20:13 13/10/2022

Xây dựng chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu mạnh để khắc phục những rủi ro trong thương mại

Vũ Khuê

Covid tạo ra sự gián đoạn thương mại trong khu vực APEC như làm giảm 6,3% giá trị xuất khẩu, 5,5% giá trị nhập khẩu trong năm 2020, nhiều nhà máy phải đóng cửa khiến sản xuất tụt giảm mạnh...

Covid khiến vận tải biển thiếu container rỗng gây gián đoạn chuỗi cung ứng.
Covid khiến vận tải biển thiếu container rỗng gây gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trong khuôn khổ hợp tác APEC, Bộ Công Thương phối hợp với các thành viên APEC tổ chức hội thảo "APEC về cơ hội và thách thức với chuỗi giá trị toàn cầu trong đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch”. Hội thảo diễn ra trong hai ngày 13-14/10 tại Hà Nội.

Sự kiện là dịp để các nền kinh tế và bên liên quan chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về những thách thức mà các chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs) phải đối mặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng như những cơ hội để thúc đẩy GVCs phát triển trong và sau đại dịch.

THÁCH THỨC VẪN CHƯA HẾT

Phát biểu khai mạc, ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) cho rằng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến sự phục hồi và tăng trưởng của kinh tế thế giới. Triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn, chủ yếu liên quan đến sự phát triển của đại dịch.

Sự suy giảm của các hoạt động năm 2020 là chưa từng thấy trong lịch sử, nhưng còn có thể tồi tệ hơn rất nhiều (ước tính gấp 3 lần) nếu không có các chính sách hỗ trợ đặc biệt.

Covid-19 đặt ra những thách thức chưa từng có đối với các chuỗi giá trị toàn cầu với sự gián đoạn cả nguồn cung hàng hoá-dịch vụ và nhu cầu của người dân. Trong những ngày đầu của đại dịch, nhiều biện pháp phong toả nghiêm ngặt được áp dụng tại nhiều nền kinh tế nửa đầu năm 2020. Điều này dẫn đến nhiều hoạt động sản xuất- kinh doanh bị hạn chế đáng kể, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn.

Kinh tế khu vực và thế giới đối mặt với sự thiếu hụt lớn nguồn cung đầu vào trung gian cho các ngành công nghiệp. Cú sốc này càng lan truyền nhanh chóng thông qua các chuỗi cung ứng. Đặc biệt, trong giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng, Covid-19 đã làm chậm, gián đoạn việc mở rộng GVCs.

Ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đồng tình, nền kinh tế thế giới đang hồi phục tuy nhiên có thể đi chậm hơn so với trước đây. Song bên cạnh Covid-19, những bệnh dịch khác như đậu mùa khỉ hoặc những bệnh miễn dịch khác nữa cũng gây ra tình trạng khá phức tạp trong vấn đề về y tế cộng đồng.

Ông Trịnh Minh Anh và ông Nguyễn Anh Dương chia sẻ tại hội thảo.
Ông Trịnh Minh Anh và ông Nguyễn Anh Dương chia sẻ tại hội thảo.

Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị cũng làm gián đoạn, tăng giá hàng hóa… Điều này sẽ còn tiếp tục có những ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian tới khi mà hiện nay căng thẳng giữa Nga với Ukraine vẫn chưa được giải quyết, các quốc gia phương Tây vẫn tiếp tục duy trì những lệnh trừng phạt đối với Nga…

Tháng 12/2021, IMF dự báo, gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể là sẽ còn tiếp tục tới cuối năm nay. Tuy nhiên, thời điểm dự báo khi chưa có xung đột giữa Nga và Ukraine. Sự tăng giá với năng lượng, nông sản thời gian qua cũng ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một yếu tố nữa, đó là ảnh hưởng về tiến trình phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu. Rủi ro về biến đổi khí hậu vẫn là lớn trong tương lai, đặc biệt trong khu vực APEC, mức rủi ro này ở mức tương đối trung bình cao. Thiên tai lũ lụt trong khu vực vừa qua cũng làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, việc áp dụng các chuẩn mực và các tiêu chuẩn mới ở một số thị trường nhằm ngăn việc xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ từ những cái quốc gia khác, như cơ chế ranh giới carbon của Liên minh Châu Âu có thể khiến việc xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ từ APEC gặp trở ngại.

