Xuất hiện áp lực chốt lời, thị trường giằng co, cổ phiếu trụ nỗ lực đỡ điểm số
Các chỉ số tăng cao nhất đầu phiên sau đó trượt dần xuống, độ rộng cũng cân bằng, không còn tăng áp đảo. Thanh khoản tăng nhẹ và chủ yếu vẫn dựa vào dòng vốn trong nước. VN-Index chốt phiên tăng nhẹ 2,11 điểm, hầu hết là nhờ một số mã vốn hóa lớn trong nhóm ngân hàng, dầu khí nâng đỡ dù mức tăng ở nhóm này cũng không mạnh...
Các chỉ số tăng cao nhất đầu phiên sau đó trượt dần xuống, độ rộng cũng cân bằng, không còn tăng áp đảo. Thanh khoản tăng nhẹ và chủ yếu vẫn dựa vào dòng vốn trong nước. VN-Index chốt phiên tăng nhẹ 2,11 điểm, hầu hết là nhờ một số mã vốn hóa lớn trong nhóm ngân hàng, dầu khí nâng đỡ dù mức tăng ở nhóm này cũng không mạnh.
Thị trường tiếp diễn quán tính tăng khá tốt nửa đầu phiên sáng, sau một ngày khá tưng bừng hôm qua. VN-Index đạt đỉnh lúc 9h35, tăng 0,5% trước khi tụt dần xuống trong thời gian còn lại. Độ rộng thời điểm chỉ số đạt đỉnh là 212 mã tăng/79 mã giảm. Kết phiên chỉ số còn 178 mã tăng/175 mã giảm.
Áp lực chốt lời có tín hiệu rõ hơn khi thống kê cho thấy lợi nhuận T+ xuất hiện ở rất nhiều cổ phiếu. Đầu tiên là thanh khoản sàn HoSE sáng nay tăng hơn 10%, đạt 4.520 tỷ đồng. Thứ hai là đà trượt giá phổ biến, khi 80% số cổ phiếu phát sinh giao dịch sáng nay không thể giữ ở giá cao nhất lúc kết phiên. Trong đó, 50% số cổ phiếu trượt giảm từ 1% trở lên. Thứ ba, độ rộng thay đổi nhiều, cả trăm cổ phiếu từ xanh và tham chiếu thành đỏ.
VN30-Index chốt phiên tăng 0,16%, Midcap tăng 0,02%, Smallcap tăng 0,05%. Từ chỗ VN-Index có tới 160 cổ phiếu tăng cao nhất hơn 1% so với tham chiếu, kết phiên chỉ còn 71 mã. Như vậy hiện tượng tăng mạnh đồng loạt trong phiên hôm qua đã nhanh chóng hạ nhiệt. Vẫn chỉ là một số cổ phiếu có lợi thế, hoặc thanh khoản nhỏ, hoặc hút được dòng tiền là có thể giữ biên độ tăng tốt.
Trong 71 cổ phiếu đang tăng hơn 1% ở HoSE, chỉ 20 mã đạt thanh khoản trên 10 tỷ đồng. Khá ấn tượng là KBC tăng 3,83% với giao dịch 275,3 tỷ đồng; HSG tăng 2,24% với 219,7 tỷ; PVD tăng 3,54% với 188,8 tỷ; LPB tăng 2,2% với 130,5 tỷ; NKG tăng 3,45% với 122 tỷ. Đây cũng là các cổ phiếu thuộc Top 10 mã giao dịch lớn nhất thị trường phiên sáng. Ngược lại, hiện tượng xả mạnh đẩy thanh khoản lên cao và giá giảm xuất hiện tại DIG, FTS, NLG, BMP, SBT, KHG, CTD… Nhiều mã trong số này có biên độ tăng ngắn hạn vừa rồi khá tốt.
Điểm tích cực là thị trường vẫn đang được giữ trong trạng thái giằng co tốt, tăng tuy không mạnh những biến động lùi giá cũng hẹp. VN-Index tăng 2,11% với các trụ VCB tăng 0,65%, GAS tăng 1,29%, BID tăng 0,78%, CTG tăng 0,9%, HPG tăng 0,93%. Có thể thấy các trụ tăng không có gì ấn tượng, nhưng đủ để để lại lợi thế về điểm số trong bối cảnh cổ phiếu tăng giảm cân bằng về số lượng. Ngay trong rổ VN30, 18 mã tăng và 10 mã giảm cũng không tạo được điểm số nhiều, chỉ số đại diện chỉ tăng 0,16% hay 1,69 điểm.
Việc thị trường phân hóa trở lại là điều không bất ngờ vì giai đoạn hiện tại vẫn chưa rõ ràng về xu hướng. Sau đợt giảm trọn trong tháng 4, thị trường hồi lên vài ngày là điều bình thường, một số cổ phiếu cụ thể có biên độ tăng mạnh hơn. Vì thị trường vẫn đang đi ngang, nhà đầu tư sẽ có xu hướng lướt sóng ngắn hạn và hiện thực hóa lợi nhuận nhanh, nhất là sau khi xuất hiện phiên tăng khá bùng nổ như hôm qua.
Khối ngoại sáng nay giải ngân tương đương sáng hôm qua, nhưng thanh khoản của HoSE lại tăng, đồng nghĩa với lượng tiền từ khối nhà đầu tư trong nước tăng. Tổng mua hiện mới đạt 263,1 tỷ đồng, bán ra 355,2 tỷ, tương ứng bán ròng nhẹ 92,1 tỷ đồng. HPG đang được mua tốt với 38,8 tỷ, VNM +199 tỷ. Phía bán cũng chỉ có CTG -22,3 tỷ đồng là đáng kể.