mại biên giới toàn tuyến biên giới đất liền vẫn còn nhiều hạn chế.
Mặc dù cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu các tỉnh biên giới đã được quan tâm đầu tư, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, nhưng hệ thống logistics vẫn còn một số vấn đề, như khó khăn trong khai thác đường sắt với Trung Quốc do chưa đồng bộ về khổ đường ray; hệ thống sông dốc, nhiều đá ngầm khi khai thác vận tải; chưa có trung tâm logictics với đầy đủ các chức năng cơ bản. Do đó, dẫn đến chi phí dịch vụ logictics còn cao, tính liên kết giữa các vùng, các doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế.
Đối với tuyến biên giới giáp Lào, việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, tuyến đường liên huyện tại một số khu vực còn chậm và chưa tương xứng với nhau, chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới.
Không những thế, hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới Việt Nam – Trung Quốc chủ yếu là nông sản, trái cây. Đồng thời, số lượng chủng loại nông sản, trái cây được xuất khẩu cũng rất hạn chế so với tiềm năng sản xuất, chế biến nông sản, trái cây của Việt Nam. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản chưa được ký Nghị định thư về kiểm dịch nên phải kiểm tra thực tế 100% lô hàng, ảnh hưởng đến thời gian thông quan.
Đối với tuyến biên giới giáp Lào, hàng hóa sản xuất có quy mô nhỏ, phần lớn là nguyên liệu chưa qua chế biến, mang tính thời vụ, không ổn định, số lượng mặt hàng còn ít, giá trị thấp, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ.
Còn với tuyến biên giới giáp Campuchia, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia có cơ cấu tương đồng với hàng hóa của Thái Lan, Trung Quốc và chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, mẫu mã và giá cả.
Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động thương mại biên giới đều không ưu tiên lựa chọn hình thức xuất nhập khẩu chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính,...).
Là địa phương có biên giới giáp với Lào, ông Cao Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cũng thừa nhận, thương mại biên giới Nghệ An - Lào trong những năm qua có bước phát triển nhưng chưa xứng với tiềm năng của mỗi bên. Kim ngạch xuất nhập khẩu đối với thị trường Lào còn đạt thấp (chỉ chiếm khoảng 5% trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An).
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Nghệ An sang Lào còn có tỷ trọng lớn là nguyên, nhiên liệu và các sản phẩm thô, chưa qua chế biến, có giá trị gia tăng không cao. Số lượng hàng hóa xuất, nhập còn nhỏ, lẻ và phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về giá cả, chủng loại, chất lượng với hàng hóa của Thái Lan, Trung Quốc ...
CẦN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG BIÊN GIỚI HIỆN ĐẠI
Để thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu, mua bán trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trên toàn tuyến biên giới đất liền, đại diện Cục xuất nhập khẩu đề xuất một số giải pháp cụ thể.
Đầu tiên, theo bà Linh cần rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế cửa khẩu, vào hoạt động sản xuất, chế biến, thương mại tại khu vực biên giới.
Tiếp đến, tập trung thu hút đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng, đặc biệt là tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh theo quy hoạch tạo thành mạng lưới đường sắt kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc) để nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều qua các cửa khẩu, nhằm đa dạng hóa phương thức vận chuyển là đường bộ, đường hàng không, đường biển và đường sắt, giảm chi phí logistics.
Song song với đó, có chính sách thu hút đầu tư để xây dựng trung tâm logistics quy mô, hiện đại, đầy đủ các chức năng như: Vận tải, kho bãi, đại lý hải quan, tư vấn pháp luật, kiểm nghiệm, kiểm dịch ... theo hướng chất lượng, văn minh, hiện đại, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, thương nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn.
Đồng thời, tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật những kiến thức mới, những quy định mới trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại biên giới cho các lực lượng chức năng, cán bộ quản lý và cho các doanh nghiệp của hai nước.
Mặt khác, phải liên tục cập nhật, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của thị trường Trung Quốc và các thị trường nước ngoài có tiềm năng khác để từ đó định hướng hoạt động sản xuất, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu.
Các tỉnh cũng cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại trên nền tảng số giúp các doanh nghiệp, địa phương khai thác tốt các thông tin về cửa khẩu, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Hỗ trợ kinh phí tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội chợ, triển lãm thương mại biên giới, nhằm tăng cường kết nối giao thương và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa giữa thương nhân và cư dân biên giới hai nước.
Đặc biệt, có phương án hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính,...).
Ngoài ra, cần tiếp tục mở rộng triển khai thí điểm nền tảng “Cửa khẩu số” để quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động xuất nhập khẩu trên toàn tuyến biên giới phía Bắc; đồng bộ việc quản lý, kiểm tra, giám sát giữa dòng chảy dữ liệu và dòng chảy vật chất về phương tiện, hàng hóa.
“Để phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới bền vững, cần tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”, bà Linh nhấn mạnh.