DOANH NGHIỆP CẦN NÂNG CAO KHẢ NĂNG ĐƯƠNG ĐẦU VỚI CÁC CÚ SỐC

Trước những rủi ro gây gián đoạn chuỗi cung ứng, ông Dương cho rằng rõ ràng chúng ta không có cách nào khác là phải tăng cường năng lực để thích ứng với những gián đoạn trong chuỗi cung ứng.

“Nếu chúng ta không làm được như vậy thì rõ ràng biến đổi khí hậu và những hệ lụy của nó sẽ còn tiếp tục gây ra nhiều gián đoạn nữa trong thời gian tới”, ông Dương nhấn mạnh.

Đối mặt với hệ quả chi phí cao hơn, tài chính xanh, trái phiếu xanh… nếu doanh nghiệp không tuân thủ theo hướng phát triển bền vững thì đối thủ cạnh tranh của họ có lợi. Hơn nữa, người tiêu dùng nhận thức nhiều hơn về tiêu dùng và sản xuất xanh. Nếu doanh nghiệp không tuân thủ thì sẽ mất đi khách hàng (50% CEO đề cập đến vấn đề này).

Ngoài ra, cần lan toả khối FDI sang doanh nghiệp trong nước, cần thực hiện đa dạng hoá chuỗi cung ứng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong nước, giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.

Đang có sự nỗ lực của các chính phủ, doanh nghiệp trong giảm rủi ro trong chuỗi cung ứng, song điều này cần làm thường xuyên, có sự hợp tác với nhau trong chuỗi cung ứng để giải quyết những rủi ro trong tương lai, tạo lòng tin của các tập đoàn nước ngoài, giúp họ không ngại ngần đầu tư vào khu vực APEC.

TS.Akhmad Bayhaqi, Chuyên gia phân tích hỗ trợ chính sách APEC cũng chỉ rõ, Covid tạo ra sự gián đoạn thương mại trong khu vực APEC như làm giảm 6,3% giá trị xuất khẩu, 5,5% giá trị nhập khẩu trong năm 2020, nhiều nhà máy phải đóng cửa khiến sản xuất tụt giảm mạnh.

Do đó, để khắc phục những rủi ro từ gián đoạn chuỗi cung ứng, cần xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu với khả năng chống chịu mạnh. Chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu đó là phải mạnh mẽ để đương đầu với các cú sốc. Có độ nhanh nhạy, khôi phục nhanh từ các cú sốc một cách hiệu quả.

Mặt khác, cần thiết kế tính linh hoạt từ chuỗi cung ứng. Cần đề ra những phương án, kịch bản lựa chọn khác nhau để đối phó với bất kỳ sự thay đổi nào. Bên cạnh đó là khả năng phục hồi cần mang tính bền vững. “Khả năng chống chịu không phải miễn phí mà các công ty cần đầu tư vào các giải pháp này”, TS Akhmad Bayhaqi nhấn mạnh.

Hơn nữa, cần có chiến lược về đầu tư, các công ty có thể chọn lựa chiến lược đầu tư để đương đầu với các rủi ro, đầu tư vào khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng.

Một trong số chiến lược nâng cao khả năng chống chịu đó là chính phủ cung cấp cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ về hạ tầng nhằm thúc đẩy vận chuyển, kết nối truyền thông hỗ trợ khối tư nhân.

Đồng thời, theo TS.Akhmad Bayhaqi, cần xem xét rủi ro ở cấp độ toàn cầu, vấn đề môi trường, phục hồi kinh tế xanh cũng quan trọng. Doanh nghiệp tư nhân cần chú ý vấn đề này để nâng cao khả năng chống chịu trong chuỗi cung ứng.

Các Chính phủ cần thúc đẩy trao đổi kiến thức của chuỗi cung ứng toàn cầu, chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác để khai thác hết lợi thế. Cập nhật, nâng cấp, có chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có khả năng chống chịu cao hơn, có kiểm soát tốt hơn chuỗi cung ứng.